Lo ngại giá điện tăng mạnh sau 1.7

Thứ năm, ngày 20/06/2013 12:24 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ Công Thương vừa hoàn tất việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, dự kiến đưa vào áp dụng từ 1.7 tới. Người dân bắt đầu lo ngại giá điện sẽ tăng mạnh thời điểm này...
Bình luận 0

Điều đáng nói là dù nhiều điểm của dự thảo đã gây tranh cãi và không ít ý kiến đã đề nghị bỏ, hoặc điều chỉnh lại nhưng đến dự thảo lần thứ 3 này, Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên, thậm chí nhiều điểm còn "mở" hơn cho việc điều chỉnh giá điện của EVN bắt đầu từ 1.7.

img
Tăng giá điện thực chất “đánh” vào người có thu nhập thấp và trung bình.

Cơ hội tăng giá sẽ nhiều hơn...

Ngay từ dự thảo đầu tiên, quy định mới của Bộ Công Thương đã cho phép EVN được điều chỉnh giá điện khi giá đầu vào tăng từ 2-5%, thay vì phải 5% như hiện nay... Lúc đó, rất nhiều ý kiến đã bày tỏ lo ngại giá điện sẽ tăng mạnh với tần suất nhanh hơn nhiều so với hiện nay. Tuy nhiên, đến dự thảo lần thứ 3 này, Bộ Công Thương vẫn giữ quy định: Đầu vào chỉ tăng 2-5%, EVN đã có quyền tính toán tăng giá điện...

Ông Tạ Văn Hường-nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) thực sự lo ngại: Biến động giá 5%, EVN được điều chỉnh tăng giá điện đã là ghê gớm, nếu biến động chỉ 2% đã tăng giá điện thì tôi vẫn cho rằng quá "mạnh tay".

Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, kể cả có khung giá điện Nhà nước ban hành thì việc đầu vào chỉ biến động 2%, EVN đã điều chỉnh giá điện sẽ làm cho giá điện có thể tăng liên tục và EVN vẫn dễ dàng điều chỉnh giá điện hơn, thay vì phải đợi biến động đến 5% như hiện nay. "Rõ ràng, các nhà soạn thảo vẫn giữ quan điểm dễ dàng cho việc tăng giá, dù nhiều ý kiến lo ngại và kiến nghị xem xét lại điểm này"-bà Lan nói.

Còn theo GS-TS Trần Đình Long-Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, với việc chỉ cần biến động 2% đã được điều chỉnh giá điện có thể sẽ khiến EVN lạm dụng điều chỉnh tăng giá ngay khi mới có biến động nhỏ về giá thành sản xuất.

Từ khi Bộ Công Thương công bố dự thảo quy định mới về biểu giá điện này, dư luận xã hội đã lo ngại về việc giá điện sẽ tăng mạnh. Nhất là khi mới đây, ông Đặng Hoàng An-Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, để đủ điện cho miền Nam, EVN dự kiến huy động nguồn điện chạy dầu khoảng 1,5 tỷ kWh. Tuy nhiên, 1 kg dầu FO (giá 17.650 đồng/kg) chỉ phát được hơn 4 kWh điện thì giá điện chạy dầu sẽ tới 4.500 - 4.800 đồng/kWh (giá điện trung bình hiện nay trên 1.400 đồng/kWh), vì vậy, chi phí phát sinh cho EVN sẽ rất lớn. "Chi phí phát sinh lớn thì không có cách nào khác là EVN sẽ phải tăng giá điện để bù đắp. Nếu chỉ biến động 2% đã tăng thì cơ hội được tăng giá của EVN sẽ nhiều hơn"-chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho biết.

“Đánh” người nghèo

Nhìn vào biểu giá bán lẻ điện lần này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho biết, quy định mới đã không nâng biểu giá tràn lan mà có chọn lọc với một số đối tượng nhất định. Đó là cách ngành điện được trang trải chi phí của mình mà không cần thiết phải đề xuất tăng giá bán lẻ điện.

"Người dân tưởng là được giảm giá bán lẻ điện sinh hoạt so với biểu giá hiện hành, chỉ tăng giá bán điện sản xuất và tăng giá với các ngành xi măng, sắt thép... Nhưng trên thực tế, điện cho sinh hoạt ở mức tiêu dùng phổ biến theo dự thảo lần này đã bị tăng lên. Cụ thể, hộ dân sử dụng từ 101-150 kWh điện sẽ phải chịu chi phí giá điện cao hơn từ 106% nâng lên 108% giá bán lẻ điện bình quân (ở dự thảo này từ mức 101-200 kWh điện được gộp chung mức giá bằng 108% giá bán lẻ trung bình).

Điểm mới của dự thảo giá điện lần này là sẽ không còn quy định quỹ bình ổn giá điện, sẽ có khung giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ ban hành để EVN căn cứ vào đó điều chỉnh giá. Giá bán lẻ điện bình quân bao gồm 4 thành phần: Giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, chi phí điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.

Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), hiện số hộ sử dụng điện hàng tháng trong mức 101-150 kWh chiếm khoảng 60-70% tổng số hộ tiêu thụ điện sinh hoạt. Đa số đối tượng này là nông dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa và người thu nhập mức trung bình trở xuống ở thành thị. Như vậy với khoảng 70% số hộ tiêu thụ điện sinh hoạt bị tăng giá thì lợi nhuận EVN thu được rõ ràng là không nhỏ. Việc tăng giá điện ở đối tượng này thực tế sẽ "đánh" vào người có thu nhập thấp, bình dân.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng bày tỏ, dự thảo vẫn có nhiều nội dung nâng mức tăng giá bán lẻ điện lên ở cả khu vực sản xuất và sinh hoạt chứng tỏ ngành này vẫn đang tiếp tục theo xu hướng tăng giá điện bất chấp những yếu tố cấu thành chi phí chưa được giải trình công khai, minh bạch và vẫn gây thắc mắc trong dư luận.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì cho rằng, nếu đã có các quy định dễ dàng cho ngành điện tăng giá như vậy thì khung giá điện của Chính phủ phải được nghiên cứu đưa ra sao cho người dân và nền kinh tế chấp nhận được. "Không thể vì EVN có lãi mà người dân phải chịu gánh nặng về giá điện. Ngành điện vẫn còn độc quyền thì Nhà nước vẫn phải kiểm soát giá" - ông Long nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem