Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trần Thị Dung vốn có tên là Trần Thị Ngừ, là con gái của Trần Lý, em gái kế của Trần Thừa và Trần Tự Khánh, là cô ruột của vua Trần Thái Tông. Cuộc đời bà gắn liền với việc chuyển giao quyền lực từ thời Lý sang thời Trần. Có thể nói đối với nhà Lý, Trần Thị Dung là mối họa nhưng đối với nhà Trần bà lại có công lao rất to lớn.
Trần Thị Dung được miêu tả là một cô gái rất xinh đẹp, được nhiều công tử nhà giàu có quyền quý để ý theo đuổi nhưng bà không ưng ai. Vào năm Kỷ Tỵ 1209, Quách Bốc nổi loạn, chiếm giữ được kinh thành Thăng Long. Cả Vua Lý Cao Tông và Hoàng Thái tử Lý Long Sảm đều phải chạy loạn. Lý Cao Tông và Hoàng hậu chạy lên Yên Bái, còn Thái Tử Sảm chạy xuống Thái Bình. Tại đây, Thái tử Sảm quen thân với gia đình Trần Lý rồi đem lòng yêu thương con gái ông là Trần Thị Dung và sau đó cưới làm vợ. Sau khi Thái tử lên ngôi năm 16 tuổi (vua Lý Huệ Tông), nhà vua sai đón Trần Thị Dung về triều.
Cuộc sống của Trần Thị Dung trong chốn thâm cung không được yên ả khi Thái hậu Đàm Thị luôn tỏ thái độ ghét bỏ và xỉ vả bà. Không ít lần Thái hậu đòi vua Lý Huệ Tông đuổi Trần Thị Dung đi, rồi bỏ thuốc độc vào món ăn uống của bà. Nhờ được vua Lý Huệ Tông yêu thương bảo vệ nên bà không gặp chuyện gì bất trắc. Bà sinh được 2 con gái là Thuận Thiên công chúa và Chiêu Thánh công chúa (vua Lý Chiêu Hoàng sau này).
Nhờ sự yêu mến của vua Lý Huệ Tông và tài khéo léo của Trần Thị Dung, quyền lực triều chính dần rơi vào tay họ ngoại – "nhà Trần". Con cháu họ Trần thừa cơ hội lọt vào triều đình cung cấm, nắm những chức vụ trọng yếu. Trần Thị Dung còn thuyết phục được nhiều hoàng thân quốc thích và quan quân nhà Lý, yên tâm dựa vào tướng lĩnh họ Trần. Sau khi vua Lý Huệ Tông mắc bệnh điên, vai trò của Hoàng hậu Trần Thị Dung trong việc chuyển giao quyền lực càng rõ ràng.
Bà liên kết cùng Trần Thủ Độ dựng nên một kịch bản lật đổ triều Lý với các bước tiến hành khá hoàn hảo: Bước 1, ép vua Lý Huệ Tông phải từ bỏ ngôi báu, lập Chiêu Thánh công chúa làm Thái tử rồi nhường ngôi cho con (năm 1224). Bước 2, đưa Trần Cảnh (gọi Trần Thị Dung là cô ruột, gọi Trần Thủ Độ là chú họ) vào cung giữ chức Chánh thủ, chuyên hầu hạ Lý Chiêu Hoàng (cũng trong năm 1224). Bước 3, ép Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh rồi nhường ngôi cho chồng, còn mình làm Hoàng hậu (năm 1225). Bước 4, ép Lý Huệ Tông phải tự vẫn (năm 1226). Sau khi vua Lý Huệ Tông qua đời, bà bị giáng xuống làm Thiên Cực công chúa và lấy Trần Thủ Độ. Nhờ kế hoạch này mà cuộc "đoạt ngôi" trở nên hiếm có trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, không xảy ra cảnh huynh đệ tương tàn.
Khi Trần Thái Tông và Chiêu Thánh hoàng hậu (Lý Chiêu Hoàng) chung sống với nhau 12 năm mà không có con, Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ lại ép vua phải phế ngôi Hoàng hậu của Lý Chiêu Thánh (năm 1237) rồi lấy Thuận Thiên (chị ruột của Chiêu Thánh) làm vợ và lập làm Hoàng hậu, thế chỗ của em gái (Thuận Thiên là con gái đầu lòng của Lý Huệ Tông và Trần Thị Dung, lúc đó đã có chồng và có thai 3 tháng. Chồng của Thuận Thiên là Trần Liễu, anh ruột của Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông).
Khi nói về sự kiện nhà Trần thay thế nhà Lý, người ta chỉ nhắc tới vai trò của Trần Thủ Độ, hầu như không ai nhắc tới vai trò của Hoàng hậu Trần Thị Dung. Song, sự thật lịch sử đã chứng minh vai trò của Trần Thị Dung không nhỏ, bởi vì các bước nêu trên trong kịch bản lật đổ nhà Lý nếu không có sự đồng tình của Trần Thị Dung thì Trần Thủ Độ không thể thực hiện được trót lọt và nhanh chóng đến như vậy. Đúng như nhà sử học Ngô Sỹ Liên đã nhận xét: "Trời sinh ra Linh Từ là cốt để mở nghiệp nhà Trần".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.