Liên quân hứng “búa rìu” dư luận

Thứ tư, ngày 23/03/2011 06:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau ba đêm liên quân không kích ác liệt nhằm vào quân chính phủ Libya, ngày 22.3, cộng đồng quốc tế đã có những tuyên bố mạnh mẽ phản đối cuộc tấn công đang khiến nhiều dân thường thiệt mạng.
Bình luận 0

“Vô số dân thường thương vong”

Theo CNN, sau khi tiếp tục tiến hành các cuộc không kích dữ dội ở Libya, liên quân đã đẩy mạnh mở rộng vùng cấm bay về phía nam và phía tây, cuối cùng sẽ mở tới thủ đô Tripoli.

img
Xe tăng của quân chính phủ Libya bị trúng tên lửa của liên quân.

Vùng cấm bay ở Libya áp đặt theo Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) sẽ bao trùm khoảng 1.000km, trong đó có Tripoli.  Truyền hình quốc gia Libya đã ghi lại những hình ảnh cho thấy bầu trời Tripoli rực lửa đạn pháo phòng không trong đêm 21.3. Truyền hình khẳng định các vụ tấn công trên "do kẻ thù thập tự chinh tiến hành, song người dân Libya không sợ hãi".

Sáng 22.3, được sự hỗ trợ của hàng chục máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ, Pháp và Anh, lực lượng nổi dậy từ chỗ sắp bị đánh bại đã vùng lên mở các cuộc phản công ở một số thành phố ở phía đông.

Tuy nhiên, theo ông H.Guaino - một cố vấn cao cấp của Tổng thống Pháp, chiến dịch của liên quân và quân nổi dậy sẽ mất thêm thời gian vì “lực lượng chính phủ vẫn còn mạnh. Họ là một quân đội chuyên nghiệp và được trang bị tốt, trong khi phe nổi dậy có tới 90% là dân thường cầm súng”.

Nói với phóng viên AP ngày 22.3, người dân tại thành phố Misrata, miền Tây Libya cho biết, lực lượng trung thành với ông Gadhafi đang tấn công thành phố này hiện do lực lượng nổi dậy kiểm soát, gây ra nhiều thương vong trong đó có 4 trẻ em thiệt mạng khi chiếc ô tô chở những đứa trẻ này bị trúng đạn.

Phát ngôn viên của Chính phủ Libya tuyên bố đã có “vô số dân thường” bị thương vong sau 3 đêm không kích của liên quân. Người phát ngôn Bộ Chỉ huy châu Phi của quân đội Mỹ V.Crawley thông báo, một máy bay chiến đấu F-15E của không lực nước này đã bị rơi tại Libya đêm 21.3. Theo ông Crawley, nguyên nhân sự cố có thể do lỗi máy móc chứ không phải do hỏa lực của đối phương.

Mỏ dầu chứ không phải nhân quyền!

Ngày 24.3 tới, HĐBA LHQ sẽ họp và nghe Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tóm tắt tình hình tại Libya sau 7 ngày cơ quan này thông qua Nghị quyết 1973 cho phép áp đặt vùng cấm bay tại quốc gia Bắc Phi này.

Giới phân tích nhận định, chiến dịch tấn công Libya của liên quân bước đầu đã thu được một số kết quả nhất định, song việc xử lý lâu dài tình hình Libya sau xung đột để tránh rơi vào các “bãi lầy” như Iraq và Afghanistan mới là vấn đề vô cùng khó. Trong bối cảnh vẫn đang phải “thắt lưng buộc bụng” vì khủng hoảng tài chính thì cuộc không kích ngốn khoảng 150 triệu USD/tuần này chắc chắn sẽ khiến lãnh đạo châu Âu và Mỹ phải đối mặt với áp lực lớn từ dư luận.

Quyết định trên được đưa ra sau khi các thành viên HĐBA nhận được bức thư của Ngoại trưởng Libya M.Kousa, cáo buộc về một "âm mưu từ bên ngoài đang nhằm vào Libya", tấn công một quốc gia độc lập và là thành viên của LHQ.

Trong bức thư đề ngày 19.3, Ngoại trưởng Kousa cáo buộc liên quân ném bom nhiều khu vực dân sự, vi phạm Hiến chương LHQ và kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn cấp nhằm chấm dứt hành động xâm lược trên.

Trong khi đó, chiến dịch quân sự của liên quân nhằm vào Libya tiếp tục vấp phải sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, trong chính giới cũng như người dân các nước tham chiến. Tân Hoa xã (Trung Quốc) cho biết, trong chuyến thăm Chile ngày 22.3, Tổng thống Mỹ B.Obama nói rằng Washington muốn chuyển giao vai trò lãnh đạo các sứ mệnh quân sự tại Libya cho các đồng minh.

Reuters đưa tin, Hạ nghị sĩ Dân chủ M.Honda nêu rõ: Những mỏ dầu lớn của Libya, chứ không phải vấn đề nhân quyền (bảo vệ dân thường) mới là động lực thúc đẩy các cuộc tấn công của liên quân vào Libya - nước có lượng dầu đứng thứ 7 trên thế giới. Thủ tướng Bungari B.Borisov cũng cho rằng, quyền khai thác dầu mỏ trong tương lai đứng đằng sau chiến dịch quân sự của liên quân hiện nay ở Libya.

Hiện Quốc hội Anh đang phải đối mặt với làn sóng phản đối của người dân. Nhiều người lo ngại rằng Anh sẽ bị sa lầy vào một cuộc xung đột kéo dài ở nước ngoài đúng thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và cần phải thắt chặt chi tiêu ngân sách. Thủ tướng Anh David Cameron đã trình bày trước Nghị viện nước này rằng, hành động tấn công quân sự tại Libya không phải là một cuộc xâm lăng mà là sứ mệnh bảo vệ người dân Libya. Ông Cameron tuyên bố Libya sẽ không là một Iraq thứ hai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem