Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) yêu cầu các trường phổ thông phải quán triệt tinh thần giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở những môn học liên quan ngay trong năm học 2015-2016. Việc này, được coi như bước chuẩn bị cho việc dạy tích hợp trong chương trình phổ thông mới.
Đào tạo đơn môn, khó dạy liên môn
Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, cả 3 cấp học đều có các môn tích hợp. Cụ thể, bậc tiểu học có môn cuộc sống quanh ta được phát triển từ môn tự nhiên và xã hội ở các lớp 1, 2, 3; môn tìm hiểu xã hội và tìm hiểu tự nhiên tích hợp từ các môn khoa học, lịch sử và địa lý ở các lớp 4, 5. Cấp THCS có 2 môn tích hợp là khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở 3 môn vật lý, hóa học, sinh học; khoa học xã hội hình thành từ các môn lịch sử, địa lý. Cấp THPT có 2 môn học tích hợp ở lớp 10, 11 cho học sinh tự chọn là khoa học tự nhiên xây dựng từ 3 môn học cốt lõi gồm vật lý, hóa học, sinh học; môn khoa học xã hội được tích hợp từ môn lịch sử, địa lý.
Giáo viên gặp nhiều khó khăn trong việc giảng dạy tích hợp do đã quen dạy đơn môn Ảnh: TẤN THẠNH
Thiết kế giáo án và thực hiện dạy học tích hợp liên môn hiện được Bộ GD-ĐT coi là chìa khóa để thay đổi căn bản và toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh của nhà trường. Mục đích của bộ là các giáo viên làm quen, thích nghi dần với cách dạy học mới, phát huy tối đa năng lực của người học và đến năm học 2018-2019 sẽ cho triển khai đại trà, đồng bộ bằng chương trình, nội dung, sách giáo khoa mới.
Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai tích hợp đang diễn ra không dễ dàng. Giám đốc một sở GD-ĐT phía Bắc thẳng thắn cho rằng có 2 trở ngại để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.Một là đội ngũ giáo viên chưa thể đáp ứng ngay được, vấn đề đào tạo mới, đào tạo lại giáo viên cần có một quá trình. Thứ hai là người quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu của điều kiện mới, chưa kể khó khăn về cơ sở vật chất.
Cô Nguyễn Loan - giáo viên THPT tại quận Cầu Giấy, Hà Nội - cho rằng việc một thầy dạy 2-3 môn là rất khó. Việc dạy môn tích hợp đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức rộng ở nhiều môn. Ở bậc tiểu học, THCS, nội dung kiến thức là cơ bản, giáo viên chỉ cần được huấn luyện kết hợp với trau dồi kỹ năng là có thể dạy tích hợp. Còn chương trình THPT, kiến thức các môn chuyên sâu, thầy cô cũng chỉ được đào tạo chuyên môn hẹp, việc dạy thêm 2-3 môn khác trong nhóm xã hội hoặc tự nhiên là không thể. Đó là chưa nói đến việc chưa có sách giáo khoa nên giáo viên phải tự nghiên cứu và làm quen với phương pháp dạy mới dẫn đến việc các nơi triển khai tích hợp khác nhau.
Phải thay đổi từ “cỗ máy cái”
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khi trả lời phỏng vấn về việc tích hợp cho rằng giáo viên hiện nay có thể dạy được các môn tích hợp bởi kiến thức đã được học từ thời phổ thông, khi lên ĐH được học thêm nên chỉ cần được đào tạo thêm một chút là có thể đáp ứng. “Sắp tới, qua quá trình bồi dưỡng và đào tạo mới của trường sư phạm, một giáo viên sẽ dạy được cả môn tích hợp, chứ không cần phân cho nhiều người dạy một môn” - ông Hiển nói.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên rất lo lắng trước ý kiến này. Theo họ, các trường sư phạm đào tạo sinh viên theo môn chuyên sâu trong suốt 4 năm ĐH, sau khi tốt nghiệp cũng chỉ dạy môn này. Trong khi kiến thức các môn học cùng nhóm ngành qua thời gian cũng phai nhạt dần. Cô Thu Trang - giáo viên địa lý tại một trường THPT ở Thanh Xuân, Hà Nội - cho rằng nhiều năm qua đã lồng ghép những kiến thức của môn lịch sử vào bài giảng để hấp dẫn học sinh, tuy nhiên sự tích hợp này chỉ ngắn gọn vì nội dung bài chính đã chiếm hết thời gian. Sự liên kết giữa các môn học trong cùng nhóm chỉ có ở một vài khía cạnh trong nội dung bài nên không thể tích hợp toàn bộ kiến thức.
Một chuyên gia giáo dục nhận định dự thảo đổi mới giáo dục phổ thông mới đi từ “ngọn”. Hiện các trường ĐH, CĐ sư phạm vẫn đào tạo sinh viên theo cách của mình mà chưa gắn với việc đổi mới ở các trường phổ thông. Do đó, những “cỗ máy cái” - các trường sư phạm phải tính toán lại việc này. Nếu nơi đào tạo đội ngũ giáo viên không đi trước thì còn lâu giáo viên phổ thông mới theo kịp cái mới. “Đổi mới cách dạy học ở bậc phổ thông không thể không đổi mới giáo trình, cách dạy - học ở các trường sư phạm. Các trường sư phạm cần tiệm cận ngay với cách đào tạo giáo viên dạy tích hợp, liên môn” - chuyên gia này đề xuất.
Nhân rộng bài giảng mẫu
Song song với sự đổi mới của các trường sư phạm, theo kiến nghị của nhiều chuyên gia, Bộ GD-ĐT cần sớm xây dựng cụ thể giáo án dạy tích hợp liên môn, các Sở GD-ĐT phải nhân rộng những bài giảng đạt giải của giáo viên trong các cuộc thi soạn giáo án tích hợp, liên môn thành bài giảng mẫu.
|
Yến Anh (Người lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.