Lơ là điều trị đái tháo đường dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm
Lơ là điều trị đái tháo đường dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm
Bạch Dương
Thứ ba, ngày 05/12/2023 14:45 PM (GMT+7)
Việc phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh đái tháo đường sẽ góp phần phòng tránh bệnh hiệu quả. Đối với người đang theo dõi điều trị đái tháo đường, cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tránh những sai lầm dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Gần đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận trường hợp người bệnh N.T.L. (46 tuổi, ngụ tại Bình Dương). Chị L. trong lúc mang thai bị đái tháo đường thai kỳ kèm tăng huyết áp.
Sau khi sinh con, chị L. không theo dõi đường huyết và không kiểm soát cân nặng, dẫn đến mắc đái tháo đường típ 2 sau khi sinh 1 năm, đang điều trị đái tháo đường được 3 năm.
Gần đây, chị được chỉ định tiêm insulin để kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên do tâm lý sợ kim tiêm, chị không thực hiện đúng thao tác, liều lượng, dẫn đến đường huyết không được kiểm soát tốt, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, khát nước và sụt cân nhanh.
Tái khám tại Phòng khám Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chị L. được bác sĩ chẩn đoán bị tăng đường huyết nặng, được điều chỉnh liều insulin, kết hợp phương pháp theo dõi đường huyết liên tục.
BS CKI. Mã Tùng Phát – Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng tỷ lệ mắc đái tháo đường bao gồm: Người trên 45 tuổi; gia đình có người thân bị đái tháo đường (bố, mẹ, anh chị em ruột); người ít vận động; chế độ ăn uống giàu carbohydrate tinh chế hoặc đường hấp thu nhanh.
Ngoài ra, những người có các bệnh đồng mắc như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thừa cân – béo phì, người mắc bệnh lý buồng trứng đa nang, đái tháo đường thai kỳ, tiền đái tháo đường, người có bệnh lý tim mạch do xơ vữa động mạch… cũng thuộc nhóm nguy cơ cao.
Theo TS BS. Trần Quang Nam – Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tăng huyết áp ở người cao tuổi,thường đi kèm với sự phát triển của đái tháo đường. Nguy hiểm hơn, tăng huyết áp cũng liên quan đến các tình trạng khác như tăng mỡ máu, tạo ra một chuỗi nguy cơ đối với sức khỏe tim mạch.
Để giảm thiểu nguy cơ các biến cố tim mạch như đột quỵ và nhồi máu cơ tim, cần kiểm soát chặt chẽ cả tình trạng tăng mỡ máu, tăng huyết áp và đái tháo đường.
TS BS. Trần Quang Nam chia sẻ, việc tuân thủ điều trị là chìa khóa quan trọng giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát đường huyết hiệu quả. Người bệnh có thể tránh được những cơn tăng đường huyết đột ngột, giảm rủi ro bệnh lý tim mạch và các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.