“Lò xo” giá đã bật

Thứ năm, ngày 31/03/2011 05:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giá cả ngoài chợ kịp thời được "điều chỉnh" mà câu thanh minh cửa miệng vẫn là "điện tăng, xăng lại vừa tăng"...
Bình luận 0

Quyết định tăng giá xăng dầu được liên Bộ Tài chính - Công Thương đưa ra và có hiệu lực sau đó chỉ chưa tới 2 tiếng, tức lúc 22 giờ ngày 29.3. Một quyết định bất ngờ, chỉ hơn 1 tháng sau khi xăng tăng giá kỷ lục (ngày 24.2), chỉ 3 ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính đăng đàn Quốc hội nói về việc kiểm soát giá cả...

img
Ảnh minh họa

Sự bí mật của quyết định tăng giá đã loại bỏ hoàn toàn các yếu tố đầu cơ, tích trữ, găm hàng vẫn tồn tại lâu nay mà ví dụ điển hình có thể nhìn lại ngay trong tháng Hai. Sự bất ngờ, nhất là quyết định được công bố về đêm, đã tránh được nạn… kẹt xe khi dân chúng, chỉ vì muốn tiết kiệm 10-20 nghìn đồng, đã rồng rắn xếp hàng mua xăng. Nhưng một quyết định hành chính liên quan đến sản xuất và đời sống của đất nước có nên công bố và triển khai từ gần nửa đêm như vậy?

Phản ứng đầu tiên ngay sau khi xăng tăng giá là thị trường chứng khoán đỏ sàn, dù chưa đến mức bán tống bán tháo các bluechip. Phản ứng thứ hai là các doanh nghiệp vận tải đã kịp thời có phản ứng về việc tăng giá. Phản ứng thứ ba là giá cả ngoài chợ kịp thời được "điều chỉnh" mà câu thanh minh cửa miệng vẫn là "điện tăng, xăng lại vừa tăng"...

Còn nhớ, phát biểu trước Quốc hội, chỉ 4 ngày trước khi xăng tăng giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh phân bày: Giá xăng hiện nhà nước không thu thuế 20% và "mới điều chỉnh một phần".

Ông nói, rằng: Mặt bằng giá xăng ở Việt Nam hiện vẫn thấp hơn Lào và Campuchia từ 3.200 - 5.000 đồng/lít. Nếu tới đây giá xăng dầu thế giới tăng thì sẽ phải tiếp tục điều chỉnh giá trong nước. Còn giá thế giới giảm thì sẽ… khôi phục thuế.

Nhưng Bộ trưởng Ninh nói về giá xăng dầu trong bài phát biểu chung về việc kiềm chế đà tăng giá và tăng cường quản lý giá. Không ai nghĩ lãnh đạo Bộ này phê cho giá xăng tăng chỉ vài giờ sau khi Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá XII bế mạc. "Chúng ta phải tuân thủ theo cơ chế thị trường" - ông nói.

Tuân thủ theo thị trường, có nghĩa là do thị trường quyết định, tức là có tăng, có giảm theo sự tăng giảm mang tính thời điểm của thị trường. Nhưng thị trường kiểu Việt Nam đã cho thấy sự điều tiết không theo quy luật.

Một bằng chứng là để đảm bảo kiềm chế lạm phát trong năm tài khoá 2010, Chính phủ đã lắc đầu với mọi đề nghị tăng giá xăng dầu. Chính Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng nói: "Đầu vào của một số mặt hàng phải kìm nén để đạt được mục tiêu ngắn hạn".

Việc kìm giá xăng đã trở thành cái lò xo giá hôm nay khi xăng lại tăng giá liên tục, và cũng liên tiếp lập kỷ lục về giá xăng dầu ở Việt Nam.

Cú tăng giá thứ hai, một kỷ lục mới, sau đợt tăng giá kỷ lục cũ chỉ hơn một tháng, chắc chắn sẽ góp phần làm gia tăng lạm phát. Mà lạm phát lại trực tiếp tác động đến bữa cơm của dân chúng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem