Lo ngại giá vé máy bay tăng cao, tác động lớn tới thị trường hàng không
Lo ngại giá vé máy bay tăng cao, tác động lớn tới thị trường hàng không
Thế Anh
Thứ năm, ngày 29/02/2024 18:49 PM (GMT+7)
Trước những lo ngại về giá vé máy bay tăng cao, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, mỗi hãng hàng không cần phải chủ động điều hướng trong môi trường phức tạp của ngành bằng cách tập trung vào tầm nhìn chiến lược...
Thông tư số 34 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa có hiệu lực từ ngày 1/3, giá vé máy bay phổ thông nội địa sẽ tăng trung bình từ 3,75 - 6,67%, có đường bay tăng lên 4 triệu đồng/vé một chiều. Nhiều người lo ngại sẽ không thể tiếp cận được vé máy bay giá rẻ.
Là một người thường xuyên đi máy bay để di chuyển đi công tác, chị Huyền Trang, Phụ trách Maketing một Thẩm mỹ viện ở Hà Nội lo ngại: "Khi nghe thông tin bỏ khung trần giá vé máy bay vào đầu tháng 3 sắp tới, tôi lo ngại sẽ không còn vé máy bay giá rẻ để đi".
"Mặc dù, giá vé máy bay là do cơ chế thị trường có cung – có cầu, nhưng khi các hãng hàng không chủ động bắt tay nhau để tăng giá vé máy bay thì người dân sẽ khó có cơ hội mua vé máy bay giá rẻ như hiện nay", chị Trang chia sẻ.
Theo chị Trang, giá vé máy bay tăng cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các ngành dịch vụ như du lịch. Qua đó, những chặng bay ngắn, người dân rất có thể sẽ lựa chọn phương tiện khác để di chuyển như: Tàu hoả, hoặc xe khách.
Thông tin tới báo chí về giá vé máy bay tác động tới ngành du lịch, ông Đức Phương, Trưởng phòng một Công ty Du lịch cho hay: "Với khách du lịch, họ thuộc nhóm đối tượng "nhạy cảm về giá".
"Điều này thể hiện rõ qua tình trạng "khan khách" của du lịch Phú Quốc và nhiều điểm đến nội địa trong suốt năm nay. Kịch bản này có thể tái diễn trong năm tới nếu giá vé máy bay tiếp tục tăng cao", ông Phương chia sẻ.
Ông Phương phân tích về thị trường,trong giai đoạn thấp điểm, các hãng hàng không sẽ phải cân đối giá để cạnh tranh nên việc tăng giá trần vé máy bay không tác động nhiều.
Tuy nhiên, vào cao điểm, nhu cầu đi lại tăng cao, bao gồm cả nhu cầu du lịch lẫn thăm thân, người mua vé máy bay những chặng dài sẽ tốn nhiều tiền hơn. Trong thời gian tới, giá vé máy bay "kịch khung" của các chặng "nóng" về du lịch có thể cao tới 8 - 10 triệu đồng khứ hồi, đắt hơn cả một tour TP.HCM đi Thái Lan 5 ngày giá 7,5 triệu đồng. Con số này còn chưa bao gồm chi phí ăn, chơi, lưu trú
"Nếu người dân vì giá vé máy bay cao quyết định không đến, địa phương có điểm du lịch hấp dẫn sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên, không riêng công ty lữ hành", ông Phương phấn tích.
Ở một góc nhìn khách, một chuyên gia hàng không cho biết: "Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, tăng giá trần sẽ giúp bổ sung chi phí cho các hãng hàng không có thêm dư địa để thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu của hành khách.
Giá vé máy bay bán ra không đủ bù chi phí
Tại Hội nghị hàng không quốc tế International Airline Symposium (IAS) 2024 chính thức diễn ra trong 2 ngày từ 28 - 29/2/2024 do Vietnam Airlines giữ vai trò là hãng hàng không chủ nhà, các chuyên gia đã chỉ ra bối cảnh khủng hoảng chính là một cơ hội cho sự thay đổi của ngành hàng không.
Hội nghị IAS quy tụ các nhà lãnh đạo ngành hàng không toàn cầu thảo luận về các vấn đề chung trong việc quản lý, phát triển doanh nghiệp. Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động qua từng năm, hội nghị được đánh giá thúc đẩy quan hệ hợp tác bền chặt giữa các doanh nghiệp thuộc ngành hàng không. Cùng với đó, các nhà hoạch định chính sách và các đại diện chính phủ, để định hình tương lai chung của ngành.
Trước những lo ngại về giá vé máy bay tăng cao, chia sẻ với PV Dân Việt, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, việc nới giá trần vé bay nội địa sẽ hướng tới một thị trường cởi mở co nhiều sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không. Từ đó, thị trường sẽ điều tiết giá vé máy bay theo nhu cầu của thị trường.
Ông Hà cho hay: "Mỗi hãng hàng không cần phải chủ động điều hướng trong môi trường phức tạp của ngành bằng cách tập trung vào tầm nhìn chiến lược, trải nghiệm khách hàng, áp dụng công nghệ, phát triển bền vững, an toàn và đảm bảo sự tham gia của nhân viên.
"Bằng cách này, Vietnam Airlines có thể định vị cho thành công lâu dài và tăng trưởng bền vững trong thị trường hàng không năng động", lãnh đạo Việt Nam Airlines chia sẻ.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, bối cảnh khủng hoảng chính là một cơ hội cho sự thay đổi của ngành hàng không: "Trong cuộc khủng hoảng, những ngôi sao sáng nhất sẽ ló rạng".
Từ đó, các hãng hàng không giữ thế chủ động trong bối cảnh biến động, các nhà lãnh đạo hàng không cần thay đổi các cách thức truyền thống, tận dụng tối đa cơ sở dữ liệu và công nghệ tiên tiến để đưa ra những chính sách mới mang tính quyết định.
Hiện nay, các hãng hàng không đã gần như kiệt quệ tài chính khi đang gặp các áp lực trong việc hoàn trả các khoản nợ phát sinh trước đó kèm mặt bằng lãi suất tăng cao trong thời gian qua. Các hãng hàng không đang trong tình trạng giá vé máy bay bán ra không đủ bù chi phí nên việc kéo chi phí di chuyển bằng máy bay về với đi tàu hỏa, xe khách là điều không tưởng.
Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, với giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí, các yếu tố chi phí khác không có biến động thì với biến động của giá Jet A1 và tỷ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 6/2023 của các hãng hàng không tăng 23,1% so với tháng 9/2015. Tác động của giá nhiên liệu làm tổng chi phí tăng 10,9% so với tháng 8/2015.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.