Sẻ lũ cùng nông dân
Năm nay, nông dân tỉnh Quảng Bình trồng trên 3.000ha sắn nguyên liệu, trong số này đã có đến 2.600ha đã được bà con nông dân hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Nhà máy Tinh bột sắn Sông Dinh (thuộc Công ty CP Bình Lợi). Khi cây sắn đến thời điểm thu hoạch thì liên tiếp xảy ra mưa lớn do ảnh hưởng của các cơn bão số 4,5 và số 6, làm ngập úng phần lớn diện tích sắn của bà con. Trong khi đó, theo kế hoạch, đến giữa tháng 10.2011, nhà máy mới đi vào chế biến...
|
Xe sắn của bà con nông dân Quảng Bình sắp hàng vào Nhà máy Tinh bột sắn Sông Dinh. |
|
Trước tình hình đó, lãnh đạo nhà máy đã chuyển kế hoạch và thực hiện vào vụ sản xuất sớm để kịp tiêu thụ sắn cho bà con nông dân. Cán bộ phòng Nông vụ được lệnh bám cơ sở đến từng hộ gia đình, phối hợp với lãnh đạo các thôn, xã để xác minh thiệt hại cụ thể từng vùng nguyên liệu. Từ đó có chủ trương ưu tiên thu mua sắn trước cho bà con nông dân ở những nơi ngập úng trước, tránh thiệt hại cho bà con.
Gia đình ông Dương Minh Tuấn (xã Hòa Trạch) trồng 1ha sắn. Nhiều năm qua, ngay từ đầu vụ, gia đình ông đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nhà máy. Mấy ngày đầu mưa, phần lớn diện tích sắn của gia đình ông và nhiều gia đình khác bên cạnh bị ngập úng, bắt đầu thối. Tuy nhiên, nhà máy thu mua kịp thời nên 1ha sắn (sản lượng 20 tấn) của ông Tuấn đã thu về trên 20 triệu đồng.
Nhiều hộ dân có thói quen thích tự do không ký hợp đồng với nhà máy để khi vào vụ được bán ra ngoài hoặc bán cho nhà máy ở tỉnh khác. Bây giờ, sắn phải thu hoạch mà tư thương không mua và cũng không biết bán đi đâu phải đến nhà máy. Đối với những trường hợp này, nhà máy cũng “gánh” hộ khó khăn cho bà con.
Ông Nguyễn Văn Quốc (ở thị trấn Nông trường Việt Trung) được phòng Nông vụ nhà máy cấp phiếu nhập nguyên liệu cho biết: “Từ vụ tới, tôi phải ký hợp đồng với nhà máy thôi. Lỡ rủi ro xảy ra thì vẫn có nơi để mà san sẻ...”.
Thu mua hết sắn
Hiện nhà máy đang thu mua sắn cho nông dân với giá từ 12.000 - 13.000 đồng/kg tùy theo hàm lượng tinh bột. Mỗi ngày, lượng sắn nguyên liệu nhập vào nhà máy khoảng 500 tấn.
Hàng ngày có hàng trăm xe sắn của bà con nông dân xếp hàng đưa sắn vào nhà máy, tuy nhiên nhà máy đã bố trí cán bộ, sắp xếp hợp lý để thu mua hết sắn cho bà con, tránh tình trạng phải để sắn trên xe qua đêm tại nhà máy.
Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Nguyễn Tâm Hưng - Phó Giám đốc nhà máy cho biết: “Hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm của nhà máy là Trung Quốc đang đóng băng, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được nhưng nhà máy cũng quyết tâm mua hết sắn cho bà con. Dù sao thì cũng không thể bỏ rơi nông dân vào những lúc này...”.
Tại thời điểm ngày 5.10, trên 10.000 tấn sắn nguyên liệu được thu hoạch từ những vùng ngập úng đã được đưa vào nhà máy. Hiện nhà máy đang căng sức chạy cho hết nguyên liệu. Tuy nhiên, dù chạy 3 ca thì cũng chỉ ngốn hết 350 tấn nguyên liệu/ngày. Như vậy, mỗi ngày nhà máy phải mua cho bà con dôi ra hàng trăm tấn sắn. “Vụ sản xuất năm nay, nhà máy có thể lỗ, nhưng sự “liên kết” của nhà máy với bà con nông dân sẽ ngày càng bền chặt hơn” - ông Nguyễn Tâm Hưng chia sẻ.
Phan Phương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.