Lê Xuân Giang (mặc quân phục) trắng trợn làm giả cả lễ đón nhận Bằng khen của Thủ tướng nhằm mục đích lừa đảo. Ảnh: Chụp lại từ hồ sơ của công an.
Trùm lừa đảo Lê Xuân Giang cũng bị trợ thủ “xỏ mũi”
Theo hồ sơ của cơ quan công an, Nguyễn Thị Thủy (SN 1970, quê Tứ Kỳ, Hải Dương) trước khi bị tạm giam trú tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội. Sau khi học hết phổ thông ở quê, Thủy phiêu bạt kiếm sống bằng nhiều nghề như thợ may, cắt tóc - gội đầu, sơn sửa móng tay… Cách đây vài năm, Thủy bắt đầu tham gia vào một số Cty kinh doanh đa cấp, khai đã theo học một lớp đào tạo về đa cấp do Bộ Công Thương mở (?). Tại cơ quan điều tra, Thủy khai lớp học này diễn ra trong 3 ngày, nhưng Thủy chỉ học có 1 ngày là lấy được chứng chỉ.
Sau khi có chứng chỉ và học lỏm được ít ngón nghề từ những Cty cũ, năm 2014, Thủy về làm cho Cty Liên Kết Việt. Ban đầu Thủy chỉ là Trưởng nhóm “Quản lý phát triển kinh doanh của doanh nghiệp”, sau đó được Lê Xuân Giang bổ nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm của Thủy phát triển được hàng chục chi nhánh tại 27 tỉnh, thành phố, lôi kéo được khoảng 60 nghìn người tham gia. Cơ quan điều tra xác định, từ đầu năm 2014 đến tháng 7.2015, với hình thức kinh doanh đa cấp, nhóm trên thu được khoảng 1.900 tỷ đồng.
Trước khi CQĐT vào cuộc điều tra, Cty Liên Kết Việt từng bị Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương xử phạt hành chính với số tiền 500 triệu đồng.
|
Nhóm này có 5 người, đều là “tay chân” của Thủy, những người có kinh nghiệm, nhiều mánh khóe trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp. Tiếng là đầu quân cho Lê Xuân Giang, nhưng thực chất đa phần các hoạt động của Cty đều do Thủy và nhóm tay chân chi phối, bởi bản thân Lê Xuân Giang không biết gì về kinh doanh đa cấp. Chính vì vậy, Thủy và nhóm của mình đã “xỏ mũi” ông chủ, nhập thêm mã ảo vào hệ thống để rút tiền chia nhau.
Cụ thể, theo thỏa thuận, ngoài mức lương cứng 25 triệu đồng/tháng, nhóm trợ thủ do Thủy cầm đầu còn được hưởng 300 nghìn đồng/mã hàng phát sinh trong hệ thống và được hưởng quyền lợi mãi mãi trong hệ thống cộng tác viên. Lợi dụng vào sự thiếu quản lý của Giang, cứ 10 người nộp tiền vào hệ thống thì Thủy lại nhập thành 12 để lấy tiền chia nhau. Thấy nhóm của Thủy được hưởng lợi nhiều tiền, Lê Xuân Giang đã phải đàm phán lại, chỉ chi cho nhóm của Thủy 210 nghìn đồng/mã hàng; còn 80 nghìn đồng để tiếp tục phát triển hệ thống.
Lê Xuân Giang luôn xuất hiện trong trang phục đại tá quân đội khi tham dự các sự kiện. Ảnh: CAND
Nhiều tướng, tá nghỉ hưu bị lợi dụng
Để tạo lòng tin cho khách hàng đóng tiền tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của mình, ngoài việc giới thiệu Cty Liên Kết Việt là Cty trực thuộc Bộ Quốc phòng, dán logo “BQP” lên các sản phẩm hàng hóa thì mỗi lần tổ chức các cuộc hội nghị khuếch trương, Giang đều mời một số cán bộ quốc phòng nghỉ hưu đến ăn uống, tặng quà. Bản thân Lê Xuân Giang cũng tự đeo “lon” đại tá, trong khi bị can này khi xuất ngũ mới chỉ là chuẩn úy. CQĐT cho rằng, Lê Xuân Giang đã lợi dụng hình ảnh của một số tướng, tá nghỉ hưu để đánh bóng, gây nhầm tưởng cho khách hàng về việc Cty của Giang là Cty của Bộ Quốc phòng.
Cùng với “bình phong” dựng lên, Cty Liên Kết Việt còn đưa ra mức “hoa hồng” khủng: bỏ ra 9 tỷ thì 1 năm sau thu về 450 tỷ, cứ đóng tiền vào là được tiền hoa hồng, chỉ việc ngồi không, không phải kinh doanh gì, “làm giàu không khó”. Thế nên, có những người đóng tiền không mua hàng, chỉ ngồi chờ tiền về, có nhiều người ôm hàng cũng không bán được, có người bán cả nhà để lấy nộp tiền vào hệ thống của Giang. Vẫn theo CQĐT, người bị lừa ít nhất là 8,6 triệu đồng nhưng cũng có không ít người bị lừa lên tới 5-6 tỷ đồng.
Tại CQĐT, Lê Xuân Giang khai không nghĩ sẽ thu về số tiền lớn đến thế, và bản thân bị ngợp trước khoản thu khổng lồ. Cơ quan chức năng ước tính, Lê Xuân Giang có thể thu lợi đến 500 tỷ đồng, nhưng chính bản thân bị can này cũng không thể tính chính xác được vì có quá nhiều tiền.
Sẽ truy thu tài sản đến cùng
“Với sự tinh quái của mình, nên khi dư luận vạch ra được phi vụ Bằng khen giả thì nhóm của Thủy biết là “chết” nên bỏ trốn, tẩu tán tài sản, bán nhà sang tên người khác, tiêu hủy tài liệu… Tuy nhiên, CQĐT sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy thu tài sản phạm pháp đến cùng” - một cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an nói.
Đại tá Trần Quang Huy - Trưởng phòng Hướng dẫn và điều tra án tham nhũng (C46) - Bộ Công an cho hay, vào thời điểm thực hiện các quyết định tố tụng với Lê Xuân Giang, Nguyễn Thị Thủy và 5 bị can trong vụ án này, cơ quan điều tra đã chia làm nhiều mũi, thực hiện khám xét từ tối đến đêm. Thậm chí, lúc thực hiện lệnh khám xét, trong nhà bị can có két nhưng không có chìa khóa, cơ quan công an phải thuê người đến để phá két vào lúc 1h sáng nhằm thu giữ tất cả các tài liệu liên quan.
Kết quả khám xét thu giữ được 16 máy tính, nhiều hồ sơ tài liệu, phong tỏa tài khoản, thu giữ tổng cộng số tiền trên 134 tỷ đồng.
Được biết, cùng với việc mở rộng điều tra, làm sáng tỏ vụ án tại Cty Liên Kết Việt, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an cũng sẽ tiếp tục triển khai nắm tình hình tại các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ tiến hành khởi tố để điều tra.
Dương Lê (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.