Rau xanh, thịt, cá bán chạy
Đến
chiều 14.8, giá nhiều mặt hàng rau củ, thủy hải sản, thịt cá vẫn đứng ở mức
khá cao, dù đã giảm chút ít sau cơn bão số 6. Giá các mặt hàng rau củ như rau
muống, rau dền, mùng tơi, mướp, rau cải, bí xanh... bán tại hầu hết các chợ
trên địa bàn Hà Nội chỉ giảm chút ít so với thời điểm hậu bão số 6. Rau muống
hiện vẫn 8.000-10.000 đồng/mớ, cải xanh vẫn 25.000-30.000 đồng/kg, bí 13.000 đồng/kg...
Tuy vậy, nhiều sạp rau xanh, thủy hải sản, thịt cá tại các chợ đã vãn hàng hẳn.
Tại chợ Thành Công, nhiều người bán hàng cho biết: Rút kinh nghiệm của đợt mưa bão
cơn bão số 6, từ sáng nay, người dân đã mua khá nhiều hàng hóa để tích trữ do
lo ngại mưa bão mấy ngày tới nên chiều chợ đã gần hết hàng. Nhiều sạp hàng còn
lại chủ yếu là khoai tây, khoai môn, cà rốt, cải bắp và một số rau gia vị.
Với
mặt hàng thịt, người dân đã mua nhiều từ sáng do thịt tươi ngon hơn chiều. Chị
Thu bán hàng tại chợ Ngọc Hà cho biết, sáng nay, nhiều người đã mua đến cả 1kg
thịt, khác với mọi ngày chỉ mua vài lạng. "Cứ mưa bão là thịt bán chạy nhất, vì
dễ chế biến, bảo quản được" - chị Thu phấn khởi.
Không chỉ tại các chợ lớn mà tại các chợ cóc, hàng hóa rau dưa, thịt cá cũng
bán chạy do người dân cũng mua tích trữ rất nhiều thực phẩm. Trong đó, rau xanh,
thịt và cá được mua nhiều nhất.
Theo
bà Tạ Thị Nhung (nhà ở phố Vũ Thạnh, Đống Đa), việc người dân tích trữ hàng hóa
là bình thường vì mưa bão ai cũng ngại đi chợ. Chưa kể, hàng hóa mưa bão lại
không tươi ngon, bị giập nát và giá thì trên trời. "Nhà có tủ lạnh mua
về cất vài ba ngày ăn vẫn đảm bảo chất lượng nên tôi tranh thủ mua không mưa
bão lại khổ" - bà Nhung chia sẻ.
Không nên lo lắng
Ông
Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng cho biết, các siêu thị cũng
bán chạy hàng trong những đợt mưa bão, do vào siêu thị mua người dân không lo
giá bị biến động, lại không phải "đội mưa" để mua hàng. Theo ông Vũ
Vinh Phú, các siêu thị không đẩy giá khi có người mua đông nhưng ngoài thị trường, việc người dân mua tích trữ lương thực có thể khiến nhiều chủ kinh doanh lợi dụng
để tăng giá bất hợp lý. Dù bão số 7 đang tới nhưng ông Phú khẳng định: Các siêu
thị có đủ nguồn thực phẩm dồi dào, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng,
người dân không nên quá lo ngại phải tích trữ hàng hóa ngoài chợ.
Xung
quanh việc tích trữ hàng hóa của người dân, ông Hồ Quốc Khánh - Trưởng phòng Quản
lý thương mại (Sở Công Thương) Hà Nội cũng khuyến cáo, người dân nên mua hàng
theo đúng nhu cầu, không nên quá lo lắng để tích trữ khiến giá cả biến động
tăng cao. Bởi khi thị trường có biến động giá từ 15% trở lên và trong tối thiểu
15 ngày liên tục, Hà Nội đã có nguồn hàng bình ổn tung ra để ghìm giá thị trường.
Giá hàng bình ổn sẽ thấp hơn giá thị trường tối thiểu 10%. Ông Khánh khẳng định:
Hàng bình ổn giá không chỉ được bán trong các siêu thị mà còn có mặt ở cả các
chợ truyền thống, khu công nghiệp và khu chế xuất nên người dân có thể yên tâm
mua sắm, tránh dẫn đến tình trạng khan hàng đẩy giá lên.
"Những địa phương nào có
lương thực, thực phẩm không bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh sẽ được Sở
Công Thương giới thiệu với doanh nghiệp Hà Nội để thu mua, nhằm đảo bảm cung cầu
hàng hóa cho người dân" - ông Khánh nói.
Mai Hương (Mai Hương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.