Lo nảy sinh tiêu cực khi tăng mức xử phạt vi phạm: Cục CSGT nói gì?

Nguyễn Hoà Thứ hai, ngày 06/01/2020 06:15 AM (GMT+7)
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an khẳng định, lực lượng CSGT đã và đang thực hiện rất quyết liệt, nghiêm túc trong các hoạt động nghiệp vụ của mình và điều này sẽ tiếp tục được phát huy trong giai đoạn tới.
Bình luận 0

Ngày 1/1/2020, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt chính thức có hiệu lực.

Các mức phạt vi phạm hành chính được tăng lên để tạo sự răn đe, giáo dục người dân khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, có thông tin lo ngại, khi mức phạt tăng lên, khi đối diện với các hình thức xử lý, người vi phạm giao thông có thể nảy sinh những ý nghĩ, hành động tạo ra sự tiêu cực trong hoạt động xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Người dân có thể giám sát hoạt động nghiệp vụ của CSGT

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) khẳng định, lực lượng CSGT toàn quốc trong thời gian qua đã và đang thực hiện rất nghiêm túc, quyết liệt trong các hoạt động nghiệp vụ của mình.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật dẫn chứng, thời gian vừa qua các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận cũng đang quan tâm đến kiểm soát, xử lý nồng độ cồn của lực lượng CSGT, hoạt động này không phải là mới trong hoạt động nghiệp vụ của lực lượng CSGT.

Năm 2019, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý trên 182 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tính ra trung bình là gần 500 người/1 ngày bị xử lý.

img

Đại diện Cục CSGT Bộ Công an cho biết, ngoài các quy định của ngành về tác phong, nghiệp vụ, ứng xử của lực lượng CSGT, chính những người dân cũng là nơi kiểm soát các hoạt động nghiệp vụ của lực lượng CSGT trên địa bàn. (Ảnh minh hoạ lực lượng CSGT xử lý vi phạm giao thông)

“Điều này chứng tỏ lực lượng CSGT rất quyết liệt trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, đây cũng là chỉ đạo chung của Chính phủ, của lãnh đạo Bộ Công an, xuyên suốt của lực lượng CSGT trong giai đoạn này và cả các giai đoạn về sau.

Đặc biệt khi Luật phòng chống tác hại của rượu bia cũng như Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực thi hành” – Thượng tá Nhật thông tin.

Cùng với đó, theo vị Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông của Cục CSGT, việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CSGT theo quy chế, quy trình công tác. Các quy chế, quy trình này đều theo quy định của Bộ Công an; các kế hoạch kiểm soát, xử lý đều được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo công khai dân chủ.

“Thông tư của Bộ Công an quy định rõ ràng về các hoạt động giám sát của người dân đã được cụ thể hoá, dư luận rất ủng hộ. Người dân có thể giám sát qua thông tin trên báo chí, giám sát trực tiếp hoặc thậm chí có thể sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình để kiểm soát quá trình tuần tra kiểm soát trên địa bàn của lực lượng CSGT. Nói như vậy để chứng tỏ hoạt động của lực lượng CSGT cũng được đặt dưới sự giám sát của người dân” – Thượng tá Nguyễn Quang Nhật khẳng định.

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân đều phải theo quy chế, quy trình, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã có những chỉ đạo, yêu cầu rất kỹ đối với lực lượng trong quá trình hoạt động nghiệp vụ.

Ông Nhật dẫn chứng, như trong Chỉ thị 01 của Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo phải đào tạo cho lực lượng CSGT về nghiệp vụ, pháp luật; giao tiếp, kỹ năng ứng xử và đáng chú ý, phải quy trách nhiệm người đứng đầu của đơn vị nếu để xảy ra những vi phạm; mỗi CSGT ngoài ra phải gương mẫu làm 1 tuyên truyền viên, phổ biến an toàn giao thông tới người dân.

Ngoài ra, theo ông Nhật, hiện nay cơ bản lực lượng CSGT khi hoạt động nghiệp vụ có camera giám sát, nhất là việc kiểm soát nồng độ cồn của người tham gia giao thông.

Với việc kiểm soát này, lúc nào CSGT cũng có camera giám sát, không chỉ là đối với người vi phạm mà cả hoạt động chung của lực lượng để đảm bảo công khai, đảm bảo minh bạch, đảm bảo an toàn, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm.

Sai càng thêm sai khi không chấp hành yêu cầu của lực lượng CSGT

Nói về hoạt động kiểm soát, xử lý các vi phạm về nồng độ cồn trong thời gian vừa qua, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, việc người tham gia giao thông bỏ chạy khi gặp tổ kiểm soát nồng độ cồn, hay cố tình không làm theo yêu cầu để ghi nhận kết quả bằng máy đo nồng độ cồn, hoặc bỏ xe ô tô rồi rời đi,… đều là những hành vi không chấp hành theo yêu cầu.

img

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, việc người tham gia giao thông không chấp hành các yêu cầu của lực lượng CSGT như kiểm tra nồng độ cồn, kiểm tra hành chính là vi phạm, các hành vi này đã được quy định rõ.

Nếu tiếp tục ngoài không chấp hành việc thổi kiểm tra nồng độ cồn, người tham gia giao thông có hành vi đánh lại, chống đối, chửi bới, lăng mạ lực lượng thì đó chuyển sang lỗi hành chính khác.

Lúc đấy tuỳ vào các lỗi mà người tham gia giao thông vi phạm mà lực lượng có biện pháp xử lý, thậm chí có thể xử lý hình sự nếu đủ yếu tố, tính chất, mức độ vi phạm.

Theo Thượng tá Nhật, những việc này đều quy định trong Nghị định 100 của Chính phủ, trước đây thì cũng quy định rõ trong Nghị định 46.

“Nếu không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn thì lực lượng xử phạt tương đương với mức cồn cao nhất theo quy định đối với cả ô tô và mô tô. Ví dụ ô tô là 30 đến 40 triệu, trước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng nếu vi phạm” – đại diện Cục CSGT nói.

Ông Nhật cũng cho biết, việc thực hiện chuyên đề kiểm soát nồng độ cồn có nhiều cách, kiểm soát đột xuất theo tổ hoặc kiểm soát lớn, và những việc này lực lượng CSGT đều kiểm soát theo kinh nghiệm quốc tế.

“Tức là kiểm tra định tính, xong mới định lượng. Ví dụ lái xe đi hạ kính xuống nói 1, 2, 3, 4, nếu báo có cồn thì chúng tôi phải tách vào làn khác để định lượng cụ thể nồng độ cồn trong khí thở.

Nếu lái xe có kết quả vi phạm thì sẽ xử lý, tuy nhiên nếu không có thì mời người dân tiếp tục tham gia giao thông” – ông Nhật chia sẻ.

Đáng chú ý, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật khẳng định, việc kiểm soát nồng độ cồn này không phải là cấm người dân uống rượu, bia, mà đây là hoạt động nhằm thay đổi nhận thức của mỗi người dân khi tham gia giao thông, trước tiên để đảm bảo an toàn cho chính họ, sau đó đến người tham gia giao thông trên đường và nhiều người khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem