Tên lửa không đối không mà Mỹ bán cho Saudi Arabia
Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm đẩy nhanh 22 thương vụ bán vũ khí cho Saudi Arabia, bao gồm tên lửa, đạn dược và máy bay do thám. Theo ông Trump, đây là hành động cần thiết để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ Iran trong bối cảnh các tàu chở dầu bị tấn công và Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ.
Tuy nhiên, động thái trên của Tổng thống Donald Trump vấp phải sự phản đối của các nghị sỹ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Đã 4 năm nay, Saudi Arabia dẫn đầu liên minh quân sự gồm 10 quốc gia can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen. Dù khá chính danh là chống lại phiến quân Houthi cướp chính quyền hợp hiến ở Yemen của Tổng thống Abd Rabbuh Mansur Hadi, nhưng sự can thiệp quân sự của Saudi Arabia bị cho là quá mức, gây nhiều tổn thất sinh mạng cũng như làm bùng nổ thảm họa nhân đạo với người dân Yemen.
Các thành viên của Quốc hội Mỹ cũng không hài lòng với hồ sơ nhân quyền của Saudi Arabia, nhất là trong vụ sát hại nhà báo đối lập Jamal Khashoggi ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10-2018. Jamal Khashoggi là nhà báo người Saudi Arabia nhưng chuyển đến Mỹ sinh sống từ năm 2017. Ông thường xuyên đăng bài viết chỉ trích chính quyền Saudi Arabia và Thái tử Mohammed Bin Salman nên bị sát hại. Vụ việc này đã gây nên làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới, khiến quan hệ Saudi Arabia - Mỹ rơi vào căng thẳng.
Không những thế, quyết định của Hạ viện Mỹ ngăn không cho Nhà Trắng bán vũ khí cho Saudi Arabia còn hé lộ vết nứt đang ngày một lớn trong chính quyền Mỹ. Hồi tháng 5-2019, với lý do các hoạt động của Iran ở khu vực Trung Đông đang tạo mối đe dọa với anh ninh Mỹ, ông Trump đã phê chuẩn thương vụ bán vũ khí trị giá hơn 8 tỷ USD cho Saudi Arabia mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội.
Hành động bị coi là “vượt mặt” này của ông Trump đã khiến nhiều nghị sĩ Mỹ cảm thấy nóng mặt. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L. Engel cho rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tạo ra tình trạng khẩn cấp giả mạo để bỏ qua thẩm quyền của Quốc hội. Vì vậy, việc thông qua nghị quyết ngăn chặn hợp đồng bán vũ khí cho Saudi Arabia là bước đi cần thiết nhằm chống lại sự lạm dụng quyền lực.
Chỉ còn hơn một năm nữa, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Cuộc đua vào Nhà Trắng đang nóng lên từng ngày, và hai đảng Cộng hòa cũng như Dân chủ đang tận dụng từng cơ hội để triệt hạ uy tín của nhau. Lần đầu tiên trở lại kiểm soát Hạ viện sau 8 năm, Đảng Dân chủ liên tục “ra đòn” nhằm vào các chính sách, sáng kiến về đối nội, đối ngoại của ông Trump.
Những dự tính, những chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Trump và “những chú voi” - biệt danh của Đảng Cộng hòa, đặc biệt là việc thúc đẩy dự luật y tế thay thế đạo luật chăm sóc sức khỏe giá rẻ (Obamacare), chính sách nhập cư cứng rắn và nhiều vấn đề khác vốn đã khó khăn, lần lượt rơi vào bế tắc trước sự cản phá của “những chú lừa” - biệt danh của Đảng Dân chủ.
Trở lại với thương vụ bán vũ khí cho Saudi Arabia, mặc dù gặp phải sự ngăn cản của Hạ viện, nhưng với quyền lực rất lớn theo quy định của Hiến pháp, ông Trump vẫn có thể phủ quyết nghị quyết của Hạ viện. Có điều qua vụ này, có thể thấy thời gian sắp tới được dự báo sẽ không yên ả, và mỗi động thái của Nhà Trắng đều có thể dẫn đến những cuộc đấu khẩu nảy lửa trên Đồi Capital (Quốc hội Mỹ).
Hoàng Sơn (An ninh Thủ đô)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.