Linh Chiếu Thái hậu: Ngoại tình với Đỗ Anh Vũ, khiến triều cương nhà Lý rối loạn
Linh Chiếu Thái hậu: Ngoại tình với Đỗ Anh Vũ, khiến triều cương nhà Lý rối loạn
MA
Thứ năm, ngày 17/10/2024 20:31 PM (GMT+7)
Lịch sử nhà Lý thường nhắc tới Linh Chiếu Thái hậu với vai trò nhiếp chính thời Lý Anh Tông, cũng là người có vai trò quan trọng giúp con trai bà kế vị ngai vàng. Bên cạnh đó, Linh Chiếu Thái hậu có mối quan hệ tư tình với Thái úy phụ chính Đỗ Anh Vũ, một quyền thần dưới thời Lý Anh Tông.
Linh Chiếu Thái hậu: Ngoại tình với Đỗ Anh Vũ, khiến triều cương nhà Lý bấn loạn
Năm 1136, mùa hạ, tháng 4, Linh Chiếu Thái hậu sinh ra Hoàng tử Lý Thiên Tộ, là con trai thứ hai của Lý Thần Tông hoàng đế. Khi trước, Lý Thần Tông đã lập Lý Thiên Lộc làm Hoàng thái tử, nhưng bà thấy Lý Thiên Lộc là con người hầu, địa vị thấp hèn, trong khi Lý Thiên Tộ sinh chỉ sau Lý Thiên Lộc 4 năm, địa vị bà lúc đó thuộc hàng chánh cung, nên bèn cùng Phụng Thánh phu nhân tìm cách mà xin việc phế lập ngôi Thái tử.
Năm 1138, tháng 9, Lý Thần Tông hoàng đế bệnh nặng. Linh Chiếu Thái hậu cùng hai vị phu nhân là Nhật Phụng phu nhân, Phụng Thánh phu nhân đút lót Tham tri chính sự Từ Văn Thông, và dặn rằng: "Nếu có vâng mệnh vua thảo di chiếu thì chớ nên bỏ lời của ba phu nhân". Văn Thông nhận lời. Khi Lý Thần Tông ốm nặng, sai soạn di chiếu, Văn Thông chần chừ không viết.
Ba phu nhân vào khóc lóc, nói rằng: "Bọn thiếp nghe người xưa lập con nối thì lập con đích chứ không lập con thứ; Lý Thiên Lộc là con nàng hầu yêu, nếu cho nối ngôi thì ả mẫu thân lại sinh lòng ghen ghét tất tiếm lấn, làm hại mẹ con thần thiếp. Như thế chúng thiếp làm thế nào được?".
Lý Thần Tông hoàng đế cho là phải, xuống chiếu rằng: "Hoàng tử Lý Thiên Tộ tuy tuổi còn thơ ấu, nhưng là con đích, thiên hạ đều biết, nên cho nối nghiệp của trẫm, còn Thái tử Lý Thiên Lộc thì phong làm Minh Đạo Vương".
Ngày 26 tháng 9, năm đó, Lý Thần Tông hoàng đế băng hà. Con trai là Thái tử Lý Thiên Tộ kế vị, tức Lý Anh Tông. Cảm Thánh phu nhân được tôn làm Hoàng thái hậu, tôn hiệu là Hiến Chí hoàng thái hậu, ở cung Quảng Từ. Vì vua còn nhỏ (lúc đó mới 2 tuổi) nên bà buông rèm nhiếp chính.
Trên thực tế, mọi việc chính sự gần như do một người tên là Đỗ Anh Vũ quyết định, và mối tình giữa Linh Chiếu Thái hậu với người này dần rõ ràng. Kể từ năm 1129, Đỗ Anh Vũ 20 tuổi được hầu Lý Thần Tông ở mành trướng, theo dã sử, lúc này Đỗ Anh Vũ và bà đã gặp gỡ nhau và phải lòng nhau.
Đương lúc ấy, Đỗ Anh Vũ đang ở tuổi tráng niên, ngoại hình đẹp, múa khéo, hát hay và đặc biệt là cặp mắt đong đưa, tràn ngập sức sống. Đỗ Anh Vũ đã có thê thiếp đàng hoàng nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ. Đỗ Anh Vũ lại rất khéo léo trong việc quyến rũ Linh Chiếu Thái hậu. Nhưng chuyện tình của hai người không thể giữ kín được mãi. Đỗ Thái hậu và các vợ của Đỗ Anh Vũ có biết nhưng đành im lặng vì mối quan hệ thân thích, nếu để lộ sẽ bị trừng phạt.
Quyền chức trong tay, lại thân thiết với cả 2 Thái hậu nên Đỗ Anh Vũ ngày càng tỏ ra kiêu căng trong triều đình. Bởi thế, nhiều người rất bất bình và căm giận. Quan Điện tiền Đô chỉ huy sứ là Vũ Cát Đái cùng với Trí Minh Vương, Phò mã Dương Tự Minh… đã đốc xuất quân sĩ kéo đến kể tội Đỗ Anh Vũ với vua, rồi xông vào bắt giam ông ở hiên Cụ Thánh.
Vua Lý Anh Tông không giết Đỗ Anh Vũ nhưng xử tội, truất làm tá điền ở vùng Cảo Xã, nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Còn Linh Chiếu Thái hậu thì ngày đêm lo lắng và tìm mọi cách cứu người tình. Bà cho mở nhiều hội lớn để nhân dịp đó vua ân xá cho tội nhân, giúp Đỗ Anh Vũ cũng được dự ân xá. Sau khi Đỗ Anh Vũ thoát tội nhờ những lần ân xá này, bà lại khuyên vua Lý Anh Tông phục chức cho Đỗ Anh Vũ, vua bằng lòng, Lý Anh Vũ trở lại giữ chức Thái úy và được vua trọng dụng hơn trước.
Đến lúc này, Đỗ Anh Vũ có điều kiện để trả thù kẻ đã lập mưu hãm hại mình. Ông tự lập ra đội Đô Phụng Quốc Vệ gồm hơn 100 người khỏe mạnh, thân tín, hễ ai phạm tội thì giao hết cho lính ở đội này bắt đi. Lợi dụng lúc vua tin dùng, Đỗ Anh Vũ tâu rằng "Trước kia bọn Vũ Cát Đái tự tiện đem quân xông vào tận cung đình, tội ấy không gì to bằng, nếu không sớm trừng trị, sợ một ngày kia sẽ sinh biến, không thể lường trước được".
Vua Lý Anh Tông còn trẻ, chưa hiểu rõ sự thâm hiểm của Đỗ Anh Vũ, cứ y lời tâu mà làm. Cuối cùng vào cuối năm 1150 – tức năm Canh Ngọ, Trí Minh vương xuống tước Hầu, Bảo Ninh hầu xuống tước Minh tự, Bảo Thắng hầu xuống tước Phụng chức, Nội thị là bọn Đỗ Ất 5 người bị "cưỡi ngựa gỗ" (một hình phạt thời trung cổ), Hoả đầu đô Ngọc Giai là Đồng lợi 8 người bị chém ở chợ Tây Giai, Điện tiền đô chỉ huy Vũ Đái 20 người chém bêu đầu ở các bến sông, Phò mã lang Dương Tự Minh 30 người bị tội lưu ở nơi xa độc, những người dự mưu đều bị tội đồ làm điền hoành, khao giáp. Sử cũ gọi đó là Canh Ngọ cung biến.
Sau sự kiện Canh Ngọ cung biến năm 1150, Lý Anh Tông hoàng đế khi ấy đã 14 tuổi, đến tuổi có thể tự mình thân chính, nhưng Linh Chiếu Thái hậu vẫn quyết định giữ mọi quyền hành trong triều. Năm 1158, Thái úy phụ chính Đỗ Anh Vũ từ trần, phụ chính triều Lý trong 20 năm, hưởng thọ 46 tuổi. Linh Chiếu Thái hậu khi ấy mới giao trả quyền hành lại cho Lý Anh Tông hoàng đế. Dù xảy ra sự kiện năm 1150, Đỗ Anh Vũ vẫn được truy phong "Kiểm hiệu Thái úy Minh chính Bình chương sự Thượng trụ quốc Nguyên soái Đại Đô thống".
Năm Đại Định thứ 22 (1161), mùa thu, tháng 7, Linh Chiếu Thái hậu giá băng, không rõ bao nhiêu tuổi, Lý Anh Tông hoàng đế dâng thụy là Linh Chiếu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.