Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương (ảnh) khẳng định như vậy khi trao đổi với PV NTNN ngày 15.5.
Thưa bà, bà có thể cho biết công tác chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh chủ chốt tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đã được thực hiện tới đâu?
|
Việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm. |
- Với chức năng và nhiệm vụ được giao, Ban Công tác đại biểu đã gần như hoàn tất công tác chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm và cho tới thời điểm này, theo tôi mọi việc diễn ra suôn sẻ. Cụ thể, để chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm, chúng tôi đã tập hợp các bản báo cáo này thành 2 quyển dày 483 trang để gửi tới 500 đại biểu Quốc hội đọc tham khảo. Tới nay, chúng tôi chưa phải nhận ý kiến phản hồi nào.
Thưa bà, trong quá trình thực hiện công tác chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm, Ban có gặp phải khó khăn gì không?
- Cái này mình cứ làm theo đúng luật và cũng không thấy có khó khăn. Cứ chiếu theo Nghị quyết 35 của Quốc hội và hướng dẫn 561 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà làm. Theo đó, hàng năm các đồng chí thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm sẽ làm báo cáo về công tác của mình theo đúng chức trách đã được Nhà nước, luật pháp quy định.
“Về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn: Ban Công tác đại biểu đề nghị chỉ bố trí thảo luận ở Đoàn khi UBTVQH thấy cần thiết hoặc nếu có thì sẽ không đủ thời gian để người được lấy phiếu tín nhiệm và các cơ quan có thẩm quyền giải trình, làm rõ. Việc trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn và báo cáo kết quả xác minh, giải trình về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện khi thấy cần thiết. Đồng thời, chuyển nội dung công bố kết quả kiểm phiếu từ cuối buổi sáng sang cuối buổi chiều cùng ngày để tăng thời gian cho việc kiểm phiếu, vì số phiếu hợp lệ, không hợp lệ được tính cho từng đối tượng là khác nhau”.
Trích báo cáo của Văn phòng Quốc hội về công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII ngày 15.5
Ngoài ra, có thêm phần báo cáo về vấn đề tu dưỡng đạo đức, tác phong. Tuy nhiên, phần báo cáo tự kiểm điểm về tu dưỡng đạo đức, tất cả vừa thực hiện qua việc triển khai Nghị quyết T.Ư 4 nên cơ bản vẫn dựa vào báo cáo. Trường hợp có phát sinh thêm thì báo cáo bổ sung tới thời điểm hiện nay.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ qua trao đổi cũng đã thống nhất, các bản báo cáo này chỉ là báo cáo khái quát về chức năng nhiệm vụ của các đồng chí đó chứ không cần phải báo cáo cụ thể từng đầu việc. Vì thế, các bản báo cáo này không có mẫu chung. Mỗi người tùy vào chức năng, nhiệm vụ, công việc của mình mà báo cáo, ngắn dài tùy thuộc vào công việc của từng người, không bắt buộc phải như nhau. Nói chung, với việc lấy phiếu tín nhiệm, chúng ta phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Có ý kiến cho rằng các bản báo cáo này do bản thân các đồng chí thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm tự làm nên độ xác thực chưa cao. Ý kiến của bà thế nào?
- Tôi nghĩ là điều này khó xảy ra vì công việc của mỗi đồng chí đó còn có nhiều cơ quan giám sát, kiểm tra chứ đâu chỉ riêng đồng chí đó.
Qua xem sơ lược các báo cáo, tôi cũng thấy tùy theo mức độ công việc, các đồng chí cũng đã nói được lên những hoạt động, nhiệm vụ chính của mình trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, có cả phần làm được và chưa làm được. Phần chưa làm được tôi thấy nhiều đồng chí đã tự rút kinh nghiệm bản thân để có thể làm tốt hơn.
Bà có còn băn khoăn gì về công tác chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm?
- Vì đây là lần đầu tiên chúng ta tiến hành một công việc quan trọng và cũng hết sức nhạy cảm nên công tác chuẩn bị phải hết sức thận trọng, dựa trên những cơ sở pháp lý đầy đủ. Không thể vì bất cứ ý kiến chủ quan nào mà làm sai lệch kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm. Chúng tôi hy vọng khi đã thực hiện theo lộ trình đề ra một cách chặt chẽ, khoa học, sẽ khó xảy ra những nghi ngại , băn khoăn. Mấu chốt là chúng ta phải chuẩn bị thật chu đáo và thực hiện phải thận trọng.
Xin cám ơn bà!
“Lấy phiếu tín nhiệm là chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhằm tiến tới đổi mới trong xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện quyền giám sát của Quốc hội. Quan trọng nhất là những người tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm phải thật công tâm, khách quan, không bị tác động bên ngoài và biết chắt lọc thông tin mới có thể đánh giá chính xác”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
"Kết quả phiếu tín nhiệm chỉ nên để tham khảo. Bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm nếu làm không tốt, không chuẩn sẽ dẫn tới kết quả ngược lại – rất nguy hiểm. Những cán bộ “giỏi chạy chọt, giỏi vận động” thì phiếu nhiều. Ngược lại những cán bộ trung trực, chân chính thì phiếu lại thấp. Nguy hiểm nữa là việc bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm dễ làm người ta không dám “động chạm”, mất chí khí đấu tranh. Việc quyết định bằng phiếu tín nhiệm sẽ rất dễ bị oan, do vậy theo tôi, việc lấy phiếu tín nhiệm cần phải cẩn trọng, làm rồi rút kinh nghiệm chứ nếu không là nguy hại".
Nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương
“Cần lãnh đạo chặt chẽ việc tổ chức lấy phiếu, không chủ quan, đơn giản, vội vàng ở các khâu, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nên làm tràn lan. Nếu phát hiện có ai chạy chọt, vận động, mua chuộc thì phải hủy ngay kết quả lấy phiếu của người đó. Nếu không cẩn trọng dễ bị oan. Đánh giá cán bộ thì phải đề cao phẩm chất của người đó. Phẩm chất, đạo đức phải được nhìn nhận qua thực tiễn, qua hiệu quả công việc mới là thước đo chuẩn, còn việc lấy phiếu cũng chỉ nên để tham khảo”.
Ông Lâm Thắng (phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội)
Hải Phong (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.