Theo Washington Post, các chuyên gia máy tính từ lâu đã cảnh báo nguy cơ tin tặc xâm nhập vào hệ thống bầu cử Mỹ, đánh tráo dữ liệu và thay đổi kết quả bầu cử cấp địa phương, tiểu bang thậm chí cấp quốc gia.
Ảnh minh họa
Sau một mùa bầu cử tổng thống đầy sóng gió năm 2000, Mỹ đã đầu tư nhiều tỷ đô la để nâng cấp công nghệ bầu cử. Cụ thể, Quốc hội Mỹ đã phải rút hầu bao 3 tỷ USD để đầu tư vào hệ thống bầu cử điện tử mới sau hàng loạt ồn ào chỉ ra sai sót của hệ thống bầu cử cũ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thay thế hệ thống bầu cử dựa trên kết quả kiểm đếm phiếu bầu bằng giấy lạc hậu bằng hệ thống bỏ phiếu điện tử một cách vội vàng đã dẫn đến một lỗ hổng lớn phải mất nhiều năm để sửa chữa. Các cơ sở dữ liệu của chính phủ Mỹ trong nhiều năm qua đã bị tin tặc đánh cắp có nghĩa là hệ thống bầu cử điện tử cũng rất dễ bị tổn thương.
Các tin tặc Nga gần đây bị cáo buộc tấn công hệ thống đăng ký cử tri ở Arizona và Illinois nhờ bẻ gãy một trong những mắt xích yếu nhất trong hệ thống bầu cử của Mỹ. Việc xóa bỏ hoặc làm xáo trộn dữ liệu cử tri có thể gây ra tình trạng lộn xộn, hỗn loạn trong ngày bầu cử.
Trong khi đó, niềm tin vào độ tin cậy và tính minh bạch của hệ thống bỏ phiếu của cử tri cũng như giới chuyên gia là điều đặc biệt quan trọng, đặc biệt là trong năm nay khi nhiều chính trị gia đã lên tiếng cáo buộc về những sai phạm trong quy định bỏ phiếu, trong đó nổi bật nhất là liên quan đến ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump.
"Tôi không phải là chuyên gia đọc tâm trí của ông Vladimir Putin và tôi không biết ông ấy có dự định làm gì hay không nhưng nếu mục đích của bạn đơn giản chỉ là gây ra sự hỗn loạn, thì phá hủy dữ liệu đăng ký bầu cử là cách hoàn hảo để gây ra hỗn loạn", Dan S. Wallach, Giáo sư Khoa học máy tính ĐH Rice chuyên nghiên cứu an ninh của hệ thống bầu cử chia sẻ.
Khi đề cập đến các máy bỏ phiếu, các chuyên gia cho biết, những hệ thống an toàn nhất phải kết hợp được sức mạnh của công nghệ cũ lẫn mới. Chẳng hạn, các máy bỏ phiếu tích hợp máy quét quang học sử dụng công nghệ máy tính để đọc các lá phiếu giấy mà các cử tri đã điền đầy đủ thông tin cần thiết. Điều này dẫn đến có 2 cách thức kiểm đếm phiếu (bằng điện tử và đếm lá phiếu giấy).
Theo giới chuyên gia, cách thức bầu cử như vậy mặc dù cồng kềnh song sẽ khiến tin tặc tinh vi nhất cũng phải bó tay. Một số bang ở Mỹ đòi hỏi kết quả kiểm phiếu điện tử và đếm lá phiếu giấy phải trùng khớp với nhau. Còn các hệ thống bầu cử chỉ thu thập, kiểm đếm các số liệu kỹ thuật số dễ trở thành mục tiêu của tin tặc hơn.
Một nghiên cứu của ĐH Princeton cho thấy rằng, các máy bỏ phiếu điện tử có thể dễ dàng bị tấn công bởi một loại virus xâm nhập vào bằng đường thẻ nhớ vốn được sử dụng để sao chép kết quả kiểm phiếu. Virus này có thể âm thầm tồn tại trong máy bỏ phiếu điện tử trong nhiều năm và trực tiếp điều chỉnh kết quả bầu cử mà không ai hay biết.
"Có những máy tính được sử dụng ở mọi giai đoạn trong suốt mùa bầu cử và tất cả chúng đều có nguy cơ bị tấn công. Do đó, chúng ta phải tìm cách để sửa chữa hệ thống đó sao cho kể cả bị tin tặc tấn công, chúng vẫn đảm bảo tính đáng tin cậy", nhà khoa học máy tính ĐH Princeton ông Andrew Appel, một chuyên gia về công nghệ bầu cử nhấn mạnh.
Ngoài ra, các hệ thống bỏ phiếu điện tử bị cho là thiếu an toàn hơn còn xuất phát từ thực tế các lỗi phần mềm có thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.
Năm 2006, trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa ở Pottawattamie, Iowa, quan chức bầu cử thông báo rằng, một ứng viên ít được biết đến lại gần như sẽ đánh bại một ứng viên tiềm năng. Nghi ngờ có điều gì đó mờ ám, người ta đã tiến hành điều tra và phát hiện một lỗi lập trình xảy ra đã đảo ngược kết quả bầu cử.
"Khi cử tri điền thông tin và ứng viên họ chọn vào một lá phiếu vật lý, nó rất dễ kiểm tra và dễ chứng minh chuyện gì đang xảy ra", một chuyên gia bầu cử cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.