Lo ngại tăng giá dây chuyền

Thứ tư, ngày 16/02/2011 16:08 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Việc tăng giá điện tới đây sẽ tác động ghê gớm tới nhiều ngành kinh tế và tăng thêm khó khăn cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đặt ra".
Bình luận 0

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định trước đề xuất tăng giá điện 18% của Bộ Công Thương.

Bà Phạm Chi Lan nói:

Theo tôi, mức đề xuất tăng giá điện 18% vẫn là quá cao. Chưa bao giờ chúng ta đề xuất tăng giá điện ở mức cao như vậy. Ngay việc điều chỉnh tỷ giá vừa rồi của Ngân hàng Nhà nước cũng đã ở mức cao nhất từ trước tới nay. Nếu ngành điện cũng theo đó mà đề xuất tăng tới 18% (tức là gấp đôi mức tăng của việc điều chỉnh tỷ giá) thì rất "gay".

Chúng ta mới chỉ điều chỉnh tăng giá điện dưới 10% trong những năm qua mà đã gây khó khăn rất nhiều cho nền kinh tế, cho sản xuất và đời sống của người dân rồi.

 img
Người nghèo kỳ vọng được hỗ trợ thiết thực khi Chính phủ cho phép giá điện tăng vào tháng 3.2011.

Giả sử giá điện được Chính phủ "quyết" tăng 18% và thực hiện từ tháng 3 năm nay, theo bà sẽ tác động thế nào tới các ngành kinh tế?

- Giá điện tăng chắc chắn sẽ đẩy giá của một loạt các mặt hàng tăng. Bởi điện là đầu vào cơ bản của hàng loạt các ngành kinh tế, từ sản xuất đến dịch vụ. Điều này sẽ tiếp tục tác động tăng giá-mà chuyên gia chúng tôi gọi là "vòng hai" với các mặt hàng khác.

Ví dụ giá điện tăng thì giá sắt thép, xi măng, phân bón... tăng; giá phân bón tăng thì kéo theo chi phí sản xuất ra hạt gạo của nông dân tăng... Trong nền kinh tế, sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm kia nên nếu tăng giá một sản phẩm - nhất là sản phẩm quan trọng là điện - sẽ kéo theo việc tăng giá dây chuyền...

Vậy theo bà, làm sao để hạn chế những tác động xấu có thể xảy ra?

img Mỗi năm chúng ta chỉ được nghe thông báo tăng giá điện, còn ngành điện phải tiết giảm chi phí sản xuất như thế nào, bao nhiêu phần trăm để tránh tăng giá thì chúng ta lại không được rõ. img

- Tôi rất tiếc là cho đến nay việc tăng giá điện của chúng ta mới chỉ đang xuất phát bởi các bộ ngành và chủ yếu là dựa trên các căn cứ và tính toán với ngành điện và của ngành điện. Còn việc tăng giá đó hợp lý như thế nào thì đến nay chúng ta cũng như người dân còn chưa biết được.

Chúng ta vẫn chưa có thị trường điện cạnh tranh nên không thể biết được mức giá tăng này ra sao cho nên người dân vẫn chưa thể được sử dụng điện với giá thấp.

Ở VN, nếu cứ giữ cấu trúc ngành điện như hiện nay với mô hình người mua, người bán và người điều hành là một thì khó đạt được sự minh bạch, không thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và không vận hành được giá điện theo cơ chế thị trường.

Còn để hạn chế tác động xấu từ việc tăng giá điện, tôi cho rằng, Chính phủ cần phải có các giải pháp căn cơ hơn để bảo vệ người nghèo, người có thu nhập thấp. Tăng giá điện cần phải đi kèm với việc đảm bảo đủ điện cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính phủ có thể cân nhắc để đảm bảo một mức tăng giá thấp nhất và hạn chế điều chỉnh tăng giá nhiều mặt hàng cùng lúc. Chúng ta phải thực hành tiết kiệm triệt để; các ngành kinh tế phải đầu tư những máy móc ít tiêu hao năng lượng...

Về lâu dài, ngành điện cần phải được xóa bỏ độc quyền. VN cần sớm đưa vào vận hành thị trường điện cạnh tranh thực sự và chuyển hướng đầu tư vào những lĩnh vực năng lượng đem lại giá thấp.

Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem