Các chuyên gia kinh tế đã không ngần ngại đề cập đến lo ngại "bong bóng" lãi suất (!).
“Cuộc đua” rồi sẽ thế nào nếu lãi suất cứ duy trì ở mức cao ngất ngưởng và liên tục bị đẩy cao như hiện nay? Không chỉ cán bộ tín dụng chật vật với các cuộc "thỏa thuận", mà người có tiền gửi cũng không thôi lo lắng, đến người sắp có tiền chưa biết đầu tư vào đâu cũng không thực sự muốn gửi ngân hàng, mặc dù lãi suất huy động và cho vay đều đã phá đỉnh của năm 2008.
|
Vay được vốn ngân hàng và vay được với lãi suất hợp lý là điều khó khăn với nhiều doanh nghiệp hiện nay. Ảnh minh họa. |
Căng thẳng cuộc đua lãi suất!
Sáng 16.5, nếu được chứng kiến cuộc “thỏa thuận" giữa một cán bộ tín dụng ngân hàng H (trên phố Bà Triệu, Hà Nội) với khách hàng về mức lãi suất cho vay thỏa thuận là 30%/năm, hẳn những ai không nắm rõ tình hình sẽ bị “sốc”. Cô cán bộ tín dụng giải thích với khách hàng: "Bọn em huy động với lãi suất 19,4%, cho vay thỏa thuận 30% thì mới đảm bảo trang trải mọi chi phí".
Trong khi đó, lĩnh vực huy động vốn của ngân hàng cũng không tránh khỏi áp lực. Chị K.A - nhân viên ngân hàng MB than thở rằng suốt nhiều tháng nay chị phải phát huy mọi quan hệ để tìm nguồn vốn về cho ngân hàng từ các khách hàng quen biết, thậm chí qua người này người kia giới thiệu. Lý do, theo chị K.A, mặc dù lãi suất huy động thỏa thuận liên tục bị đẩy lên cao, nhưng cũng không giữ nổi "chân" khách hàng. Và cho đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã đẩy mức lãi suất huy động thỏa thuận lên tới 19,5%, thậm chí là 20%/năm.
Trao đổi với Dân Việt, nhiều nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, chưa biết đầu tư vào đâu nhưng lại băn khoăn chưa muốn gửi ngân hàng, cho biết, nếu phải gửi ngân hàng thì cũng chỉ dám chọn kỳ hạn 1 tuần, 1 tháng là cùng vì đi đâu cũng thấy nhân viên ngân hàng "dặn dò" muốn rút thì phải báo trước 1- 2 ngày. "Tự dưng thấy run run, lỡ lãi suất cao vậy người ta ùn ùn gửi, ùn ùn rút thì sao" - một người lo lắng.
Chờ Ngân hàng Nhà nước ra tay
Ngân hàng thiếu vốn, doanh nghiệp không vay được vốn, các kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán... cũng không có dấu hiệu khả quan. Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn không hiểu đồng vốn được huy động với lãi suất cao như vậy rồi sẽ đi đâu khi mà lãi suất cho vay cao tới 27%, thậm chí tới 30%, mà cũng không phải cứ muốn vay là có.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, trong 2 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần điều chỉnh các lãi suất chủ chốt như lãi suất thị trường mở và lãi suất tái cấp vốn. Tuy nhiên, trần lãi suất huy động không được điều chỉnh. Hậu quả tất yếu của sự điều chỉnh không đồng bộ giữa các công cụ quản lý tiền tệ này là việc các ngân hàng thương mại (NHTM) đang tung ra một loạt các sản phẩm huy động tiền gửi khác nhau nhằm lách quy định trần lãi suất, khiến lãi suất ngầm rất cao.
Nhiều ý kiến cho rằng, trên thị trường đang có những nhà đầu cơ tiền tệ lớn giữ lại tiền và đi thương lượng để tìm kiếm lãi suất cao nhất tại các ngân hàng thiếu thanh khoản.
Chuyên gia kinh tế, TS Phạm Thế Anh cho rằng: Công cụ trần lãi suất huy động 14%/năm hay 1,16%/tháng hiện nay không giúp tạo ra được mức lãi suất thực dương, và do đó không làm tăng được các khoản tiền gửi dài hạn để chống lạm phát. Do vậy, nền kinh tế sẽ mắc kẹt ở mức lạm phát cao và lãi suất cao trong thời gian dài...
Rõ ràng, muốn giảm lãi suất thì phải chờ đến khi lạm phát giảm, trong khi muốn lạm phát giảm thì phải giảm được tổng cầu trong nền kinh tế, mà muốn giảm tổng cầu thì phải giảm đầu tư công, chi tiêu công.
Cụ thể hơn, theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng thì vấn đề hiện nay của NHNN không phải là quy định lãi suất tại các ngân hàng thương mại mà là kiểm soát lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Nếu lãi suất cho vay liên ngân hàng được đẩy lên 20% thì không thể kiểm soát được các ngân hàng huy động vốn với lãi suất 18-19%/năm của người dân.
Phương Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.