Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn – Hà Nam có lịch sử như thế nào?

Hải Đăng Chủ nhật, ngày 05/02/2017 09:41 AM (GMT+7)
Không chỉ mang ý nghĩa khuyến nông, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (tổ chức tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm còn là nơi lưu giữ nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc.
Bình luận 0

img

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trực tiếp lái máy cày tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam) ngày 3.2 (mùng 7 tháng Giêng Âm lịch).

Ông Nguyễn Xuân Đông - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết: “Theo sách sử ghi lại, mùa xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm 988, nhà vua cày ruộng ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền. Từ đó, lễ tịch điền được nhiều đời vua sau duy trì. Đến triều Nguyễn, lễ tịch điền có nhiều "niêm luật" cụ thể, được tổ chức quy mô, do bộ lễ chủ trì. Sau một thời gian dài gián đoạn, từ năm 2009, phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại cho đến ngày nay”.

Theo ông Đông, lễ hội Tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng biết ơn tiền nhân, ý thức tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn gồm liên hoàn các nghi lễ và diễn xướng, kết hợp với văn hóa, nghệ thuật, thể thao, diễn ra trong không gian rộng từ mùng 5 - 7 với nhiều hoạt động như: rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm về xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, lễ rước nước, lễ sái tịnh…

img

Cụ Định Trọng Tế (người nhiều năm đóng vua Lê Đại Hành) hành lễ nhập linh khí vua Lê Đại Hành cày tịch điền tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam) ngày 3.2(mùng 7 tháng Giêng âm lịch).

Cũng theo ông Đông, nghi lễ chính trong toàn bộ lễ hội là lễ tịch điền Đọi Sơn, tái hiện huyền tích từ thời Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Theo đó, ông đã nhận thấy núi Đọi có vị trí chiến lược quan trọng đối với kinh đô Hoa Lư nên đến khi lên ngôi vua, Lê Đại Hành quyết định về chân núi Đọi cày ruộng để khuyến khích mở mang nông trang. Lễ tịch điền được tiến hành theo thứ tự: vua Lê Đại Hành (do vị bô lão của làng Đọi nhập thế, khoác long bào) cày 3 sá, lãnh đạo tỉnh Hà Nam cày 5 sá, lãnh đạo huyện Duy Tiên cày 7 sá, lãnh đạo xã Đọi Sơn và các bô lão cày 9 sá).

“Điểm mới của lễ hội Tịch điền năm nay là bên cạnh việc thực hiện nghi thức cày tịch điền bằng trâu truyền thống còn có sự xuất hiện của máy cày. Sau khi một cụ cao niên trong làng (cụ Định Trọng Tế (người nhiều năm liền đóng vai vua) hành lễ nhập linh khí vua Lê Đại Hành cày tịch điền, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mặc áo xanh, đội mũ bảo hộ tự lái máy cày cày ruộng vừa nhằm cầu mua thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, quốc thái dân an, vừa nhằm khuyến khích công nghiệp hoá – hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn” – ông Đông chia sẻ.

Hội thi trang trí trâu cũng là một hoạt động khá sôi nổi trong lễ hội này. Thay vì trang trí bằng vải đỏ thời xưa, nay những chú trâu tham gia lễ hội Tịch điền được trang trí bằng những nét vẽ tứ linh, tứ quý…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem