Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Xã khó khăn nhất của huyện Mường Lát
Cơ duyên phóng viên Báo Dân Việt/ NTNN đến với xã Trung Lý (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) bắt đầu từ giới thiệu của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng: "Nơi khó khăn hàng đầu của lực lượng bây giờ là miền tây Thanh Hóa". Sự tò mò về vùng đất "Mường Lát hoa về trong đêm hơi" đeo bám phóng viên suốt quãng đường ngang và ngược mãi theo dòng sông Mã, men Khu bảo tồn Pù Hu trong 6 tiếng đồng hồ.
Hùng vĩ và thơ mộng là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi bắt đầu đến cổng trời Mường Lát. Đây là huyện cực tây của Thanh Hóa, cảnh đẹp nhưng đường sá xa xôi và cuộc sống người dân vẫn giản dị, nghèo khó. "Mường Lát là địa phương khó khăn nhất của Thanh Hóa và Trung Lý là xã khó khăn nhất của Mường Lát" - anh Ngân Văn Lon - Chủ tịch UBND xã Trung Lý chia sẻ khi đứng cạnh nhà văn hóa bản Tung.
Qua câu chuyện của những người lính biên phòng, chúng tôi hiểu cuộc sống nơi đây còn khó khăn, lạc hậu. Bà con vẫn giữ phong tục để thi thể người thân 7 - 10 ngày mới chôn và hằng ngày nắm cơm, nắm thịt "chấm vào miệng người mất rồi mới đưa vào miệng mình".
Anh Lon khi đó đang cùng bà con tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Quanh nhà văn hóa, những đứa trẻ chân trần, quần áo cũ sờn đang bám vào cửa sổ, xem bên trong người lớn hát những bài truyền thống bằng tiếng Mông.
Ở bản Tung, dân số đều là người Mông và cũng đều là hộ nghèo, lúc giáp hạt phải trông đến gạo của Nhà nước cấp. Bản nằm gần đỉnh núi và không có điện, không có sóng điện thoại. Quân và dân nơi đây đã cố vác từng bao xi măng, từng viên gạch lên xây 2 phòng học, một cho mẫu giáo và một cho tiểu học.
Bản Tung chỉ cách đường nhựa khoảng 3km nhưng là địa bàn rất khó tiếp cận, kể cả với những người lính biên phòng khỏe mạnh, thông thuộc địa hình. Những con dốc nối liền con dốc, thi thoảng đi qua những hàm ếch cao ngang đầu người, đúng như câu thơ của nhà thơ Quang Dũng trong bài thơ Tây Tiến: "Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống".
Đường vào bản đã được đổ bê tông với bề rộng… 30cm, một biện pháp an toàn khiêm tốn giúp những chiếc xe máy không bị trượt xuống vực sâu. Đi trên những con đường như vậy ở Mường Lát, chúng tôi nghĩ không biết những đoàn binh Tây Tiến năm xưa với "súng ngửi trời" đã bước đi ra sao khi mang nặng hành trang cùng bệnh sốt rét hoành hành.
Đồn Biên phòng Trung Lý đứng chân trên địa bàn có 15 bản nhưng tới 11 bản khó khăn - như ở bản Tung, hộ nghèo toàn xã lên tới 58%. Người dân đói khổ, bộ đội khó khăn không chỉ vì địa hình, còn từ những yếu tố khác như tình trạng di dân tự do; phong tục, lối sống lạc hậu và nhất là tuyến biên giới nơi đây là địa bàn tội phạm ma túy hoạt động mạnh. Số ma túy do bộ đội biên phòng ở Đồn Trung Lý thu giữ trong 5 năm qua lên tới hàng tạ.
Những người lính trên đỉnh dốc
Rời bản Tung, chúng tôi được các chiến sĩ biên phòng đưa qua đò vượt sông Mã, tới trụ sở Tổ liên ngành số 5 và 6. Mất 3 giờ để từ trung tâm xã vào đây và cũng bắt buộc phải trải qua một con đường gian khổ với một bên là núi cao, một bên vực sâu dựng thẳng xuống dòng nước siết.
Ở Đồn biên phòng Trung Lý, cán bộ, chiến sĩ cho hay "cứ 5 năm phải thay xe máy một lần" bởi không phương tiện nào đủ sức chịu đựng sự tàn phá của những con đường nơi đây. Do đi lại khó khăn, biên phòng, công an và bộ đội địa phương cùng lập các đội, tổ kiểm soát liên ngành để "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với người dân. Trụ sở chung của Tổ 5 và 6 nằm giữa Quốc lộ 16 và bản Tà Cóm – bản xa xôi nhất ở Trung Lý, nằm sát Khu bảo tồn Pù Hu.
Nơi đây mới có sóng điện thoại nhưng không có điện lưới, nên từng chiếc quạt trần, từng bóng đèn phải tính toán dùng sao cho tiết kiệm số năng lượng ít ỏi có được từ pin mặt trời. Nguồn nước ở đây trong vắt, ngọt lịm, được lấy từ "mó" cách vài cây số nhưng thi thoảng lại mất do trâu bò dẫm hỏng đường ống.
Qua câu chuyện của những người lính biên phòng, chúng tôi hiểu cuộc sống nơi đây còn khó khăn, lạc hậu. Bà con vẫn giữ phong tục để thi thể người thân 7 - 10 ngày mới chôn và hằng ngày nắm cơm, nắm thịt "chấm vào miệng người mất rồi mới đưa vào miệng mình". Thời gian quàn linh cữu, gia chủ thịt trâu, thịt bò ăn uống và qua mỗi đám tang như vậy, gia đình đã nghèo lại thêm nghèo.
"Vận động mãi, mất hơn 5 năm trời mới bỏ gần hết phong tục này" - đại úy Vi Văn Đức-Đội phó Đội liên ngành số 1 xã Trung Lý cho hay. Anh Đức là người Thái, làm "bộ đội cắm bản" đã 6 năm. Vận động được người dân nơi miền biên viễn bỏ những hủ tục lạc hậu, theo anh Đức là quá trình dài: "Cả hệ thống chính trị, bộ đội, công an phải vận động dần dần, nói một lần không nghe nói 2 lần, 3 lần... Như xưa, khi bệnh tật, bà con phải thuê người cúng. Chúng tôi nói mãi, bảo không có con ma nào, ông thần nào làm như vậy. Gãy tay, gãy chân mà đem cúng thì không thể khỏi nhưng đi viện là khỏi. Qua nhiều lần thực tế chứng minh, người dân đã nghe theo".
Ấy vậy, vẫn còn một số hộ gia đình vẫn duy trì tập tục cúng bái để người thân khỏi bệnh. "Có một số đối tượng, đa phần nghiện ngập muốn người dân thuê chúng cúng bái để có vài đồng đi mua vài tép heroin về sử dụng. Những kẻ này cũng chỉ lừa được một vài hộ, còn đa phần đồng bào không còn tin chúng" - anh Đức cho hay.
Cũng chia sẻ về tình hình địa phương, thượng tá Cao Văn Long - Chính trị viên Đồn biên phòng Trung Lý, đại biểu HĐND huyện Mường Lát, cho hay ông đã đi nhiều nơi trên cả nước nhưng không thấy đâu gặp khó khăn kinh tế như vùng đất mà ông đang đóng quân. Sự khó khăn đến từ đường xá xa xôi, từ phong tục lạc hậu lại thêm đất đai canh tác hạn chế. Trung Lý dân thưa nhưng địa hình đồi núi, sông ngòi chia cắt nên tỷ lệ diện tích đất trồng trên đầu người rất thấp và cũng không thể khai hoang thêm vào Khu bảo tồn Pù Hu. Việc săn bắn, chặt gỗ quý cũng bị cấm, người dân chỉ còn trông vào vài sào ruộng, quả đồi, nhưng sự cách trở khiến việc buôn bán bị hạn chế. Nhiều người địa phương phải rời quê hương đi các khu công nghiệp, thành phố lớn làm thuê, có khi vài năm mới trở về.
Điểm sáng duy nhất nơi đây, theo thượng tá Long là người dân quyết cho con cái đi học, "kiếm cái chữ". "Mong thế hệ tiếp theo sẽ có kiến thức, có thể giúp vùng đất này đỡ cơ cực" - ông nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.