Bắc Ninh: DN cấp tập mua giường, làm nhà tắm, xây nhà vệ sinh "dã chiến" cho công nhân ở lại nhà máy làm việc

Khương Lực Thứ năm, ngày 27/05/2021 17:15 PM (GMT+7)
Sau thông báo kết luận của UBND tỉnh Bắc Ninh tối 26/5 về việc yêu cầu các doanh nghiệp phải chuẩn bị chỗ ăn, ở để công nhân ở lại nhà máy làm việc nhằm phòng chống Covid-19, ghi nhận của Dân Việt cho thấy, hôm nay đã có nhiều công ty đang chuẩn bị mua giường, làm nhà tắm, sửa khu vệ sinh cho công nhân.
Bình luận 0

Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận gần 90 ca bệnh Covid-19 trong các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp lớn như: Samsung, Canon... ở các khu công nghiệp. Để hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp đang tính phương án mua giường, làm nhà tắm, sửa khu vệ sinh... để đón công nhân đến ở, ăn uống và làm việc tại nhà máy.

Ngày 20/5, Công ty TNHH Spica Elastic Việt Nam tại KCN Quế Võ mở rộng (xã Phượng Mao, Quế Võ, Bắc Ninh) ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên - bệnh nhân 4773. Ngay lập tức, công ty đã dừng hoạt động và tổ chức xét nghiệm nhanh cho toàn bộ công nhân làm việc trong công ty.

Bắc Ninh: Liên quan 22 ca mắc Covid-19, doanh nghiệp mua giường, làm nhà tắm... để công nhân đến ở, mong hoạt động trở lại - Ảnh 1.

Ông Amish Rajnikant Jaitha, Tổng giám đốc Công ty TNHH Spica Elastic Việt Nam đề xuất sẽ sắp xếp chỗ ở cho người lao động trong công ty để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19, vừa giúp công ty sớm hoạt động trở lại.

Bắc Ninh: Liên quan 22 ca mắc Covid-19, doanh nghiệp mua giường, làm nhà tắm... để công nhân đến ở, mong hoạt động trở lại - Ảnh 2.

Đến nay, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận thêm 22 ca liên quan đến bệnh nhân 4773 - là công nhân làm việc tại Công ty TNHH Spica Elastic Việt Nam

Sau khi ghi nhận thêm 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, (1 công nhân công ty và 6 trường hợp là người trong gia đình có thành viên là công nhân công ty Spica), tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành truy vết, rà soát được 290 F1. Đến nay đã ghi nhận thêm 22 ca liên quan đến bệnh nhân 4773 - là công nhân làm việc tại Công ty TNHH Spica Elastic Việt Nam.

Ông Amish Rajnikant Jaitha, Tổng giám đốc Công ty TNHH Spica Elastic Việt Nam cho biết, việc công ty dừng sản xuất gây khó khăn cho 45 khách hàng, nhất là một số khách hàng lớn có lượng công nhân từ 8-12 nghìn người. "Việc công ty dừng sản xuất đã ảnh hưởng đến một chuỗi dây chuyền của các công ty khác"- ông Amish Rajnikant Jaitha nói .

Tính đến 6h ngày 27/5, toàn tỉnh Bắc Ninh nghi nhận 646 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 8 huyện, thị xã, thành phố với 129 ổ dịch, trong đó có 51 ca mắc mới. Tỉnh Bắc Ninh rà soát được 5.056 trường hợp F1, 33.122 trường hợp F2.

Công ty TNHH Spica Elastic Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Ấn Độ chuyên sản xuất sản phẩm liên quan tới sản xuất sợi tổng hợp đàn hồi - dây chun cho các doanh nghiệp may mặc. Công ty có 800 công nhân, nhưng có nhiều người là F1, F2 đang phải thực hiện cách ly y tế tập trung và tại nhà.

Với những trường hợp F1 đang cách ly y tế tập trung, ông Amish Rajnikant Jaitha thông tin, công ty đã quyết định chi trả toàn bộ những chi phí phát sinh khi công nhân của công ty ở khu cách ly tập trung và luôn gọi điện để hỏi thăm tình trạng sức khỏe của người lao động ở trong khu cách ly tập trung.

Đối với các trường hợp F2, F3 đang cách ly tại nhà, công ty đưa ra đề xuất sẽ sắp xếp chỗ ở cho người lao động trong công ty để đảm bảo việc an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19, vừa giúp công ty sớm hoạt động trở lại.

"Công ty đề xuất với các cơ quan chức năng cho doanh nghiệp trở lại hoạt động phần nhỏ với 50-100 công nhân, danh sách là F2, F3" - ông Amish Rajnikant Jaitha chia sẻ.

Bắc Ninh: Liên quan 22 ca mắc Covid-19, doanh nghiệp mua giường, làm nhà tắm... để công nhân đến ở, mong hoạt động trở lại - Ảnh 4.

Bà Đào Hồng Lan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh kiểm tra công tác phòng chống Covid-19 tại Công ty TNHH sản xuất Biel Crystae Việt Nam (KCN VSIP Bắc Ninh). Ảnh: Khương Lực

Không chỉ riêng Công ty TNHH Spica Elastic Việt Nam mong muốn được phép hoạt động trở lại sau khi ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên và bị buộc phải dừng hoạt động. Như Công ty TNHH Canon Việt Nam có 5 ca mắc Covid-19, toàn bộ khoảng 8.000 công nhân phải nghỉ việc. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận có trên 50.000 lao động bị nghỉ việc do tác động của dịch Covid-19.

Điều này không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới đời sống người lao động trong các doanh nghiệp mà còn làm đứt gãy chuỗi sản xuất của nhiều doanh nghiệp lớn, đa quốc gia. Tính đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã ghi nhận trên dưới 90 ca bệnh Covid-19 liên quan đến các doanh nghiệp, trong đó có các công ty lớn như: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (KCN Yên Phong), Công ty TNHH Canon Việt Nam (KCN Quế Võ)...

Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện mật độ công nhân lao động sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh rất đông, cao gấp năm lần cả nước. “Bắc Ninh đứng thứ nhất về quy mô sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước, nếu xảy ra đứt gãy chuỗi sản xuất thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn" - bà Giang nói.

Những ngày gần đây, dịch Covid-19 biến chủng mới có tốc độ lây lan rất nhanh, đã và đang bùng phát tại một số tỉnh, thành phố, trong đó Bắc Ninh được ghi nhận là địa bàn xuất hiện ổ dịch phức tạp, với ca nhiễm tăng cao.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng nhanh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất giải pháp mạnh, đó là yêu cầu các doanh nghiệp trong các KCN chuẩn bị điều kiện để triển khai ngay việc bố trí người lao động ăn, ở, làm việc trong khu vực nhà máy, không đi ra ngoài.

Việc triển khai bố trí công nhân lưu trú làm việc tại các nhà máy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh góp phần bảo vệ nhà máy, bảo vệ công nhân, duy trì sản xuất. Qua đó, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ và triển khai kế hoạch sản xuất của nhà máy, cơ sở sản xuất, đặc biệt là trong các khu công nghiệp khi có dịch xảy ra trên diện rộng.

Trong ngày 26/5, ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh đã chủ trì hội nghị với sự tham gia của các cơ quan trong tình và các doanh nghiệp lớn như: Samsung SEV, Canon, Foxconn, Goerteck, Diana... bàn về các biện pháp phòng dịch Covid-19.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cho biết, hiện nay có tới 89% ca bệnh nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh là xuất phát từ cộng đồng, nguy cơ lây lan vào các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp rất lớn.

Nếu không có giải pháp mạnh và đi trước, chúng ta sẽ luôn phải chạy theo dịch. Vì vậy, việc triển khai biện pháp, đặc biệt là bố trí chỗ ăn, ở cho công nhân lao động tại nhà máy là phương pháp hữu hiệu nhất hiện nay nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động, doanh nghiệp.

Theo đó, tất cả các doanh nghiệp phải bố trí xét nghiệm tập trung bằng phương pháp RT-PCR. Công nhân có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ mới được vào nhà máy làm việc. Đồng thời, công nhân vào làm việc phải cam kết ở lại nhà máy, không được đi ra ngoài. Nhà máy tổ chức định kỳ xét nghiệm 10% công nhân ở trong nhà máy.

Doanh nghiệp được yêu cầu bố trí chỗ ở tạm cho công nhân bằng cách hoán cải nhà ăn, hội trường, phòng hội thảo, phòng họp. Ông Tuấn cũng chỉ đạo các doanh nghiệp dựng rạp, nhà bạt dã chiến ra các khu đất trống, đường ít đi hoặc nhà kho làm khu vực ăn uống nhưng đảm bảo vệ sinh, thông gió, an toàn thực phẩm và an toàn phòng dịch.

Về thời hạn, các doanh nghiệp khuyến khích công nhân ở lại công ty tối thiểu 15 ngày/đợt. Công nhân quay lại nhà trọ, nơi cư trú sẽ được quản lý như F2. Về tiến độ, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các doanh nghiệp chuẩn bị cơ sở vật chất xong trước ngày 29/5 và bắt đầu thực hiện từ ngày 2/6.

Tại hội nghị tập huấn hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, KCN sáng 27/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, qua thực tế kiểm tra hơn 200 nhà máy, doanh nghiệp, đoàn công tác Bộ Y tế ghi nhận có một số nhà máy, doanh nghiệp ở một số địa phương còn hạn chế trong công tác phòng, chống dịch.

Một số địa phương chưa xây dựng hoặc xây dựng chưa hoàn chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch tại KCN và từng nhà máy. Việc cập nhật lên bản đồ an toàn Covid mới chỉ đạt 5-10% trong số các doanh nghiệp, nhà máy được kiểm tra.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương phải phân công rõ trách nhiệm từng người để trực tiếp phụ trách từng doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trước chính quyền và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh; thường xuyên kiểm tra, rà soát, hoàn chỉnh cập nhật kế hoạch phòng, chống dịch với KCN.

Trường hợp xuất hiện nhiều ca bệnh, nhiều đối tượng F1 cần tính toán phương án thực hiện cách ly tập trung tại nơi lưu trú, hộ gia đình và thực hiện đầy đủ kiểm tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, thu gom rác thải như trong khu cách ly tập trung.

Các doanh nghiệp xây dựng phương án sàng lọc từng phân xưởng, từng nhóm công nhân, nếu từng bước an toàn dần dần đưa từng phân xưởng vào hoạt động để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem