Cần giữ các chốt kiểm dịch thú y vào nội tỉnh
Theo đại biểu (ĐB) Trang, trong dự thảo Luật Thú y có những điểm quá mở ta khó có thể đạt được những mục tiêu. Như quy định mở hơn như vấn đề về kiểm soát dịch bệnh, trong dự thảo luật có quy định việc vận chuyển sản phẩm động vật trong nội tỉnh không cần giấy phép, theo ĐB Trang phải nên cân nhắc, xem xét lại, bởi chỉ khi trong điều kiện những cơ sở chăn nuôi chấp hành tốt pháp luật thì mới nên mở như vậy. Còn như hiện nay, luật mở ra như vậy có thể dễ dẫn đến những tác hại rất khó lường.
"Ví dụ nó làm xáo trộn việc quản lý sản phẩm động vật và vận chuyển sản phẩm động vật hiện nay, người dân không cần khai báo kiểm dịch nữa. Rồi việc giết mổ tập trung bị ảnh hưởng, sẽ không khuyến khích được giết mổ tập trung. Vật nuôi bị bệnh chuyển từ nơi này sang nơi khác chúng ta sẽ không kiểm soát được nguồn lây khiến dịch bệnh lan ra khi có dịch. Nên giữ lại quy định kiểm soát trong nội tỉnh cần giấy kiểm dịch" - ĐB Trang bày tỏ.
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) góp ý vào dự thảo Luật Thú y chiều 13.11. Ảnh: P.V
Một vấn đề nữa gây ra không ít lo ngại đó là việc kiểm soát dịch bệnh ở những chốt giao thông, đầu mối giao thông hiện nay đang áp dụng nhưng theo dự thảo luật là bỏ. "Tôi không tán thành vì những chốt chặn giao thông đó là những nơi gác cổng rất tốt cho những khu đô thị lớn. Như trạm kiểm soát động vật ở Thủ Đức, Hóc Môn (TP.HCM) đã bắt được rất nhiều vụ vận chuyển động vật vi phạm về dịch bệnh. Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2014, ở những trạm đầu mối giao thông như vậy đã phát hiện được hơn 1.600 vụ vi phạm về vận chuyển động vật bị dịch" - ĐB Trang nhấn mạnh.
Cho ý kiến về vấn đề này ông Huỳnh Thành Lập - Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP.HCM cho rằng, bỏ kiểm soát thú y trong nội tỉnh, các tỉnh khác không rõ thế nào nhưng như TP.HCM bỏ thì rất nguy hiểm vì đây là địa bàn rộng lớn, có nhiều cửa ngõ đường vào, ngõ ngách có nhiều đường vào nội thành. "Khi tổ lấy ý kiến về dự án luật này ở TP.HCM thì các cơ quan chuyên ngành về thú y đều kiến nghị phải giữ việc kiểm soát thú y trong nội tỉnh" - ĐB Huỳnh Thành Lập cho hay.
Cấp chính quyền nào công bố dịch?
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, quy định mới chỉ để cập vật nuôi để giết mổ nhưng lại chưa thể hiện vấn đề nuôi con vật vì mục đích khác. Hiện nay nhu cầu nuôi con vật như chó, mèo, chim, cá... của các gia đình bây giờ rất lớn, thậm chí tốn nhiều tiền để chưa cho một vật nuôi. "Thậm chí có khách sạn, spa cho chó, mèo. Mỗi ngày mất hàng trăm nghìn đồng chi phí. Hoạt động ấy không biết có đưa vào luật không" - ĐB Khánh nói.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng, thanh tra chuyên ngành, pháp lệnh quy định tổ chức từ T.Ư từ cấp bộ đến tỉnh. Xã có mạng lưới thú y cấp xã. Việc phân công trách nhiệm chưa rõ ràng, cần rà soát phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể hơn, ở cấp xã có cần nâng lên biên chế hay không? Cũng theo ĐB Hồng Hà thì tình trạng nhập lậu gia súc gia cầm quá dễ dàng, cái này chính là mầm lây lan dịch bệnh. Công tác quản lý nhà nước chống nhập lậu làm đến đâu làm như thế nào? Trong dự thảo luật này liệu có nêu được không?
Về thẩm quyền công bố dịch, ĐB Huỳnh Minh Thiện cho rằng, cấp xã không được công bố như báo cáo thẩm tra là phù hợp vì cấp này không đủ điều kiện từ trang thiết bị, máy móc, con người, nhưng đưa về tỉnh công bố lại bất cập. Để đảm bảo tính kịp thời, tránh sự nguy hại của dịch bệnh lây lan theo ĐB Thiện nên đưa về cấp huyện để xem xét công bố dịch.
Khác quan điểm với ĐB Thiện, ĐB Nguyễn Văn Phụng (TP.HCM) cho rằng: Việc công bố dịch là rất quan trọng phải chính xác, phải ở cấp tỉnh mới đảm đương được trọng trách này. ĐB Phụng nêu ví dụ ở Củ Chi (TP.HCM) có hộ mua bò về bán bị lở mồm long móng xã phải báo lên, sau đó thành phố đi giám định rồi mới kết luận được. Chính vì thế theo ĐB Phụng với điều kiện vật chất, con người như ở cấp xã nếu cho phép được công bố dịch sợ không chính xác, còn cấp huyện cũng khó đảm đương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.