Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã đánh giá cao kết quả Hội nghị Trung ương 6, hoan nghênh kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Ngoài ra, nhiều vấn đề quan trọng cũng được các cử tri đề cập. Cử tri Nguyễn Sang (phường Hàng Bông) cho biết: Việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội phê chuẩn nên sử dụng hai hình thức là tín nhiệm hoặc không tín nhiệm, một nhiệm kỳ nên lấy phiếu tín nhiệm 3 lần, nếu dưới 50% thì nên miễn nhiệm ngay...
Tiếp thu ý kiến của các cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và hoan nghênh những ý kiến đóng góp thẳng thắn. Tổng Bí thư thông báo với cử tri những nội dung cơ bản đã được bàn thảo tại Hội nghị T.Ư 6, trong đó có nhiều vấn đề nóng như sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, tháo gỡ những vướng mắc về giá đất, thu hồi, quản lý, sử dụng đất; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước…
Tổng Bí thư cũng đề nghị nhân dân cần hiểu rõ cũng như ủng hộ việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm. Về kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, Tổng Bí thư nhất trí với ý kiến của nhiều cử tri cho rằng, đây mới là kết quả bước đầu, kiểm điểm tự phê bình và phê bình chỉ là một nội dung, sắp tới cần tiếp tục triển khai các công việc mà Nghị quyết T.Ư 4 đã đề ra.
* Sáng 17.10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu Quốc hội TP. HCM đã tiếp xúc cử tri quận 1. Trao đổi với cử tri về những nội dung liên quan tới thông báo Hội nghị T.Ư 6, Chủ tịch nước khẳng định đây mới là bước đầu.
Việc kiểm điểm của Bộ Chính trị và Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 đã được thực hiện với tinh thần hết sức nghiêm túc, việc kiểm điểm không phải đã xong mà sẽ làm thường xuyên dưới sự giám sát của cán bộ, đảng viên.
"Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sẽ thông qua quy chế làm cơ sở pháp lý để hàng năm Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là một công tác kiểm tra, giám sát hết sức trực tiếp, đánh giá những người mà mình cử ra giữ chức vụ quan trọng của đất nước. Trong Ban Chấp hành T.Ư hàng năm cũng sẽ làm như vậy" - Chủ tịch nước cho biết.
Về những bức xúc của cử tri với tình trạng tham nhũng, Chủ tịch nước cho rằng, đây là việc hết sức hệ trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước. Bên cạnh việc thành lập Ban Nội chính T.Ư làm cơ quan thường trực phòng chống tham nhũng, tới đây Quốc hội cũng sẽ xem xét sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng và kiện toàn lại Ban chỉ đạo, hy vọng sẽ tạo động lực quan trọng cho việc đẩy mạnh giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm.
Đức Hiếu - Trọng Mạnh - VOV
Vui lòng nhập nội dung bình luận.