Lập facebook cho vua Quang Trung: Thầy cô phải... bắt kịp thời đại

Tùng Anh Thứ bảy, ngày 17/09/2016 09:40 AM (GMT+7)
Ngoài việc... lập facebook cho vua Quang Trung, học sinh của cô Ngô Thị Thu Giang - trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) từng học văn bằng cách đóng kịch, làm talk show và lồng tiếng cho phim.
Bình luận 0

Mới đây, bài tập môn Ngữ văn của học sinh lớp 9G trường Phổ thông liên cấp Olympia đã “gây bão” trên mạng xã hội vì cách trình bày rất sáng tạo, độc đáo.

Cụ thể, các học sinh lớp 9G đã lập ra một trang Facebook giả định của vua Quang Trung và cập nhật Timeline - Dòng thời gian tương ứng với các sự kiện và các mốc thời gian trong trận đánh đại phá 20 vạn quân thanh của Hoàng đế Quang Trung vào tết Kỷ Dậu năm 1789.

img

Môn Ngữ văn ở trường Phổ thông liên cấp Olympia được giảng dạy theo cách độc đáo. 

Trả lời báo Dân Việt, cô Ngô Thị Thu Giang – giáo viên Văn, người trực tiếp hướng dẫn học sinh làm tác phẩm này cho biết, Timeline facebook vua Quang Trung là sản phẩm nằm trong hoạt động đọc hiểu tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Gia Văn Phái trong chương trình Ngữ Văn lớp 9. Lớp được tổ chức học tập theo trạm.

“Ba nhóm trong lớp được giao 3 nhiệm vụ với cùng một mục tiêu như trên với ba sản phẩm như sau: Dòng thời gian tóm tắt sự kiện trong cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung ra Thăng Long (hình thức học sinh tự chọn, cô giáo chỉ gợi ý về timeline facebook); Tìm hiểu về hình tượng vua Quang Trung (sơ đồ tư duy); Tìm hiểu về lời phủ dụ (hịch kêu gọi - pv) của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. 

Ba sản phẩm này sẽ được ba nhóm thuyết trình trên lớp để đảm bảo cả lớp đều nắm được đầy đủ nội dung bài học. Chỉ gợi ý một chút thôi nhưng sau khi các em hoàn thiện bài tập tôi khá “giật mình” về khả năng tư duy và trình bày sáng tạo của các em” – cô Giang cho biết.

Cô Giang cũng nhận xét, cách trình bày bài tập bằng Timeline có sự tương đồng khá lớn giữa cách trần thuật sự việc, miêu tả tâm trạng, cảm xúc... của tác giả với những đặc tính biểu hiện trên Timeline của một trang Facebook. Để làm được bài tập này, ngoài khả năng sáng tạo, hiểu biết sâu những dữ kiện lịch sử, tác giả các em còn phải tự nghiên cứu SGK và tự tìm tòi các thông tin trên mạng.

“Đây không phải là lần đầu tiên các bạn học sinh trong lớp của mình có những sản phẩm sáng tạo như vậy. Các bạn ấy đã được phát huy về tư duy phản biện, sáng tạo trong học tập môn Ngữ văn và đã tạo nên những sản phẩm sáng tạo: những bài thuyết trình, những vở kịch, bộ phim ngắn, những buổi talk show (về Thân phận con người trong chiến tranh, Thuyết minh về phong cách sống...), lồng tiếng cho phim (khi học đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió)...” - cô Giang nói.

img

Học sinh rất sáng tạo trong cách học môn Ngữ văn.

Theo cô Giang, cách dạy – học môn Văn từ trước đến nay vẫn được nhìn nhận một cách thụ động, tiếp nhận một chiều, là môn học khó có thực hành nhất nên không gây hứng thú cho học sinh. Vì vậy, để thay đổi tình trạng này, giáo viên là người cần thay đổi, vận động trước.

“Trên lớp, tôi luôn đặt học sinh ở vị trí trung tâm, các em được làm việc, trải nghiệm trực tiếp với các tác phẩm văn học dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Với định hướng này, tất nhiên phương pháp dạy học của giáo viên cần được điều chỉnh theo tâm lý, xu hướng và hành vi tiếp nhận kiến thức của học sinh. Hiện nay, học sinh phổ thông sử dụng facebook rất nhiều vì vậy thầy cô cũng phải... bắt kịp thời đại để lồng ghép tạo hứng thú cho các em trong từng bài học. Việc thao giảng truyền thống phải được kết hợp với các hoạt động bên ngoài để học sinh tự làm ra kiến thức chứ không đơn thuần là nghe – đọc – chép” – cô Giang nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem