Liên tục lọt “tầm ngắm” điều tra, ngành thép xuất khẩu cần làm gì?
Liên tục lọt “tầm ngắm” điều tra, ngành thép xuất khẩu cần làm gì?
Thanh Phong
Thứ tư, ngày 21/10/2020 14:00 PM (GMT+7)
Trước sự gia tăng về xuất khẩu sản phẩm thép, nhiều doanh nghiệp cũng như mặt hàng thép của Việt Nam nói chung đang phải đối diện nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại do các nước nhập khẩu áp dụng.
Cụ thể, hiện tại, Việt Nam đã xuất khẩu thép sang hơn 30 quốc gia trong khu vực và thế giới, như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN. Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, tính từ năm 2004 đến tháng 8/2020 đã có 62 vụ việc.
Trong đó, chống bán phá giá có 34 vụ việc, chống trợ cấp 3 vụ việc. Ngoài ra, chống bán phá giá, trợ cấp có 6 vụ việc, chống tự vệ thương mại, lẩn trốn biện pháp phòng vệ thương mại 13 vụ việc.
Trước tình trạng trên ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, do năng lực sản xuất trong nước ngày càng gia tăng nên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng về chủng loại và có sự tăng trưởng nhanh về kim ngạch.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do, vì vậy, hàng rào thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được dỡ bỏ ngày càng nhiều.
Qua đó, tạo áp lực đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất nội địa tại thị trường nhập khẩu, buộc họ phải tìm đến các công cụ chính sách thương mại hợp pháp để bảo vệ lợi ích của mình.
Theo nhận định của ông Trung, đối diện với các vụ việc về phòng vệ thương mại, một số DN bước đầu đã có kinh nghiệm, chủ động bố trí nguồn lực và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra nước ngoài trong quá trình điều tra.
Đặc biệt, các DN đã nhận thức được việc chỉ thông qua sự chuẩn bị đầy đủ và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra. Như vậy, các DN mới có khả năng không bị áp thuế chống bán phá giá hoặc bị áp thuế với thuế suất không cao.
Tuy nhiên, ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết thêm, các DN còn rất lúng túng, thiếu chủ động trong việc chuẩn bị tham gia các vụ kiện.
Mặt khác, chỉ có DN bị trực tiếp mới quan tâm, còn DN khác ít quan tâm đến các vụ việc về phòng vệ thương mại, điều này đang rất đáng lo ngại. Ngoài ra, nguồn lực để theo đuổi các vụ việc của DN rất hạn chế, như tài chính, mức độ hiểu biết pháp luật về các quy trình điều tra…
Trước thực tế trên, ông Nghiêm Xuân Đa nhấn mạnh, các DN phải cùng phối hợp, cung cấp thông tin cho Hiệp hội để tránh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nóng sang các thị trường mới khi Hiệp định CPTPP, EVFTA có hiệu lực.
Qua đó, tình trạng các quốc gia khởi xướng điều tra áp dụng các biện pháp PVTM đối với các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm.
"Chính phủ, cũng như cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công Thương cần tăng cường các biện pháp bảo vệ, giám sát thị trường để kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, để tránh những phát sinh ngoài ý muốn, lợi dụng của DN nước ngoài nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại", ông Đa chia sẻ.
Về phía Bộ Công Thương, đại diện Cục PVTM khuyến nghị thêm, tình hình hiện nay, dịch bệnh Covid - 19 chưa thể kiểm soát và sẽ tiếp tục kéo dài, tăng trưởng của thương mại và kinh tế toàn cầu sẽ còn gặp khó khăn.
Vì vậy, xu hướng bảo hộ và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ còn tiếp tục gia tăng. Do đó, các DN cần có sự chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản xấu, trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, đặc biệt là các quy định pháp luật của các thị trường đang và sẽ xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.