Liều mình sống trong... biệt thự

Long Nguyên Thứ năm, ngày 24/09/2015 06:49 AM (GMT+7)
Ẩm thấp, xập xệ và những nguy hiểm tiểm ẩn là “ấn tượng khó phai” khi PV mục sở thị những căn biệt thự “cũ nát” nhiều hơn “cổ “ngay giữa trung tâm thủ đô. 2 mạng người đã mất trong vụ sập biệt thự cũ 107 Trần Hưng Đạo càng khiến hàng nghìn hộ gia đình đang liều mình sống trong hơn 1.500 căn biệt thự cũ thêm thắc thỏm, âu lo...
Bình luận 0

Trần nhà sập là chuyện cơm bữa

Nhà 79 phố Hàng Lược nhìn qua có vẻ rộng rãi với mặt tiền khoảng 3m. Nhưng đi vào bên trong mới thấy, thực tế không phải vậy. Một số nhà 79, nhưng có tới 15 hộ dân cùng sinh sống. Chật đã đành, nhà lại cũ kỹ nên nhìn đâu cũng thấy tiềm ẩn những mối nguy hiểm với sức khỏe, tính mạng cư dân nơi đây.

img

Bà Lê Thị Minh Tâm (60 tuổi) tìm chỗ treo bức ảnh vợ chồng bà hồi trẻ trên bức tường mục nát của căn nhà cổ số 70 Ngô Quyền.   Ảnh:  Đàm Duy

Tiếp chúng tôi trong căn hộ 7m2, bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, một gia đình trong số nhà 79 Hàng Lược chia sẻ: “Vài tháng trước, một  hộ dân trong số nhà này bị rụng cả mảng tường trên trần, may không ai bị thương. Chính tường nhà tôi cũng thường xuyên bị rụng vữa, phải sửa chữa luôn”. Trong khi đó, anh Triệu Khắc Long, một người dân khác cho biết: “Mấy tuần trước, tôi lên sân thượng thu quần áo, dây phơi chạm vào đường dây điện bị hở khiến tôi bị giật, cũng may vẫn cách một lớp vải nên thoát chết”.

Mở rộng phạm vi khảo sát quanh khu vực phố cổ, phóng viên (PV) dễ dàng tìm thấy những mối hiểm nguy rình rập và dễ xảy ra bất cứ lúc nào. Tại nhà bà Lê Thị Minh Tâm tại số 70 phố Ngô Quyền, không gian tăm tối vì thiếu khí trời ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Bà Tâm cho biết: “Khu nhà này được xây cách đây gần 80 năm. Nhà cũ lắm, khu sân chung nhiều rêu nên khi ẩm ướt, ai sơ ý bị ngã sái chân, sái tay là bình thường. Đây là chưa kể những xà nhà bằng gỗ đã mục nát, có thể sập xuống lúc nào không ai biết”. Không phải dân sống trong những căn nhà cũ này không ý thức được sự nguy hiểm, nhưng muốn cải tạo, sửa chữa để bảo đảm an toàn và cải thiện môi trường sống lại không phải dễ.

Xa khu phố cổ, nhà chị Đào Phương Thanh (ngõ 78 phố Quán Sứ) luôn trong tình trạng xuống cấp, đặc biệt khi trời mưa to. “Cứ lúc độ ẩm cao là tường nhà tôi lại có nấm mốc, khắc phục kiểu gì cũng không được. Nhà xây gần 100 năm trước nên gần đây, trần thạch cao bị mủn rồi rụng xuống mỗi năm 1-2 lần là chuyện… bình thường. Nhà tôi cũng muốn xây lại, nhưng xin giấy phép xây dựng rất phức tạp, chưa kể hàng xóm cũng không đồng thuận vì nhà chung tường, lại quá cũ nên dễ ảnh hưởng”- chị Thanh than.

May nhờ, rủi chịu

Sinh sống trong hoàn cảnh chật hẹp, những người sống trong nhà cổ, nhà cũ phải đối diện với nguy cơ mất an toàn. Khi chúng tôi nêu lại sự cố sập nhà tại số 107 Trần Hưng Đạo, những người nghe chuyện đều chung nỗi niềm: Biết cả, nhưng cũng không biết phải làm sao, đành liều mà sống vậy.

Hỏi vì sao không cải tạo, sửa chữa nhà, bà Nguyễn Thị Hồng Khanh tâm sự: “Có sửa thì cũng chỉ sửa được nhà mình. Còn xung quanh thì xuống cấp cả rồi, chưa kể mỗi người tự sửa hay cơi nới một kiểu nên xập xệ vẫn hoàn xập xệ”.

Xung quanh khu phố cổ Hà Nội có rất nhiều nhà có niên đại xấp xỉ hoặc trên 100 năm, trong đó có rất nhiều nhà được xây từ thời Pháp nay đã xuống cấp, không bảo đảm an toàn. TS Phạm Sỹ Liêm-Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nói với PV NTNN: “Khi những ngôi nhà cổ đã đến niên hạn thì phải được kiểm tra về độ an toàn. Nếu không bảo đảm an toàn thì ít nhất cũng phải có phương án cải tạo, gia cố, hoặc phá đi xây mới. Nếu niên hạn đã hết mà không có phương án gì thì nhà có thể đổ sập, gây nguy hiểm bất cứ lúc nào. Thực trạng quản lý của ta không có ai chú ý, quan tâm đúng mức. Nếu được kiểm tra kịp thời, những nhà cổ đã quá niên hạn phải được liệt vào dạng nhà nguy hiểm”.

Trong khi đó, ông Hoàng Tú- Trưởng ban 61 Sở Xây dựng Hà Nội nhận định: Dù là biệt thự Pháp nhưng nếu nguy hiểm vẫn được cải tạo, sửa chữa để bảo đảm an toàn. Nếu muốn phá dỡ, cải tạo, phải được cơ quan chuyên môn thẩm định. Nhưng thực tế, theo ông Nguyễn Hồng Sơn- Giám đốc Công ty Không gian xanh, việc thẩm định mức độ nguy hiểm của biệt thự Pháp và nhà cổ không hề đơn giản. “Kể cả khi người dân có nhu cầu sửa chữa, việc thẩm định cũng rất mất thời gian, chưa kể việc cải tạo có thể ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh dẫn tới những ý kiến trái chiều”- ông Sơn lý giải. 

“Mất bò mới lo làm chuồng”

Ngày 23.9, Bộ Xây dựng đã có văn bản về việc tổ chức giải quyết sự cố tại 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Ngoài ra, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư rà soát, phát hiện các công trình, hạng mục công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng; khẩn trương tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình, hạng mục công trình này và có biện pháp xử lý; Rà soát các công trình hết thời hạn sử dụng trên địa bàn (trong đó lưu ý các biệt thự cũ và nhà cổ) và có biện pháp xử lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem