Liên tiếp các vụ giáo viên bạo hành học sinh: "Sỉ nhục học sinh thể hiện sự kém cỏi của người thầy"

Tào Nga Thứ ba, ngày 03/10/2023 09:19 AM (GMT+7)
Sau loạt các vụ giáo viên bạo hành học sinh, các chuyên gia cho biết: "Kỷ luật mới tạo nên sức mạnh nhưng giáo viên dùng ngôn ngữ sỉ nhục học sinh thể hiện sự kém cỏi trong dạy học của thầy".
Bình luận 0

Giáo viên bạo hành học sinh: "Tôi kịch liệt phản đối "

Sau loạt vụ lạm thu các khoản đầu năm học thì phụ huynh và dư luận bàng hoàng khi liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành học sinh từ mầm non cho đến cấp THPT. 

Đầu tiên là vụ cô giáo Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đuổi một nữ sinh lớp 12 ra khỏi lớp quỳ khóc đến kiệt sức chỉ vì "không mua bánh sinh nhật đúng cửa hàng". Tiếp theo, một thầy giáo dạy tiếng Anh ở Trường THPT Phan Huy Chú – Thạch Thất, Hà Nội đã bóp cằm, chỉ vào mặt nam sinh xưng "mày tao", thậm chí ở cuối clip, thầy giáo còn xúc phạm học sinh chỉ vì em làm bài tập sai.

Chưa dừng lại ở đó, một học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Hải Hòa, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa đã bị cô giáo dùng roi trẻ đánh vào lưng bầm tím vì không làm bài tập. Hay mới đây nhất là vụ phụ huynh tố cô giáo tại Trường Mầm Non Ngôi Sao Nhỏ - Little Star đánh con mới 14 tháng tuổi.

img
img
img
img

Loạt các vụ giáo viên bạo hành học sinh gây chấn động mấy ngày qua. Ảnh: CMH

Mọi người vẫn tin tưởng rằng, môi trường trường học vẫn là nơi an toàn nhất, học sinh đi học được bảo vệ, yêu thương nhất… Thế nhưng thực tế, liên tiếp các vụ giáo viên bạo hành học sinh từ lời nói đến hành động này khiến phụ huynh lo lắng. 

Trao đổi với PV báo Dân Việt về những vụ việc trên, thầy Phạm Quốc Toản, Tổ trưởng tổ Tự nhiên, Phó ban chuyên môn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội nêu quan điểm: "Tôi kịch liệt phản đối sự việc quá lệch chuẩn mực của giáo viên như vậy. Giáo dục học sinh phải khắt khe nhưng không được dùng những từ mang tính chất xúc phạm. Phê bình, thậm chí mắng học sinh nhưng luôn phải xưng thầy – em. Phương pháp hiệu quả trong giáo dục là: Giáo dục làm gương".

Hiện nay, Bộ GDĐT đã có những quy định về đạo đức nhà giáo nhưng vẫn xảy ra tình trạng như trên, theo thầy Toản, mỗi năm nên có phiếu thăm dò kín của học sinh về giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để uốn nắn kịp thời. Việc thăm dò khách quan và thực hiện của một ban riêng của nhà trường. Giáo viên không biết để đảm bảo tính khách quan.

Thầy Toản cho rằng, khi học sinh mắc lỗi, giáo viên phải nhắc nhở thông qua các giờ sinh hoạt lớp. Nếu học sinh nhiều lần vi phạm cần có trao đổi với phụ huynh, nặng hơn cần lập hội đồng kỷ luật. Giáo viên cần bám vào nội quy, Luật Giáo dục để thực hiện. Kỷ luật mới tạo nên sức mạnh nhưng giáo viên phải dùng ngôn ngữ sỉ nhục học sinh thể hiện sự kém cỏi trong dạy học của thầy.

Cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo

Thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên Sinh học tại Hà Nội cho hay: "Đã đến lúc cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa về vấn đề đạo đức nhà giáo trong trường học. Luật Giáo dục năm 2019 đã trình bày rất rõ chuẩn mực ứng xử và quyền hạn của giáo viên. Trong đó, Điều 22 của Luật cũng như điều lệ của các trường học đều nêu nghiêm cấm xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học.

Lớp học là địa điểm bạo hành xảy ra thường xuyên nhất. Thực trạng này diễn ra với mức độ và tính chất khác nhau. Do ranh giới giữa việc giáo viên nghiêm khắc, kỷ luật và bạo lực học đường cũng tương đối gần nhau nên giáo viên cũng không nhận thức được là thái độ, hành vi của mình là bạo lực học đường".

Liên tiếp các vụ giáo viên bạo hành học sinh: "Sỉ nhục học sinh thể hiện sự kém cỏi của người thầy" - Ảnh 2.

Thầy cô giáo phải là những người có chuẩn mực đạo đức, có hành vi ứng xử phù hợp thì mới có hiệu quả trong công tác giáo dục. Ảnh minh họa: Tào Nga

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Giảng viên Luật, Trường Đại học Thủy lợi: "Hoạt động giáo dục là hoạt động nghề nghiệp đặc thù, thể hiện sự nhân văn, văn hóa, hướng thiện. Chính vì vậy đòi hỏi thầy cô giáo, cán bộ giáo dục phải là những người có chuẩn mực đạo đức, có hành vi ứng xử phù hợp thì mới có hiệu quả trong công tác giáo dục.

Trước nhiều vụ bạo hành học sinh xảy ra thời gian qua, tôi thấy rất cần thiết sớm xây dựng Luật Nhà giáo để thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật và bổ sung các văn bản mới về hoạt động nghề nghiệp giáo viên trong đó Luật Nhà giáo sẽ định danh nhà giáo; Làm cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Quy định đầy đủ thống nhất về tuyển dụng, sử dụng, điều kiện làm việc và tiêu chuẩn của nhà giáo; Đào tạo bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Mới đây Chính phủ đã họp phiên chuyên đề pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã kết luận: Thống nhất với Tờ trình của Bộ GDĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, về các chính sách dự kiến đưa vào nội dung của Luật.

Luật Nhà giáo kết hợp với Luật Giáo dục và các văn bản pháp luật khác có liên quan sẽ là hệ thống cơ sở pháp lý quan trọng để hoạt động giáo dục được thực hiện một cách có hiệu quả, có nền nếp, giảm đến mức tối thiểu những sự vụ bạo lực học đường có thể xảy ra. Đặc biệt là những vụ việc giáo viên không đủ năng lực phẩm chất, không đủ tiêu chuẩn vẫn tham gia giảng dạy để rồi thực hiện các hành vi bạo hành, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của học sinh".

Đồng cảm với áp lực của giáo viên

Đứng về góc độ tâm lý, chia sẻ với PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Đình Sơn, Chuyên gia tâm lý trẻ vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nêu quan điểm: "Về mặt khách quan, cứ vào đầu năm, giáo viên vô cùng áp lực với rất nhiều việc như thu tiền, chương trình dạy, sắp xếp học sinh, thủ tục hành chính... Giáo viên sinh ra hành vi như vậy đôi lúc chỉ là giọt nước tràn ly. Giáo viên cũng như cha mẹ, yêu thương học sinh như con và đôi lúc cha mẹ có những hành vi nóng giận với con như vậy.

Nói như thế không phải là rũ bỏ mọi sai phạm của giáo viên trong những vụ việc trên. Một cô giáo kéo lê học trò trên sàn là phản giáo dục, thầy giáo văng tục với học sinh là không chấp nhận được hay hành vi đánh học sinh là không thể thông cảm... những khoảnh khắc ấy, giáo viên đã đánh mất hình ảnh của chính mình và của nhà trường. Tôi vẫn khẳng định giáo viên đã sai hoàn toàn, không bao biện, nhất là khi con em rơi vào trường hợp tương tự, chúng ta còn phản ứng mạnh hơn.

Tuy nhiên, sau mọi phê phán, chúng ta cũng cần có cái nhìn đồng cảm hơn với giáo viên. Không phải tất cả nhà giáo đều có hành động như vậy. Chính bản thân thầy cô cũng cần được "chữa lành" để cân bằng cảm xúc nhằm hạn chế hành vi tiêu cực.

Mặc dù được đào tạo ngành Sư phạm nhưng giáo viên chỉ được học tâm lý khoảng 30 tiết nên khi ra trường không hiểu hết được tâm lý học trò trong từng độ tuổi trong từng lớp học, cùng với phương pháp giáo dục còn hạn chế dẫn đến sai lệch về đạo đức.

Tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với giáo viên. Tôi thấy giáo viên rất "cô đơn" trước quá nhiều áp lực. Sức khoẻ cảm xúc của giáo viên không tốt sẽ ảnh hưởng đến chính học sinh và phụ huynh có con theo học. Bởi vậy, chúng ta cần giúp đỡ, trang bị kiến thức, đồng cảm với áp lực của họ để những trường hợp tương tự không xảy ra".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem