Liên tiếp trúng gói thầu tỷ lệ rất thấp, Tập đoàn Thuận An của ông Nguyễn Duy Hưng làm ăn thế nào?
Liên tiếp trúng gói thầu tỷ lệ rất thấp, Tập đoàn Thuận An của ông Nguyễn Duy Hưng làm ăn thế nào?
Thế Anh - Công Khoa
Thứ ba, ngày 16/04/2024 07:30 AM (GMT+7)
Theo dữ liệu của Dân Việt có được, giai đoạn 2019 đến nay, Tập đoàn Thuận An đã trúng 39 gói thầu với giá trị hơn 22 nghìn tỷ đồng. Dù vậy, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Thuận An do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch lại trồi sụt, vay nợ tăng cao.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Thuận An cùng một số bị can về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ", quy định tại khoản 3 Điều 222 và khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Nổi danh nhờ liên tiếp trúng thầu, lợi nhuận của Tập đoàn Thuận An vẫn trồi sụt
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An (Tập đoàn Thuận An) được thành lập tháng 8/2004, do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch HĐQT.
Trong giai đoạn 2017 - 2019, doanh thu của Thuận An luôn ở mức vài trăm tỷ đồng. Cụ thể, năm 2017, doanh thu của Thuận An ở mức 301 tỷ đồng, rồi giảm xuống còn 258 tỷ đồng vào năm 2018 và đạt 288 tỷ đồng vào năm 2019.
Dù có doanh thu khá ấn tượng, nhưng do giá vốn hàng bán quá cao nên lợi nhuận gộp còn lại của Tập đoàn Thuận An trong giai đoạn này chỉ dao động trong khoảng từ 6 đến 17 tỷ đồng. Thậm chí, lợi nhuận thuần của Tập đoàn Thuận An có lúc chỉ đạt gần 1 tỷ đồng và trong các năm 2018 và 2019, lợi nhuận thuần từ mức âm 38 triệu đã lên tới âm 214 triệu đồng.
Tổng tài sản của Tập đoàn Thuận An trong giai đoạn 2017 - 2019 cũng "trồi sụt", từ mức 612,2 tỷ đồng (năm 2017), giảm xuống còn 564,7 tỷ đồng (năm 2018), rồi tăng vọt lên 710,6 tỷ đồng (năm 2019).
Nợ phải trả của Tập đoàn Thuận An trong giai đoạn 2017 - 2018 giảm từ 311,7 tỷ đồng xuống còn 266,7 tỷ đồng, rồi lại tăng vọt lên 412,5 tỷ đồng vào năm 2019 (chiếm khoảng 48 - 58% tổng tài sản).
Sau một giai đoạn làm ăn "trồi sụt", đến tháng 8/2020, có vốn điệu lệ là 300 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại thời điểm tháng 10/2021, doanh nghiệp này thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng và tới tháng 12/2021, Tập đoàn Thuận An tiếp tục tăng vốn lên 800 tỷ đồng.
Tới tháng 1/2023, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An - TAG. Đại diện pháp luật khi này là ông Trần Anh Quang (SN 1985) kiêm Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Duy Hưng (SN 1974) kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty.
Sau khi liên tục được "bơm vốn", Tập đoàn Thuận An của ông Nguyễn Duy Hưng "nổi danh" và trở thành nhà thầu khá quen mặt tại các dự án giao thông lớn nhỏ tại nhiều địa phương khi liên tiếp trúng các gói thầu từ bé đến lớn tại các dự án giao thông.
Theo dữ liệu của Dân Việt có được, giai đoạn 2019 đến nay, Tập đoàn Thuận An đã trúng tổng giá trị 32 gói thầu thống kê trúng thầu dưới hình thức độc lập, liên danh, liên danh chính, liên danh phụ là gần 19.000 tỷ đồng.
Trong đó, ước tính 7 gói thầu do các Ban quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có trị giá gần 8.600 tỷ đồng.
Cùng với đó là 22 gói thầu có chủ đầu tư là các Ban quản lý dự án, đi qua 11 tỉnh thành gồm: Quảng Nam, Bắc Giang, Hậu Giang, Hà Nội, TP.HCM, Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp, Phú Yên, Đắk Lắk, Nghệ An, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh ước tính trị giá gần 9.500 tỷ đồng.
Loạt dự án thi công của Tập đoàn Thuận An ở nhiều địa phương
Tại TP.Hà Nội, Tập đoàn Thuận An của ông Nguyễn Duy Hưng đã góp mặt ở các gói thầu dự án giao thông trọng điểm do Ban QLDA ĐTXD công trình Giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư.
Các gói thầu bao gồm: Gói số 40 Thi công cầu vượt nút An Dương Vương - đường Thanh Niên với giá trị trúng thầu hơn 191 tỷ đồng, vai trò là Liên danh cùng với Công ty CP QLĐTXD Hồng Hà; Gói 02 thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 với giá trị trúng thầu hơn 289 tỷ đồng, vài trò liên danh cùng Công ty CP cầu 7 Thăng Long.
Cùng đó là gói thầu nâng cấp cầu Khê Tang xã Cự Khê do Ban QLDA ĐTXD công trình huyện Thanh Oai với giá trị hơn 6 tỷ đồng, vai trò là nhà thầu độc lập.
Tại TP.HCM, Tập đoàn Thuận An đã trúng các gói thầu "khủng" giá trị lớn tới hơn 3.584 tỷ đồng. Các gói thầu do Ban QLDA ĐTXD Công trình giao thông làm chủ đầu tư như: Gói XL05 thi công đường vành đai 3 qua TP.Thủ Đức với giá trị 2.303 tỷ đồng; Gói thầu XL02 thi công xây dựng hầm chui HC2 và trạm bơm dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ với giá trị 262 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là các gói thầu do Ban QLDA ĐTXD Hạ tầng đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư gồm: Gói XL04 và gói XL05 dự án Cầu Bưng đến cầu Tham Lương thuộc cải tạo kênh Tham Lương với giá trị 2 gói thầu hơn 1.000 tỷ đồng.
Nối bật nhất trong vài năm trở lại đây, Tập đoàn Thuận An của ông Nguyễn Duy Hưng liên tiếp trúng các gói thầu lớn tại tỉnh Tuyên Quang như: Gói 26 tại dự án Đường nối cao tốc Nội Bài - Lào với Tuyên Quang - Phú Thọ do Ban QLDA ĐTXD Công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư với giá trị hơn 487 tỷ đồng với vai trò là liên danh; Gói 26-GĐ2 với giá trị hơn 90 tỷ đồng.
Cùng đó là gói thầu 13, thi công xây dựng cầu Lạch Gạc 1, Lạch Gạc 2.. đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng do Ban QLDA ĐTXD Công trình giao thông Quảng Ninh làm chủ đầu tư với giá trị hơn 706 tỷ đồng.
Cũng tại tỉnh Hà Giang, Tập đoàn Thuận An trúng gói thầu hơn 815 tỷ đồng thi công dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang do Ban QLDA ĐTXD Công trình giao thông Hà Giang làm chủ đầu tư.
Tại tỉnh Lạng Sơn, Tập đoàn Thuận An trúng gói thầu hơn 878 tỷ đồng thi công nâng cấp QL4B do Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư. Tại tỉnh Đắk Lắk, Tập đoàn Thuận An trúng gói thầu hơn 514 tỷ đồng thi công nâng cấp đường Hồ Chí Minh tránh TP.Buôn Ma Thuột do Ban QLDA ĐTXD CT giao thông và NNPT nông thôn làm chủ đầu tư.
Tại tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn Thuận An trúng gói thầu XL01 thi công Dự án ĐT.&93 và cầu Suối Núc, kênh Tân Hưng, suối Ky Tây Ninh do Ban QLDA ĐTXD Công trình giao thông Công trình làm chủ đầu tư với giá trị hơn 300 tỷ đồng.
Tại Bến Tre, Tập đoàn Thuận An trúng gói thầu XL03 thi công Đường từ Cảng Giao Long đến KCN Phú Thuận Bến Tre do Ban QLDA ĐTXD Công trình giao thông làm chủ đầu tư với giá trị hơn 119 tỷ đồng. Tại tỉnh Đồng Tháp, Tập đoàn Thuận An trúng gói thầu 11 nâng cấp QL30 do Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư với giá trị hơn 302 tỷ đồng.
Tại tỉnh Phú Yên, doanh nghiệp này trúng gói thầu 01 thi công nút giao khác mức đường số 2 KĐT Nam TP.Tuy Hoà do Ban QLDA ĐTXD tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư, trị giá hơn 496 tỷ đồng.
Tại tỉnh Đắk Lắk, Tập đoàn Thuận An trúng gói thầu 03 thi công dự án đường Hồ Chí Minh tránh TP.Buôn Ma Thuột do Ban QLDA ĐTXD CT giao thông và NNPT nông thôn làm chủ đầu tư, giá trị hơn 514 tỷ đồng. và gói thầu 14 thi công nâng cấp QL15A Nghệ An do Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư, giá trị hơn 60 tỷ đồng.
Tại các dự án cao tốc Bắc – Nam do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Tập đoàn Thuận An trúng gói thầu XL10 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, do Ban Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư với giá trị 639,407 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tập Thuận An cũng là đơn vị trúng gói thầu số 5 thi công xây dựng dự án sửa chữa cầu Thăng Long, TP.Hà Nội và tháng 7/2020 do Tổng cục Đường bộ Việt Nam là chủ đầu tu với giá trị 242,846 tỷ đồng;
Thuận An cũng từng trúng gói thầu số 01EC thuộc dự án nút giao thông khác mức đường số 2 khu đô thị Nam TP.Tuy Hòa - đường Nguyễn Văn Linh (tỉnh Phú Yên), trúng thầu tháng 3/2019 với giá 496,034 tỷ đồng; gói thầu số 14 thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 15A đoạn Km301+500 - Km333+200, tỉnh Nghệ An với giá trúng thầu là 60,006 tỷ đồng.
Tại công trình xây dựng nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương thuộc dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng, Thuận An trong vai trò liên danh cũng là nhà thầu thực dự án, với giá trị hợp đồng gần 120 tỷ đồng.
Bên cạnh những gói thầu nêu trên, Tập đoàn Thuận An cũng là nhà đầu tư thi công cầu sông Rút nằm trên tuyến cao tốc nối Hạ Long với Bạch Đằng; Cầu Cửa Hội - dây văng Extradosed bắc qua sông Lam; Cầu Rạch Miễu 2; Dự án cầu Kỳ Lộ - cây cầu dài nhất (1,8km) trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh.
Tại công trình cầu dây văng Đồng Việt nối tỉnh Bắc Giang với Hải Dương, Thuận An là nhà thầu đảm nhận khối lượng công việc lớn nhất dự án với giá trị thi công gần 800 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Thuận An cùng một số bị can về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ", quy định tại khoản 3 Điều 222 và khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cũng đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan bao gồm: Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với. Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An về tội "Đưa hối lộ"; Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".
Cùng đó, là các bị can Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc và Đàm Văn Cường, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ; Hoàng Thế Du, Trưởng phòng Ban QLDA tỉnh Bắc Giang về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.