Lo đàn vật nuôi chết rét, nông dân Phú Thọ quây chuồng kín mít, chong đèn 24/24 giờ

Hoan Nguyễn - Mạnh Thuần Thứ tư, ngày 24/01/2024 18:07 PM (GMT+7)
Trước tình hình rét đậm rét hại, nông dân Phú Thọ ngoài đã chủ động che chắn chuồng nuôi kín gió, nấu thức ăn, nước ấm, thắp điện, đốt củi để sưởi ấm cho đàn vật nuôi.
Bình luận 0

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã cận kề, những ngày này, không khí lạnh tăng cường, rét đậm, rét hại ảnh hưởng rất lớn đến đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Để phòng chống rét, các hộ chăn nuôi đã chủ động giữ ấm chuồng trại; dự trữ thức ăn đảm bảo cho đàn vật nuôi phát triển ổn định, tạo nguồn cung cấp thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán.

Lo đàn vật nuôi chết rét, nông dân Phú Thọ quây chuồng kín mít, chong đèn 24/24 giờ - Ảnh 1.

Gia đình anh Hoàng Thế Vương chủ động che chắn chuồng, thắp điện sưởi ẩm cả ngày, chống rét đậm rét hại cho đàn vật nuôi. Ảnh: Mạnh Thuần

Gia đình anh Hoàng Quang Tiến (ở khu 1, xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) nuôi hơn 20 con trâu, bò thịt, dự kiến giáp Tết xuất bán cho lò mổ. Những ngày qua, thời tiết chỉ khoảng 10 độ nên gia đình anh đã chủ động che chắn chuồng trại kín mít, luôn có sẵn thức ăn dự trữ như rơm, sắn khô, ngô, cám gạo và cỏ làm thức ăn cho đàn trâu, bò.

"Phòng chống rét cho đàn vật nuôi, trước hết chuồng trại mình phải giữ ấm, xung quanh quây kín hết. Gia đình đã dự trữ đầy đủ rơm, cây ngô cho đàn vật nuôi ăn đầy đủ" - anh Tiến nói.

Lo đàn vật nuôi chết rét, nông dân Phú Thọ quây chuồng kín mít, chong đèn 24/24 giờ - Ảnh 2.

Nhiệt độ giảm sâu, thời tiết rét buốt, nhiều hộ dân gác lại các công việc đồng áng để tập trung theo dõi, phòng chống rét cho đàn nuôi; đảm bảo nguồn cung thịt thương phẩm dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Mạnh Thuần

Ông Phan Quốc Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết, trên địa bàn xã hiện nay có gần 800 con trâu, bò; hơn 3.000 con lợn, gần 50.000 con gia cầm. Để phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, xã Minh Tân đã thường xuyên tuyên truyền các hộ chăn nuôi thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, tiêm phòng vaccine theo định kỳ, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán.

"Trước diễn biến thời tiết rét đậm, rét hại, chúng tôi chỉ đạo 16 khu dân cư trong xã đồng loạt phun các loại thuốc đảm bảo vệ sinh vệ sinh khử khuẩn, che chắn đàn vật nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo xuất bán thịt thương phẩm dịp Tết. Tất cả các giải pháp hướng đến đảm bảo đàn vật nuôi khỏe, không bị chết rét, mắc dịch bệnh… có như vậy thì bà con mới duy trì đàn nuôi, xuất bán, mang về thu nhập dịp Tết này" - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho hay.

Còn hộ anh Hoàng Thế Vương (ở khu Quyết Thắng, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) hiện nay đang nuôi gần 300 con lợn (trong đó gần 20 lợn nái sinh sản). 

Khi bước vào mùa đông, anh đã chủ động che chắn chuồng trại để chống gió lùa; thắp điện 24/24 giờ để giữ ấm cho đàn lợn con; thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để chủ động các biện pháp chống rét cho đàn lợn. Chỉ ngoài ngày 20 âm lịch tháng Chạp, gia đình anh Vương sẽ bắt đầu mổ lợn thương phẩm, xuất bán hơn 10 tấn thịt ra thị trường. Sau khi trừ chi phí, cho thu nhập vài chục triệu đồng.

Lo đàn vật nuôi chết rét, nông dân Phú Thọ quây chuồng kín mít, chong đèn 24/24 giờ - Ảnh 3.

Những ngày thời tiết rét đậm rét hại này, người nuôi gà đều áp dụng các giải pháp để giữ ấm cho gà, đặc biệt là đối với gà giống. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Cả năm trông chờ vào mấy ngày giáp Tết Nguyên đán để mổ lợn xuất bán. Đợt này lạnh quá, gia đình tôi bỏ hết việc khác, chỉ tập trung theo dõi, phòng chống rét cho đàn lợn nuôi. Điều quan trọng nhất là phải che chắn bạt kín chuồng, tránh gió lùa ảnh hưởng đàn lợn con và lợn mẹ; tiêm phòng vaccine đầy đủ. Những ngày quá rét, luôn đun nước ấm, nấu cám nóng cho đàn lợn ăn. Từ xa, bên ngoài khu chuồng, gia đình còn đốt đống lửa để phòng chống rét cho đàn lợn nuôi" - anh Vương nói.

Thực hiện đề nghị của Bộ NNPTNT về tăng cường chống rét cho đàn vật nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ vừa ra văn bản yêu cầu Sở NNPTNT, các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành, thị khẩn trương thực hiện một số nội dung, yêu cầu để tăng cường các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi.

Trong đó, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng, không để gia súc bị đói, khát; nhiệt độ quá lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, nhất là đối với gia súc già yếu, gia súc non.

Lo đàn vật nuôi chết rét, nông dân Phú Thọ quây chuồng kín mít, chong đèn 24/24 giờ - Ảnh 4.

Ngoài dự trữ thức ăn, nông dân còn thực hiện che chắn chuồng nuôi kín mít để tránh gió lùa, giữ ấm cho vật nuôi. Ảnh: Mạnh Thuần

Bên cạnh đó, không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại (khi nhiệt độ xuống ≤ 12 độ C); giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, củi...) sưởi ấm cho gia súc; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra.

Ngay khi phát hiện gia súc bị bệnh phải có biện pháp can thiệp kịp thời; chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, vaccine cho đợt tiêm phòng gia súc trong vụ Đông Xuân.

Trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ giao Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành, thị theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời thông tin, cảnh báo về rét đậm rét hại trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động phòng các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi.

Đồng thời, thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT, đảm bảo an toàn cho sản xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem