LĐ đi Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu: Tạo áp lực kép với lao động

Thứ năm, ngày 29/08/2013 08:53 AM (GMT+7)
Giải pháp ký quỹ 100 triệu đồng để chống trốn được xem là “mạnh tay” để nối lại hoạt động XKLĐ đi Hàn Quốc. Liệu giải pháp này có hiệu quả?
Bình luận 0
Ông Choi Byung Gie - Giám đốc Trung tâm EPS Việt Nam (thuộc Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam- HRD) trả lời Báo NTNN.

Ông đánh giá thế nào về hành động của phía Việt Nam trong việc giảm thiểu lao động (LĐ) Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc thời gian qua?

- Theo tôi được biết thì hiện nay Việt Nam đã có nhiều chính sách phối hợp để giảm thiểu số LĐ Việt Nam đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc như: Tuyên truyền vận động tới từng địa phương có lao động bỏ trốn; tiếp cận các gia đình; dừng tuyển ở những xã có tỷ lệ LĐ bỏ trốn cao. Ở mặt nào đó, các giải pháp này cũng cho hiệu quả, tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa như mong đợi của phía Việt Nam. Cuối tháng 8.2012 (thời điểm Hàn Quốc tuyên bố ngừng tuyển LĐ Việt Nam) tỷ lệ LĐ Việt Nam làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc là 55%, đến tháng 6.2013 vẫn còn 46,9%, giảm gần 10%. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là con số mong đợi của phía Hàn Quốc. Gần 10% là quá ít, trong khi lời hứa của Chính phủ Việt Nam là sẽ giảm xuống còn 27%. Từ 46,9% giảm xuống còn 27% là quá xa vời.

LĐ Việt Nam tham gia kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn.
LĐ Việt Nam tham gia kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn.

Vì thế Chính phủ 2 nước cần có những biện pháp mạnh. Đối với LĐ đã ở bên đó, thì kêu gọi, vận động họ về nước. Đối với LĐ chuẩn bị sang thì cần phải có giải pháp dự phòng. Phía Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam đưa ra một số giải pháp chính: Thứ nhất, LĐ mới sang phải ký quỹ; thứ hai, nâng mức xử lý hành chính đối với LĐ vi phạm; thứ ba là thành lập Ban quản lý LĐ Việt Nam tại Hàn Quốc (Ban quản lý này thuộc Trung tâm Lao động ngoài nước, kết hợp với Ban quản lý cũ thuộc Đại sứ quán. Ban quản lý cũ chỉ có 3 người trong khi số LĐ Việt Nam tại Hàn Quốc lên tới 55.000 người, không quản lý xuể).

Việc Chính phủ Việt Nam ký quyết định yêu cầu lao động ký quỹ trước khi sang làm việc tại Hàn Quốc liệu có đạt hiệu quả như mong muốn không, thưa ông?

- Tôi tin rằng biện pháp ký quỹ chắc chắn sẽ có hiệu quả, vì đây không phải là số tiền nhỏ với LĐ. Khi họ thấy tiếc thì họ sẽ quay trở về nước đúng hạn. Ngoài chính sách ký quỹ, còn có chế tài là tăng mức xử phạt hành chính. Nếu bỏ trốn, mức phạt sẽ tăng từ 3 triệu đồng lên 100 triệu đồng. Kết hợp cả hai biện pháp này, LĐ bỏ trốn mất 200 triệu đồng sẽ tạo ra một áp lực kinh tế buộc LĐ phải về nước đúng hạn. Thực tế, tôi cũng có nghe một số LĐ nói rằng đây không phải là số tiền quá lớn, chỉ cần ở lại Hàn Quốc làm việc bất hợp pháp vài tháng có thể kiếm được nhiều hơn số tiền đó. Nhưng, tôi hy vọng đây không phải là suy nghĩ của số nhiều LĐ.

EPS là chương trình phi lợi nhuận nhằm giảm chi phí cho người đi XKLĐ, phải ký quỹ 100 triệu đồng, LĐ phải lo một khoản tiền rất lớn mới đi được, điều này có ngược với mục tiêu mà Hàn Quốc đặt ra không?

- Đương nhiên phía Hàn Quốc cũng đã cân nhắc và suy nghĩ rất nhiều và kết luận đây là chương trình đưa LĐ đi với mong muốn đưa LĐ đi làm việc với chi phí thấp nhất và hưởng các điều kiện làm việc như LĐ bản địa. Nhưng chúng tôi khẳng định, tiền ký quỹ không phải là tiền chi phí đi, mà chỉ là khoản tiền bảo đảm, vì thế sau khi LĐ hoàn thành hợp đồng trở về sẽ được hoàn trả lại số tiền này.

Cũng sẽ có trường hợp LĐ nghèo không đi được. Tuy nhiên, tôi được biết Chính phủ Việt Nam đã có chính sách LĐ thuộc hộ nghèo sẽ được hỗ trợ vốn vay từ phía Ngân hàng Chính sách xã hội nên việc ký quỹ chắc không phải là vấn đề lớn.

Trong số 15 quốc gia phái cử LĐ vào Hàn Quốc, có quốc gia nào áp dụng chính sách ký quỹ như Việt Nam không, thưa ông?

Theo Cục Quản lý LĐ ngoài nước, ngoài giải pháp nói trên, VN còn áp dụng các giải pháp mạnh khác: Không tuyển ở những tỉnh có đông LĐ bỏ trốn trong thời hạn 1 năm; nâng mức xử phạt hành chính hành vi bỏ trốn lên 100 triệu đồng; với những LĐ đang làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc: Cho 3 tháng ân hạn (từ 10.10.2013 tới 10.1.2014) để về nước, sau thời gian này, LĐ không về nước cũng sẽ bị áp dụng chế tài xử phạt 100 triệu đồng; với LĐ về nước đúng hạn, LĐ trung thành sẽ được tạo điều kiện để xuất cảnh trở lại sau 3-6 tháng về nước.


- Thực ra hiện nay cũng có quốc gia áp dụng biện pháp chống trốn nhưng chưa có bất cứ quốc gia nào có biện pháp cứng rắn như Việt Nam, bởi 14 nước còn lại không nước nào có tỷ lệ LĐ bất hợp pháp cao như Việt Nam cả. Tuy nhiên, con số ở lại lớn cũng có lý do, Việt Nam bắt đầu thực hiện chương trình EPS từ năm 2004 - sớm nhất trong 15 nước và số LĐ cũng đông nhất. Vì thế chỉ có Việt Nam mới có LĐ hết hạn hợp đồng về nước nhiều như vậy, còn các quốc gia khác số LĐ hết hạn hợp đồng về nước ít hơn. Không chừng trong tương lai, khi số LĐ hết hạn hợp đồng ở các nước này nhiều lên, cũng có thể bỏ trốn cao như Việt Nam, vì thế có thể lại sang Việt Nam học tập cách làm này cũng nên. Mặc dù vậy, dù cho có chế độ ký quỹ, xử phạt hành chính, chúng tôi vẫn có chính sách động viên LĐ trung thành của Việt Nam quay sang làm việc tại Hàn Quốc để hỗ trợ giải quyết tình trạng này.

Để lao động Việt Nam cư trú, làm việc bất hợp pháp có sự tiếp tay của một bộ phận doanh nghiệp Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc có biện pháp kiểm soát các doanh nghiệp này?

- Chính phủ Hàn Quốc cũng đã có những chính sách quản lý. Đối với doanh nghiệp tuyển LĐ bất hợp pháp nếu bị phát hiện sẽ không tuyển lao động nước ngoài. Tuy vậy vẫn có nhiều doanh nghiệp có ý định giữ LĐ lại. Có thể do họ vẫn muốn giữ chân các LĐ có kinh nghiệm.

Với những nỗ lực của phía Việt Nam, ông đánh giá thế nào về khả năng nối lại chương trình EPS?

- Tôi không có thẩm quyền để khẳng định rằng Hàn Quốc nối lại chương trình này hay không. Nhưng tôi tin rằng Chính phủ Hàn Quốc đã nhận thấy những nỗ lực của phía VN trong việc giải quyết vấn đề LĐ bất hợp pháp. Chuyến thăm Hàn Quốc vừa qua của Phó Thủ tướng Chính phủ VN và Bộ LĐTBXH cũng cho thấy những động thái tích cực của VN trong việc giải quyết tình hình.

Xin cảm ơn ông!

Anh Thái Văn Hạnh - Đồng Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh)Băn khoăn về quản lý tiền

Tôi đã có thời gian 4 năm làm việc ở Hàn Quốc. Khi hết hạn, tôi quay về Việt Nam làm hồ sơ để đi lại. Từ đầu năm 2012, tôi vượt qua kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn, hồ sơ đã đăng trên mạng. Tiền ký quỹ 100 triệu đồng, thực tình chỉ bằng thu nhập 5 tháng làm tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là số tiền này sẽ được để ở đâu, ai quản lý và trả lại cho LĐ thế nào khi họ về nước?

Hữu Anh (ghi)
Ông Vũ Công Bình- Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển nguồn nhân lực:Tôi rất buồn khi lao động phải ký quỹ

Tôi nghĩ là những người có trách nhiệm đã phải xem xét, phân vân rất lâu mới đưa ra được quyết định yêu cầu LĐ ký quỹ 100 triệu đồng. Giải pháp này, nói thực là không ai muốn, kể cả tôi là chủ doanh nghiệp XKLĐ - từng phải áp dụng biện pháp này - cũng rất buồn khi LĐ phải ký quỹ, vì gây nhiều khó khăn hơn cho LĐ.

Nhưng cũng phải đặt câu hỏi, tại sao LĐ Philippines, Indonesia cũng khó khăn nhưng họ không vi phạm, không trốn nhiều như LĐ mình. Câu trả lời là họ có ý thức cộng đồng, còn LĐ Việt Nam thì không, nếu không hành động thì việc mất thị trường LĐ Hàn Quốc là hiện hữu. Thực tế tôi chưa có khảo sát tình trạng LĐ vì phải đặt tiền ký quỹ mà không đi XKLĐ được, nhưng theo tôi khi đã công khai thông tin thì họ hiểu phải chuẩn bị gì trước khi lên đường; và LĐ cũng phải hiểu ký quỹ là để có trách nhiệm với hành động của mình. Tôi cho rằng với 100 triệu đồng, họ có thể vay được, người nào dám ký quỹ để đi thì dám chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, không có giải pháp nào là hoàn hảo, vì vậy vẫn cần nâng cao ý thức cho LĐ và kết hợp nhiều giải pháp khác nữa.

Lê An (ghi)

Lê Huyền- Minh Nguyệt (thực hiện) (Lê Huyền- Minh Nguyệt (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem