Lên Tây Nguyên nghe quản tượng kể chuyện voi...

Thứ năm, ngày 01/05/2014 08:05 AM (GMT+7)
“Chẳng hiểu vì đâu mình lại bị Yang xui làm quản tượng. Có lẽ khi xuống đến làng ma rồi, con voi cũng còn đi theo ám vía mình…”.
Bình luận 0
Ksor Chăm - người quản tượng già ở buôn Pleipa K’dranh (xã Chư Mố, huyện Ia Pa, Gia Lai) mở đầu câu chuyện bằng giọng trầm buồn

Quản voi thật lắm công phu

Thuở ấy chiêng, ghè thì có ai nhớ xuể đã đành, đến voi cũng chỉ biết rằng “nhiều lắm”. Riêng nhà Ksor Chăm cũng có đến 3 con voi đực. Mới 7 – 8 mùa rẫy, cậu bé Chăm đã ngất ngưởng trên bành voi, theo ông nội lang thang hết làng này sang làng khác trong những ngày “năm ăn tháng uống”… Nhưng rồi cuộc đời ai ngờ được mọi sự biến cải. Chiến tranh nổ ra, voi lứa chết vì đạn bom; lứa chết vì thiếu ăn, bệnh tật. Những người quản tượng cũng bỏ xứ đi kiếm sống nơi khác hoặc giải nghệ. Xứ voi Chư Mố cứ thế lụi dần thành ký ức…

Quản tượng Ksor Chăm bên Yă Tao -     con voi cuối cùng của vùng đất Bắc Tây Nguyên
Quản tượng Ksor Chăm bên Yă Tao - con voi cuối cùng của vùng đất Bắc Tây Nguyên

Năm 1973 sau khi 3 chú voi gia bảo đều bị chết, Ksor Chăm gom góp và mang hết số tiền 1,5 triệu đồng (tiền Ngân hàng Sài Gòn lúc đó) sang Đăk Lăk mua một con voi đực tầm 5 tuổi về thuần dưỡng… Giữa thời chiến tranh đang ác liệt, bỏ ra một số tiền lớn để tậu voi, bất chấp rủi ro không ít người cho ông là gàn. Họ đâu có hiểu với người Jrai, voi không chỉ là con vật hiện hữu ở đời sống trần tục mà cả trong tâm linh.

…Đưa voi về đến nhà, việc đầu tiên là Ksor Chăm phải làm một tiệc rượu linh đình mời cả làng đến dự lễ đặt tên voi. Thầy cúng có uy tín nhất vùng được mời làm chủ lễ. Sau lời khấn, Ksor Chăm sẽ lần lượt đặt từng quả trứng gà trước mặt voi và xướng lên một cái tên để voi chọn. Nếu “ưng” tên nào, nó sẽ đưa chân giẫm nát quả trứng. Cuối cùng thì “Bạc Xom” – cái tên hơi hướng Lào được voi chọn. Cả làng ghi nhớ và lần lượt từng người đi qua trước mặt để Bạc Xom nhận mặt, sau này khỏi hại người quen…

Voi hoang như Bạc Xom thì thuần được nó là một quá trình đầy khổ công… Đầu tiên ông Ksor Chăm phải lên Pleiku chọn mua một dây xích to cỡ ngón chân cái, dài chừng 30m xích voi vào rừng để nó tự kiếm ăn trong những ngày đầu. Sau đó ông quay sang Đăk Lăk thuê một con voi cùng quản tượng giỏi nghề về thuần nó… Dưới sự khống chế của voi nhà, ông ngồi lên cổ Bạc Xom dùng chiếc kuh móc vào huyệt nơi tai voi điều khiển nó di chuyển theo ý muốn. Nếu không nghe, ông sẽ dùng đầu nhọn của chiếc kuh đâm mạnh vào huyệt phía sau tai; đồng thời voi nhà sẽ dùng vòi quật mạnh vào chân bắt nó phải tuân theo…

Kể thì đơn giản nhưng thực tế đòi hỏi phải kiên trì. Ròng rã hơn 2 tháng trời ông không khi nào được rời Bạc Xom - nào cho ăn uống, vỗ về và còn… hát cho nó nghe. Khi voi đã quen hơi bén tiếng, chấp nhận mình, bây giờ là lúc phải giữ gìn, kiêng cữ. “Hai điều kị nhất với quản tượng là không được ăn thịt chó và uống rượu say. Có một lần mình uống rượu say sơ ý lại gần, Bạc Xom đã “giận dỗi” bỏ vào rừng, sau phải nhờ một người thân dẫn đi tìm nó để “xin lỗi”…- ông kể.

Niềm xưa còn một chút này...

Dù đã không ít lần tham gia chở súng đạn, lương thực cho bộ đội trong những năm cuối chiến tranh ác liệt, Bạc Xom vẫn yên lành... Năm 1992 thấy nó đã yếu, ông Ksor Chăm lại sang Đăk Lăk mua tiếp con voi cái Yă Tao về nuôi. Dạo đó chưa có cầu bắc qua sông Ba, 2 con voi này đã ghi công đầu trong việc kéo cột qua sông đưa điện về cho cả một vùng… Năm 1998 Bạc Xom chết vì bệnh, bây giờ Yă Tao là con voi duy nhất của cả Bắc Tây Nguyên này…

Là con vật tinh khôn nên mọi sự ứng xử của quản tượng với voi phải công bằng và sòng phẳng như với một thành viên trong nhà. Các dịp lễ tết, mừng nhà mới… voi cũng được hưởng một phần thức ăn. Hàng năm phải mời thầy cúng “mừng sức khỏe” cho nó với lễ vật tối thiểu là 1 con heo, 3 ché rượu cần. Lỡ voi chết, chủ phải tổ chức tang lễ và thậm chí phải “chia của”, làm tượng mồ cho voi. Nhà mồ của voi cũng được cả làng kiêng cữ. Không ai được chặt cây, làm ruộng rẫy bên cạnh mồ voi…

Đường sá, cầu cống giờ đã tỏa đến mọi nẻo buôn làng. Các phương tiện cơ giới tỏ ra hữu dụng hơn voi rất nhiều trong mọi công việc nặng nhọc. Yă Tao gần như “thất nghiệp”. Hai năm nay không còn đủ sức đưa voi vào rừng sâu để chăn, ông Ksor Chăm đành giao công việc cho người con rể Ksor A Lơ…

Ngày ngày ông A Lơ phải gùi gạo, muối vào rừng rong ruổi theo voi, có khi cả tháng mới về nhà một lần. Còn ông Ksor Chăm thỉnh thoảng cũng cố khăn gói vào rừng tìm gặp voi một lần cho đỡ nhớ…

Tốn công tốn của một bề, vậy mà đã nhiều người tìm đến đòi mua voi với giá cao – thậm chí có người đã gạ ông đổi ngang một chiếc ô tô hiệu Santafe đời mới giá gần tỷ bạc, ông Ksor Chăm vẫn nhất quyết chối từ… “Con voi đã ám vào “vía” mình. Bán nó đi có khác nào rứt ruột mang con đi bán” – người quản tượng già bùi ngùi cảm thán. Gương mặt ông chợt già đi như qua mấy mùa cây trút lá…

Voi thể hiện vai vế của cá nhân và cả dòng họ trong cộng đồng. Vì thế, nếu cân nhắc ý nghĩa sinh lời kinh tế, không ai nghĩ được rằng một con voi đực lớn trị giá bằng 50 con trâu; một chú voi con bét ra cũng ngang giá 20 con bò thì đồng bào vẫn sẵn sàng mang đổi…


Ngọc Tấn (Ngọc Tấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem