Vườn trồng sầu riêng xen canh cà phê của một ông nông dân Đắk Lắk trông như thế nào mà nhiều người vào xem?

Thứ năm, ngày 01/09/2022 15:00 PM (GMT+7)
Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk), Ban tổ chức đã triển khai các hoạt động tiền lễ hội để lựa chọn vườn sầu riêng mẫu phục vụ du khách và người dân tham quan, trải nghiệm trong dịp này.
Bình luận 0

Với kinh nghiệm gần 20 năm sản xuất sầu riêng, vườn cây của gia đình ông Lê Trung Hiệp ở thôn 19/8, xã Ea Yông đã được lựa chọn làm địa điểm phục vụ người dân, du khách tham quan, trải nghiệm mùa lễ hội. Vườn sầu riêng có diện tích 1,5 ha, trồng năm 2004 theo hình thức thâm canh với sản lượng bình quân 35 tấn. Hiện tại, ngoài Dona, gia đình ông Hiệp còn trồng thêm sầu riêng Musang King.

Ông Hiệp bày tỏ, năm 2003, ông đã đến các tỉnh miền Tây Nam bộ để học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc sầu riêng. Một năm sau, ông mua giống sầu riêng Dona về trồng tại vườn của gia đình. Gia đình ông rất vinh dự khi có vườn sầu riêng lọt top 20 vườn mẫu của huyện và được lựa chọn để phục vụ du khách cả nước. 

Hiện tại, ông đang phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Lễ hội để bố trí, xây dựng phương án phục vụ du khách một cách thuận tiện, an toàn.

Vườn trồng sầu riêng xen canh cà phê của một ông nông dân Đắk Lắk trông như thế nào mà nhiều người vào xem? - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Văn Oanh (bìa trái) thông tin về công tác phối hợp tổ chức địa điểm trải nghiệm sầu riêng.

Cạnh đó, vườn sầu riêng của ông Huỳnh Văn Oanh cũng được lựa chọn làm điểm đến thưởng thức sầu riêng cho du khách. Vườn sầu riêng của gia đình ông Oanh có diện tích 0,8 ha, được trồng xen canh cà phê vào năm 2011; sản lượng bình quân 20 tấn/năm. 

Hiện tại, vườn sầu riêng đang trong giai đoạn nuôi trái, dự kiến sẽ có quả chín phục vụ dịp lễ hội sắp tới. Ông Oanh cho biết, gia đình trồng sầu riêng từ năm 2011 nhưng việc sản xuất mới chỉ dừng ở mức tự phát nên mùa thu hoạch thường gặp những khó khăn nhất định. 

Sau khi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại nhiều địa phương, tháng 5/2018, ông đã cùng với các nông dân lân cận kết nối thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xanh Sầu riêng, Bơ Krông Pắc. Hiện vườn sầu riêng của gia đình ông đã được chứng nhận VietGAP. Vì vậy, dịp lễ hội, ông tự tin sẽ quảng bá, truyền đạt kinh nghiệm trồng sầu riêng an toàn, thân thiện với môi trường cho người dân và thực khách đến tham quan, học hỏi.

Huyện Krông Pắc hiện có khoảng 3.800 ha sầu riêng, trong đó diện tích cho thu hoạch là 2.600 ha, sản lượng bình quân hằng năm trên 40.000 tấn và là nguồn thu nhập rất lớn của người dân địa phương.

Ông Tạ Văn Châm, Chủ tịch UBND xã Ea Yông cho biết, năm nay xã vinh dự có 2 vườn sầu riêng được lựa chọn là vườn mẫu. Đây là sự nỗ lực đáng tự hào của nông dân địa phương. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất sầu riêng bền vững, trong kế hoạch đó có nội dung phát triển thêm 150 ha sầu riêng VietGAP.

Việc lựa chọn vườn sầu riêng mẫu được căn cứ vào quy mô, cách thức tổ chức sản xuất, tinh thần kết nối của nông dân.

 Đầu tiên, cấp xã sẽ tuyển chọn những vườn đạt yêu cầu đề ra; huyện tổ chức đánh giá thực tế tại vườn và phỏng vấn nông dân về cách thức tổ chức sản xuất, khả năng thuyết trình, giới thiệu vườn cây để chọn vườn mẫu. Qua đó, huyện Krông Pắc đã chọn được 20 vườn sầu riêng mẫu tại các xã sản xuất sầu riêng trọng điểm của huyện là: Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knuếc.

Ông Y Djoang Niê, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, từ 20 vườn được chọn làm mẫu huyện chọn ra 2 vườn thuận tiện về đi lại và dự kiến có sầu riêng chín để phục vụ du khách dịp lễ hội. Thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình để tạo vùng nguyên liệu có tổ chức, có sản lượng ổn định, chất lượng tốt, an toàn, phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, từng bước nâng tầm cho sầu riêng.

Thanh Hươngf (Báo Đắk Lắ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem