Lionel Messi: Sứ mệnh cứu thế của thiên tài

Thứ hai, ngày 07/07/2014 12:37 PM (GMT+7)
11 giờ 38 phút, Brasilia, Brazil. Lionel Messi rời khỏi xe buýt của ĐTQG Argentina và bước vào sân vận động Nacional Mane Garrincha, lẽ dĩ nhiên, trong những sự chú ý đặc biệt.
Bình luận 0
Đó là buổi sáng sau khi Juan Camilo Zuniga tông gãy lưng Neymar, đồng đội của Messi tại Barcelona, đánh dấu sự kỳ vọng đặt vào Brazil tại kỳ World Cup tụt xuống thê thảm. Giờ đây, chàng trai người Argentina là số 10 đích thực cuối cùng sót lại của giải đấu. Không quá bất ngờ khi khắp nơi, người ta vẫn bàn rằng: cả đội bóng áo trắng xanh ấy đang phụ thuộc vào siêu sao của họ.

Messi sải bước bên một bức tường dài tới phòng thay đồ, một chiếc túi xách màu đen kẹp nách. Khi còn trên xe buýt, các đồng đội và ban huấn luyện đã ca hát suốt dọc đường. Chẳng còn một khoảnh khắc tĩnh lặng nào hơi quãng đường tới phòng thay đồ nữa.

img

Một máy quay dõi theo gương mặt của Messi. Anh có thể nghe thấy những tiếng ồn ào từ các khán đài, liếc qua bóng dáng những lá cờ tung bay của một SVĐ đang rung chuyển. Anh cảm nhận được những điều đó. Chỉ còn 82 phút nữa, Argentina sẽ đối mặt Bỉ để tranh một suất chơi tại bán kết World Cup, và ngay từ bây giờ, tất cả mọi người đều đã dõi theo từng bước của anh.

Khi Messi không ghi bàn...

Để ý Messi trong cả 90 phút của trận tứ kết World Cup và người ta sẽ phát hiện ra hai hình ảnh hoàn toàn đối lập. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai hình ảnh ấy là tốc độ: Messi nếu đã muốn thì sẽ cho tất cả các cầu thủ khác ngửi khói bởi anh luôn nhanh hơn họ ít nhất một nhịp, nhưng cũng có khi anh chậm hơn tất cả mọi cầu thủ trên sân. Cao 1m69 và nặng 67kg, anh lừ đừ trước hàng thủ đối phương như một gã thức đêm xem bóng đá thất thểu vào bếp kiếm đồ ăn đêm. Trước những đợt phản công vũ bão của Bỉ, Messi thường rảo bước quanh vòng tròn giữa sân và hôm nay không phải một ngoại lệ - anh lững thững còn chậm chạp hơn cả khi bước từ xe buýt xuống.

Nhưng, chỉ trong một tích tắc Messi chuyển sang trạng thái tấn công, mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Trạng thái này được khởi động gần như ngay lập tức sau khi các đồng đội của anh thu hồi bóng thành công.

Ví dụ điển hình nhất là ở phút thứ tám. Sau khi nhận bóng ở giữa sân, Messi chuyển hướng tới 4 lần trong một khoảng không chưa tới 10 mét để né hai bóng áo đỏ đang lao vào, giữ nhịp trước khi có đường chuyền tuyệt hảo cho Angel Di Maria. Cầu thủ chạy cánh mảnh khảnh đẩy bóng cho Gonzalo Higuain một cách lập bập trước khi chân sút của Napoli tung cú hỏa tiễn găm vào góc trái khung thành - bàn thắng đầu tiên và duy nhất của trận đấu.

"Mọi cử động của Messi là một dấu hiệu hi vọng cho chúng tôi, dù cậu ấy có ghi bàn hay không," HLV của Albiceleste - Alejandro Sabella chia sẻ sau trận đấu. "Nhận bóng và không bao giờ mất, thu hút sự chú ý của hai - ba cầu thủ đội bạn? Cứ như là chết khát được cho uống nước vậy."

Dĩ nhiên, pha phát động ấy không chỉ là điểm sáng duy nhất trong ngày thi đấu của Messi. Phút thứ 28, anh cầm bóng ở vòng tròn giữa sân, tung cú chọc khe chết chóc xuyên qua hai cầu thủ Bỉ, lọt qua pha nhoài người của Vincent Kompany và khẽ chạm vào giày của Di Maria, người đang bứt tốc vào vòng cấm. Đó là một đường chuyền có thể thay đổi hoàn toàn những gì bạn nghĩ về những đường chuyền khác. Chỉ một pha bóng đó thôi, Messi đã thuyết phục người xem rằng trong số 22 đường chuyền hỏng của anh trong trận này, không một cú nào là lỗi của anh.

Trên thực tế, khi đồng hồ chỉ sang phút thi đấu thứ 38, Messi đang vượt qua cầu thủ truy cản thứ ba. Marouane Fellaini, gã cao to tóc xù người Bỉ cố gắng theo sát Messi suốt hiệp một và có lẽ đã nhận ra rằng đây là nhiệm vụ bất khả thi, bất chấp sự thật rằng ngày hôm ấy, Messi di chuyển ít hơn bất kỳ cầu thủ nào trên sân (không tính hai thủ môn).

Cao hơn Messi 25cm - cộng thêm phần tóc thì hẳn là 35cm - Fellaini như thể nhân vật "Quả Núi" Gregor Clegane trong serie phim truyền hình Game Of Thrones, vật vã trước tốc độ quá đáng nể của kẻ thù thấp bé "Hồng Xà" Oberyn Martell. Dĩ nhiên, số phận của các nhân vật phim và những siêu sao sân cỏ rất khác nhau: Martell có quá nhiều điều để chứng minh và chết vì trong lúc nỗ lực, còn Messi thì chẳng còn gì để chứng minh ngoài việc chiến đấu vì thắng lợi.

"Chúng tôi chẳng ấn tượng gì về Argentina," HLV trưởng của Bỉ - Marc Wilmots mạnh miệng trước các phóng viên sau thất bại 1-0. "Họ là một đội bóng bình thường."
img

Nhưng rồi ông nghĩ lại. À, Wilmots nhận ra, có hai sự khác biệt. Một là Di Maria, người đã đau đớn rời sân ở phút 33, tay ôm đùi.

Người còn lại, tự điền tên mình vào danh sách ấn tượng của Wilmots.

Trên vai anh là một dân tộc

Một buổi sáng trước đó, không xa nơi Messi lởn vởn ở vòng tròn giữa sân sau này, Sabella trả lời câu hỏi của một nhà báo Anh. Khiêu khích hay chân thành khi anh ta hỏi: phải chăng Argentina đang "phụ thuộc hoàn toàn" vào Messi?

Cho tới trước mùa hè Brazil 2014, ngôi sao 27 tuổi mới chỉ ghi 1 bàn trong 2 kỳ World Cup đã dự. Lần cuối cùng là 2006, trong chiến thắng 6-0 trước Serbia & Montenegro. Đó là một trận đấu đậm chất... giao hữu, khi Diego Maradona xuống tận sân để ôm cổ anh chàng được cho là "truyền nhân" của mình.

Nhưng ở giải đấu này, mọi thứ đã trở nên khác biệt. Messi gần như đã một tay vực cả tập thể quê hương tránh khỏi chuỗi những sự kiện thảm họa. Ngay trận mở đầu, trong chiến thắng hú hồn 2-1 trước Bosnia & Herzegovina, Messi đã ấn định chiến thắng ở phút 65. Bàn thứ hai của anh tại World Cup lần này là vào lưới Iran - thậm chí còn ở một hoàn cảnh cao trào hơn: trong phút bù giờ. Các pha lập công tiếp theo vào lưới Nigeria, một cú đúp trong thắng lợi 3-2. Trước Thụy Sĩ, trong những phút bù giờ của vòng 16 đội, lại là Messi giành bóng ở giữa sân, đâm xuyên qua trái tim của hàng phòng ngự La Nati, kiến tạo để Di Maria ghi bàn duy nhất.

Hãy lắng nghe cựu HLV của anh, Maradona, trên tờ Himno Nacional Argentino: "Họ cần ghi nhớ rằng họ không phải 'Đội bóng Messi'. Thằng nhóc quá cô đơn."

Ngay lập tức, Sabella phản pháo.

"Bất kỳ đội bóng nào có một cầu thủ như Messi đều sẽ phụ thuộc vào cậu ấy," ông khẳng định. "Bốn năm trước, Messi bị chỉ trích nặng nề và giờ thì người ta lại ca thán là quá phụ thuộc vào cậu ấy."

Sự phụ thuộc này, theo ông, là cách để đội tiến sâu. Argentina đang ở ngưỡng có thể vô địch World Cup lần đầu tiên sau 28 năm.

Và rồi những thông tin về chấn thương của Di Maria vẫn đang được cập nhật, nhưng dường như dấu hiệu đang rất xấu. Một vết đứt cơ đùi có thể sẽ khiến anh ngồi ngoài đến hết giải đấu, giống như Neymar. Bất chấp việc cầu thủ hay thứ hai của ĐTQG hiện tại có thể sẽ không thể thi đấu nữa, những kỳ vọng và áp lực vẫn lớn nguyên, kể cả khi đối thủ vòng bán kết là Hà Lan.

"Nhân dân Argentina luôn tin rằng chúng tôi hay hơn so với thực tế," Sabella lý giải. "Đó là sự thật. Khi tôi còn nhỏ, tôi luôn được nghe rằng chúng tôi là số một thế giới. Chúng tôi đã không còn là nhà vô địch thế giới và chúng tôi nghĩ chúng tôi là giỏi nhất. Đó là một phần của văn hóa nước tôi."

Và cũng vì thế, người Argentina lại cổ vũ Messi, làm các vũ đài rung lên ngay trên mảnh đất của kẻ thù bóng đá. Đây là lý do cầu thủ xuất sắc nhất - và có thể là của mọi thời đại - đứng trước hai ngưỡng: trở thành một vị Thánh hoặc sẽ bị nguyền rủa.

Thứ Tư này, Messi sẽ rời khỏi một chiếc xe buýt, đi dọc theo một bức tường, qua một khoảnh khắc êm lặng, và lại được trông chờ sẽ tỏa sáng.

Anh là ai, có phải người duy nhất còn có thể mang cơn mưa xua tan nỗi nóng bức của một đất nước cuồng si vì bóng đá?
(Theo TTVH)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem