Lê Văn Duyệt: Vị tướng quân tài ba và những câu chuyện kỳ lạ

Kim Ngọc Thứ hai, ngày 06/02/2023 18:31 PM (GMT+7)
Lê Văn Duyệt là khai quốc công thần đã có công theo phò vua Gia Long từ những ngày còn lánh nạn Tây Sơn...
Bình luận 0

Lê Văn Duyệt là con của Lê Văn Toại sinh quán ở Mỹ Tho, Tiền Giang nhưng tổ tiên vốn người Quảng Ngãi. Lê Văn Toại có tất cả bốn người con trai. Lê Văn Duyệt là con trưởng. Sử cũ mô tả rằng Lê Văn Duyệt người thấp bé nhưng lại có sức mạnh hơn người. Ông được coi là hoạn quan nhưng ngay khi mới sinh ra, ông đã là người thuộc loại ái nam ái nữ chứ không phải là chịu hoạn khi làm quan. Năm 1780, khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vương ở Gia Định, Lê Văn Duyệt lúc này mới 16 tuổi được chọn làm quan thái giám.

Lê Văn Duyệt: Vị tướng quân ái nam ái nữ và những câu chuyện kỳ lạ - Ảnh 1.

Tả tướng quân Lê Văn Duyệt.

Từ đó trở đi, cuộc đời của Lê Văn Duyệt gắn bó chặt chẽ với Nguyễn Phúc Ánh. Nhờ có biệt tài cầm quân, Lê Văn Duyệt dần dần trở thành võ tướng xuất sắc. Điều này, chính Nguyễn Phúc Ánh cũng không ngờ. Lê Văn Duyệt được Nguyễn Phúc Ánh tin cậy mà giao việc chỉ huy tả quân, đồng thời nhiều phen trao quyền tiết chế, điều khiển cả các danh tướng như Nguyễn Văn Thành, Lê Chất...

Bộ Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập đã dành cả hai quyển 22 và 23 để chép chuyện Lê Văn Duyệt. Tất nhiên, cũng có vài nhân vật khác được nhắc đến trong hai quyển này, nhưng đó chẳng qua là vì họ có chút tí liên hệ với Lê Văn Duyệt, nhắc đến để làm rõ thêm chuyện về Lê Văn Duyệt mà thôi. Đoạn cuối của quyển 23 đã chép một số chuyện li kì xảy ra trước lúc Lê Văn Duyệt qua đời như sau: Trước khi Lê Văn Duyệt bị bệnh, thành Gia Định không hề có gió, vậy mà cán cờ ở trong thành bỗng dưng bị gãy. Hơn một tháng sau, Lê Văn Duyện đi tuần ở biên cảnh, vừa ra ngoài thành thì con voi ông đang cưỡi tự nhiên phục xuống đất rồi gầm lên, đánh mấy nó cũng không chịu dậy, ông bèn phải xuống để lấy ngựa mà đi. Đi được chừng một dặm, ngựa cũng chẳng chịu đi nữa. Lê Văn Duyệt lấy làm lạ, bèn nói với người nhà rằng có lẽ ta sắp bị bệnh.

Một hôm Lê Văn Duyệt chuẩn bị thưởng cấp cho tướng sĩ, sai người nhà đem 50 quan tiền để sẵn ra đấy, chẳng dè, vừa chợp mắt được một lúc thì tiền đã không cánh mà bay. Ông ngờ là có kẻ trộm, ra lệnh tìm bắt rất gấp. Bỗng ông thấy trên nóc nhà mình có người đang giữ đống tiền, thoạt trông giống như mô đất, bèn sai người bắc thang lên bắt, nhưng lên đến nơi thì người giữ tiền biến mất mà đống tiền thì vẫn còn y nguyên.

Hôm khác có ông già vai đeo bầu, ăn mặc ra vẻ dân quê, đến nói với người canh cửa rằng:

- Hãy vào báo với Lê tướng quân, rằng có ta là cố nhân đến.

Người canh cửa lấy làm lạ, chạy vào báo với Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt liền cho người ra. Đến bờ sông Sài Gòn, vì thành Gia Định, nơi Lê Văn Duyệt đóng ở sát sông Sài Gòn, thấy ông già ấy đang rửa bầu và nói rằng: Ta muốn đón tướng quân của mày đi tu tiên, nhưng mà tướng quân của mày không thể tu tiên được.

- Nói rồi thì phấp phới bay đi không biết về đâu. Người canh cửa về báo lại, Lê Văn Duyệt nói rằng: Tiên thật à? Hay là ma muốn hại ta đấy? Vài ngày sau Lê Văn Duyệt bị bệnh nhẹ rồi mất.

Lời bàn:

Lê Văn Duyệt là khai quốc công thần đã có công theo phò vua Gia Long từ những ngày còn lánh nạn Tây Sơn. Năm 1802, vua Gia Long thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng Đế, đóng đô tại Phú Xuân (Huế), Lê Văn Duyệt đi theo Gia Long ra Bắc đánh dẹp, rồi được đưa về Huế lo bảo vệ kinh thành. Sau đó, ông được đưa vào làm Tổng trấn Gia Định và được trao cho “Thượng phương kiếm” là kiếm của vua dùng và được quyền “tiền trảm hậu tấu” uy quyền như một vị phó vương (người Pháp thường gọi ông là Vice-Roi). Lê Văn Duyệt là người cương trực và trung thành, nhiều lần đã can ngăn vua, làm trái ý vua...

Qua những tài liệu lịch sử còn lưu truyền đến ngày nay, chúng ta thấy Lê Văn Duyệt là người trung nghĩa, là người thi hành pháp luật rất nghiêm minh. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là bằng chứng hùng hồn về Tả quân Lê Văn Duyệt là một người anh hùng có công với dân với nước. Và nội dung của giai thoại trên đây đã phần nào thể hiện rõ tình cảm của người đời lúc bấy giờ dành cho ông - một khai quốc công thần của triều đình đương thời. Bởi nếu không phải là những người có công lao to lớn, có lòng trung nghĩa khác thường thì chẳng một người dân nào muốn người đó trở thành tiên để cho hậu thế tôn thờ mãi mãi về sau. Tiếc rằng, người thời nay không mấy ai thấu hiểu được điều này. Vì thế, có không ít người ngay cả khi nằm trên giường bệnh mà vẫn còn tìm cách để bon chen, ganh đua với đời... thật đáng buồn thay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem