Theo đại diện các ngân hàng, trong tình hình nền kinh tế ngày càng khó khăn nên áp lực xử lý nợ xấu ở các ngân hàng rất cao, thêm vào đó là gánh nặng về chỉ tiêu, thời gian làm việc và mức lương không còn “trên trời”,… khiến cho nghề ngân hàng hiện đã giảm sức hút hơn những năm trước. Tuy nhiên, “tiêu chuẩn” tuyển dụng vẫn rất cao.
“Căng thẳng” thi cử
Tại Vietcombank, ngân hàng này hiện đang có nhu cầu tuyển tuyển 642 chỉ tiêu cho 92 chi nhánh, song tiêu chí đầu tiên mà nhà băng này đưa ra là chỉ nhận các hồ sơ ứng viên tốt nghiệp hệ chính quy tập trung (không bao gồm hệ liên thông, tại chức). Tuy nhiên, sau khi nộp hồ sơ thì các thí sinh sẽ phải qua khâu sàng lọc trước khi trải qua kỳ thi “sát hạch” gồm 2 môn: chuyên ngành và tiếng Anh. Sau khi đạt điểm thi 2 môn này theo yêu cầu, ứng viên còn phải trải qua vòng phỏng vấn mới có cơ hội làm việc tại Vietcombank.
Đáng nói, trong vòng thi “sát hạch”, ứng viên phải trải qua kỳ thi như thi đại học bao gồm các quy tắc như: không được mang điện thoại vào phòng thi, ứng viên đến muộn 10 phút sau giờ làm bài hoặc không mang theo Thông báo dự thi sẽ không được tham dự kỳ thi…
Cũng khắt khe không kém là việc tuyển dụng của BIBV, ngoài yêu cầu ứng viên phải là tốt nghiệp đại học chính quy, tập trung, ngân hàng này cũng chỉ ưu tiên ứng viên tốt nghiệp ĐH công lập. Sau khi đáp ứng các tiêu chuẩn này kèm với tiêu chuẩn “ngoại hình cân đối” thì các ứng viên phải trải qua 2 vòng thi là làm bài thi và phỏng vấn trực tiếp.
Đại diện BIDV chi nhánh huyện Củ Chi cho biết: “Trường hợp được đặc cách vào vòng phỏng vấn, không phải tham gia thi viết thì ứng viên phải là tốt nghiệp loại xuất sắc, hệ chính quy, tại các trường đại học lớn, tên tuổi.
Nhiều ngân hàng có tiêu chí tuyển dụng rất khắt khe
Phó Giám đốc một ngân hàng thương mại tại TP.HCM thừa nhận, do “dồi dào” nguồn cung nhân lực ngành ngân hàng nên “tiêu chuẩn” lựa chọn cũng rất khắt khe. Theo ông này, đa số các ứng viên khi nộp đơn ứng tuyển sẽ được xem xét về bằng cấp và hình thức trước khi ngân hàng gửi thư mời tham gia thi tuyển.
Cụ thể, về tiêu chuẩn hình thức, ở các ngân hàng hiện nay, đặc biệt là bộ phận phải tiếp xúc thường xuyên với khách hàng (front office), đều yêu cầu ứng viên nữ phải cao 1m56 trở lên (một số ngân hàng yêu cầu tối thiểu 1m60) và nam cao 1m65 trở lên.
“Thực tế, nhiều khách hàng cho biết, khi đến ngân hàng, nếu các cán bộ ở đó “dễ nhìn”, có thái độ hòa nhã, nhẹ nhàng thì người dùng dịch vụ cảm thấy thoải mái hơn và muốn quay trở lại ngân hàng hơn trong những lần tiếp theo”, vị phó giám đốc ngân hàng này đúc kết.
Một số ngân hàng quốc tế khác như ANZ, HSBC… thì ngoài trình độ tiếng Anh cực kỳ trôi chảy ở cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thì các ngân hàng này cũng tổ chức cho ứng viên làm bài thi và phỏng vấn.
Sức ép hội nhập
Theo dự báo, đến năm 2020 nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính khoảng 120.900 người. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại ở nhiều lĩnh vực chuyên sâu, các tổ chức tài chính phải chi phí rất nhiều để thuê các chuyên gia nước ngoài như: chiến lược phát triển mạng lưới, quản trị rủi ro, đầu tư quốc tế… Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập thì với trình độ học vấn và các bằng cấp hiện nay của SV ngành tài chính, ngân hàng chưa đủ để cạnh tranh với nguồn lao động nước ngoài, nhất là các nước trong khu vực khi mở cửa thị trường lao động.
Chẳng hạn, tại VPBank, ngân hàng này đã xây dựng Hệ thống Quản lý hiệu quả làm việc (PMS), Hệ thống lương thưởng để đưa ra các giải pháp cạnh tranh về các chế độ đãi ngộ: bằng tiền mặt (lương trả cho vị trí công việc, thưởng thành tích kinh doanh, các loại trợ cấp theo tính chất công việc, yếu tố vùng miền…) hay bằng các chương trình phúc lợi ngắn và dài hạn, cho cán bộ nhân viên và cho gia đình.
Còn tại HSBC, để thu hút nhân tài thì ngân hàng này theo đuổi một chính sách nhân sự dài hạn với mục đích phát triển bền vững và mạnh mẽ. Đối với các nhân viên chủ chốt và có tiềm năng, HSBC sẽ gửi đi học ở trường đạo quản lí của tập đoàn HSBC ở London, tham gia các khóa đào tạo chuyên môn và phát triển kĩ năng ở trong ngoài nước, làm việc và thực tập tại các văn phòng HSBC.
Theo thống kê, tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 430 trường đại học, học viện và cao đẳng trong số này có đến gần 1/2 trường đào học khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng,… dù không hề có thế mạnh đào tạo khối ngành. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng đặt ra các chỉ tiêu tuyển dụng và chắt lọc khắt khe
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.