“Cạn” hợp đồng xuất khẩu
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm nay đạt mức tương đương cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 2,66 triệu tấn gạo các loại. Riêng các thị trường chính của gạo Việt Nam như Philippines, Malaysia, XK giảm tương ứng 52% và 60%.
Xuất khẩu gạo tiềm ẩn nhiều khó khăn trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: H.L
Sắp có logo thương hiệu gạo
Việt Nam
VFA cho biết, đơn vị này vừa phát động cuộc thi thiết kế logo cho thương hiệu gạo Việt Nam. Cùng với đó là việc xây dựng quy chế, quy định sử dụng logo cho các doanh nghiệp. Dự kiến, đến cuối tháng 9.2016 sẽ có kết quả.
|
Về chất lượng gạo XK, ngoài gạo thơm, gạo japonica và nếp có tỷ lệ tăng, các sản phẩm chính của Việt Nam như gạo trắng 5% tấm giảm 29%, gạo trắng 25% tấm giảm 25,6%... Tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài trong những tháng cuối năm nay.
VFA dự báo, những tháng cuối năm, Việt Nam sẽ chỉ XK khoảng 3 triệu tấn gạo các loại. Tổng cộng, lượng gạo XK cả năm đạt khoảng 5,65 triệu tấn, giảm đến 14% so với năm 2015. Đây là lần thứ 3 VFA điều chỉnh giảm dự báo lượng gạo XK trong năm nay, do những khó khăn về mặt thị trường.
Ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch VFA lo lắng, các thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines, Malaysia… tới hiện tại vẫn chưa có tín hiệu đột phá nào. Ông Năng lo ngại, tình trạng khó khăn thời điểm những năm 2014 – 2015 có thể sẽ lặp lại trong quý II năm nay.
Giải thích những nguyên nhân giảm sút ở các thị trường, nhiều ý kiến lo lắng rằng, việc liên tục tăng năng suất nhưng chất lượng gạo giảm khiến việc tìm kiếm thị trường, tăng giá bán của doanh nghiệp luôn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Việt Anh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Thanh (Đồng Tháp) chia sẻ, năm 2013, doanh nghiệp này XK thử 10.000 tấn gạo đi Mỹ. Tuy nhiên, ngay sau khi đưa hàng đi, công ty nhận thư phản đối từ phía Mỹ vì Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) kiểm tra mẫu và không đạt yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Dù rằng với loại gạo này, Phương Thanh XK đi Hàn Quốc rất thuận lợi.
“Mỗi năm, Phương Thanh cũng vài lần XK vào châu Âu nhưng bao nhiêu lần kiểm tra mẫu đều không đạt, trong khi gạo Thái Lan và Myanmar không bao giờ mắc lỗi - ông Việt Anh nhấn mạnh.
Hay như đại diện một doanh nghiệp chuyên XK gạo vào Trung Quốc cho biết, thị trường này luôn có nhu cầu nhập khẩu gạo các loại. Tuy nhiên, sản phẩm của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Theo đó, người Trung Quốc cần các loại gạo trắng hạt dài, không bạc bụng và có chất lượng tốt.
Doanh nghiệp không thể “nằm chờ”
Cũng theo nhận định của VFA, trong quý I.2016, XK gạo tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2015, chủ yếu do các hợp đồng tập trung từ năm trước chuyển qua. Tuy nhiên, sang quý II, XK gạo giảm đến 32%, Việt Nam gần như không ký thêm được hợp đồng tập trung mới nào.
Bà Đặng Thị Liên- Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Long An chia sẻ, doanh nghiệp sẽ không thể cải thiện được tình hình thị trường nếu không giải quyết các vấn đề liên quan đến chất lượng gạo Việt Nam hiện nay.
Bà Liên cho rằng, nhiều doanh nghiệp, nhiều vùng sản xuất “lạm dụng” thuốc BVTV khiến dư lượng thuốc trong sản phẩm cao, nhiều thị trường từ chối gạo Việt. Hiện tại, VFA đã xây dựng kế hoạch hành động để nâng cao chất lượng gạo XK, tuy nhiên, nếu không giải quyết được vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu, gạo Việt sẽ còn nhiều khó khăn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể chỉ “nằm chờ” cơ quan chức năng ra tay hỗ trợ mà phải “tự thân vận động” trước, xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng cho XK
Về vấn đề này, ông Huỳnh Thế Năng – Chủ tịch VFA cho rằng, đã được Bộ NNPTNT, các ngành cũng như doanh nghiệp nhận ra từ nhiều năm trước. Do đó, Việt Nam đang tiến hành tổ chức lại sản xuất.
Theo ông Năng, qua khảo sát, VFA phát hiện có khoảng 12 hoạt chất thường tồn dư trong gạo. Các hoạt chất này có trong hàng trăm loại thuốc BVTV. VFA đã yêu cầu Bộ NNPTNT thay thế các hoạt chất này trong thời gian tới. Điều khiến ông Năng trăn trở nữa là Việt Nam không có phòng xét nghiệm nào đạt chuẩn quốc tế để có thể kiểm tra được tất cả các hoạt chất trong gao trước khi XK. Muốn kiểm tra, doanh nghiệp phải qua Thái Lan hoặc Mỹ, mất rất nhiều thời gian và tiền của.
“Bộ NNPTNT đã yêu cầu sử dụng vốn ODA để xây dựng 1 phòng xét nghiệm chuẩn quốc tế. nhưng tới nay vẫn chưa thấy đâu. VFA đề nghị có thể nâng cấp phòng xét nghiệm của Đại học Cần Thơ, hiện đã có sẵn nhân lực, cơ sở vật chất”- ông Năng đề nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.