Lên rừng tận diệt quả xoay

Thứ tư, ngày 05/10/2011 19:53 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những ngày này, hàng nghìn lượt người đang đổ xô vào các cánh rừng thuộc huyện Kbang, Gia Lai trèo lên những cây cao ngất hái quả xoay về bán, bất chấp những hiểm nguy.
Bình luận 0

Dù đã có kinh nghiệm đi đường rừng nhưng cũng phải mất gần 2 giờ đánh vật với chiếc xe máy nhóm của chị Nguyễn Thị Sự (ở thị trấn KBang) mới tới được bìa rừng. Khi không thể đi được bằng xe nữa, cả nhóm cuốc bộ 3 giờ mới dừng lại bên cạnh một gốc xoay bừa bộn cành lá. " Thế là xong, bị nó làm mất rồi…" - anh Nguyễn Văn Cường (anh trai của chị Sự) buông một tiếng thở dài thườn thượt.

img
Một nhóm tìm xoay đang "trúng mánh".

Tuy vậy, cuối cùng cả nhóm cũng tìm được một cây xoay chưa bị thu hoạch. Anh Cường nhanh nhẹn lấy một sợi dây thừng buộc vào thân cây rồi quàng sợi dây ngang bụng, con dao buộc vào một sợi dây khác mang bên hông. Vì cây xoay quá to nên anh phải trèo lên một cây rừng khác nhỏ hơn gần đấy. Sau đó, anh tiếp tục kéo sợi dây đã buộc sẵn vào thân xoay làm thành một chiếc cầu để trèo qua, dùng dao chặt những cành xoay đầu tiên. Ở dưới, mọi người xúm nhau hái quả bỏ vào bao...

Mỗi ký xoay non hiện được các đại lý thu mua với giá 4.000 đồng, xoay đen vỏ nhưng chưa chín hẳn có giá 15.000 đồng, xoay chín, đẹp có giá 25.000 đồng. Các đại lý thường tìm đủ mọi cớ ép giá dân hái xoay. Ngày nào xoay về nhiều, 10 đại lý trong huyện Kbang thông báo cho nhau đồng loạt hạ giá.

Cũng phải nói rằng, việc thu hoạch xoay cũng góp phần giải quyết kinh tế cho hàng trăm gia đình lao động nghèo. Mỗi ngày đi xoay trúng nhiều thì mỗi người được 600.000 đồng, ít cũng được 150.000 - 200.000 đồng.

Trước đây, rừng Kbang là xứ sở của cây xoay, mỗi năm cho sản lượng tới hàng ngàn tấn. Tuy nhiên, người ta khai thác theo lối tận diệt "đốn cây lấy quả" nên cây xoay cứ mất dần. Nay tình trạng này đã hạn chế, tuy nhiên việc chặt cành lấy quả thì vẫn còn phổ biến...

Quả xoay thuộc nhóm lâm sản phụ, có vị chua ngọt, mùi thơm dễ chịu, chủ yếu dùng để giải khát, thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể, được người tiêu dùng phía Nam ưa chuộng.

Theo kinh nghiệm qua ba mùa đi xoay, chị Sự cho hay: Năm nay lượng quả giảm hơn một nửa vì bị hái non từ đầu mùa. Nhiều khi biết cây ít quả nhưng cũng phải bỏ ra vài ba giờ trèo lên “tận thu”, vì xoay ngày càng hiếm. Theo lẽ tự nhiên thì năm nào xoay cũng cho quả, nhưng vì bị chặt hết cành lớn nên phải 3 năm xoay mới rộ quả…

Về tình trạng này, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang Võ Đình Chinh chỉ nói chung chung rằng: Thu hái xoay cũng là tận thu lâm sản phụ. Một số chủ rừng vẫn cho dân vào khai thác xoay, còn việc bảo vệ cây thì họ phải có trách nhiệm… Chính vì thế, việc khai thác xoay vẫn diễn ra khá bừa bãi theo kiểu tận thu, tận diệt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem