Loại nông sản này của Việt Nam liên tục 'đổ bộ' sang Trung Quốc, cuối năm chắc chắn thu hơn 5 tỷ USD

Thiên Hương Thứ tư, ngày 04/10/2023 06:00 AM (GMT+7)
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ước tính xuất khẩu rau quả trong tháng 9/2023 đạt gần 587 triệu USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng năm nay, xuất khẩu rau quả của nước ta đạt hơn 4,134 tỷ USD, tăng kỷ lục 69,1% so với cùng kỳ 2022.
Bình luận 0

Xuất siêu rau quả của nước ta trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 2,675 tỷ USD

Đóng góp nhiều nhất vào sự tăng trưởng của xuất khẩu rau quả là sầu riêng, chuối, thanh long. Đặc biệt là với sầu riêng, từ vị trí thứ 4 trong nhóm các loại quả, hiện đang vươn lên dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, vượt chuối và thanh long để gia nhập nhóm trái cây tỷ USD. 

Trong khi sầu riêng các thị trường khác gần cạn thì chúng ta vẫn đang còn thu hoạch, và tới cuối năm thì có sầu riêng vụ nghịch ở miền Tây. Do đó sầu riêng được dự báo sẽ sớm cán đích kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ USD trong tháng tới.  

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc đang là thị trường nhập nhiều rau quả Việt Nam nhất với tổng kim ngạch 8 tháng năm 2023 đạt 2,3 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 64% thị phần.

Mặt hàng này của Việt Nam liên tục "đổ bộ" sang Trung Quốc, cuối năm chắc chắn thu hơn 5 tỷ USD  - Ảnh 1.

Nông dân huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) phấn khởi khi trồng sầu riêng trúng mùa, trúng giá, tháng 1/2022. Ảnh: Lê Ngọc

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, có mấy nguyên nhân đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta tăng cao. Thứ nhất là do nhiều thị trường tăng mua rau quả từ Việt Nam, trong đó kết quả xuất khẩu ấn tượng nhất là sang thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 65% kim ngạch xuất khẩu. 

Năm 2022 Việt Nam đã ký một loạt Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chính ngạch, tiếp đó là xuất khẩu chuối, bưởi, chanh leo..., điều này tạo bước đệm cho hoạt động xuất khẩu rau củ quả của nước ta đạt nhiều thuận lợi.

Loại nông sản này của Việt Nam liên tục 'đổ bộ' sang Trung Quốc, cuối năm chắc chắn thu hơn 5 tỷ USD  - Ảnh 2.

Top 10 thị trường xuất khẩu rau quả 8 tháng năm 2023 của Việt Nam. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Nhờ ký kết Nghị định thư nên từ đầu năm 2023 đến nay, trái cây nước ta bắt đầu tăng tốc xuất khẩu, nhất là trái sầu riêng có đóng góp rất lớn. Bên cạnh đó, chuối, mít cũng tăng trưởng mạnh khi Trung Quốc mở cửa sau một thời gian thực hiện chính sách Zero Covid-19. 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang xem xét cho dừa tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch. Nếu được thông qua trong thời gian tới, xuất khẩu dừa sẽ có nhiều bứt phá. Mới đây, Mỹ cũng vừa cho Việt Nam xuất khẩu trái dừa tươi (loại gọt vỏ xanh và một phần xơ trắng), do đó dự kiến sang năm 2024 mặt hàng dừa tươi chắc chắn sẽ có đột phá. 

"Thứ hai, ngoài việc tăng sản lượng xuất khẩu thì giá trị kim ngạch cũng tăng nhờ giá bán cao. Đáng chú ý là các mặt hàng rau quả chế biến xuất khẩu cũng ngày càng tăng, chiếm khoảng hơn 1 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Nhưng riêng năm nay, mặt hàng trái cây tươi chúng ta xuất khẩu mạnh hơn" - ông Nguyên cho biết. 

Theo ông Nguyên, các doanh nghiệp cũng thích xuất khẩu ở dạng tươi hơn vì chỉ trong vòng 1 tháng là có thể thu hồi vốn, lại không mất nhiều chi phí lưu kho, chế biến... Nhưng rau quả tươi thì không đi thị trường xa như hàng chế biến vì khó bảo quản. 

"Dự tính từ nay tới cuối năm, xuất khẩu rau quả tiếp tục thuận lợi. Theo số liệu 9 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng chúng ta xuất khẩu 450 - 500 triệu USD, còn 3 tháng nữa chúng tôi dự kiến ít nhất kim ngạch sẽ đạt 1,2 tỷ USD. Như vậy chắc chắn kim ngạch xuất khẩu trái cây cả năm sẽ đạt hơn 5 tỷ USD, thậm chí có khả năng đạt 5,5 tỷ USD do vào cuối năm thị trường "ăn" hàng nhiều hơn. 

Đơn cử, lúc đó Trung Quốc bước vào mùa đông, cây trái ít hơn nên họ sẽ có nhu cầu thu mua nhiều hơn. Đặc biệt các loại thanh long, chuối, mít dịp cuối năm thường bán rất chạy" - ông Nguyên nói với Dân Việt. 

Điều ông Nguyên lo ngại là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh ở chính các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây trong nước, mà chủ yếu là kiểu "chen ngang". Một số đơn vị không tham gia từ đầu, không có kí kết với nông dân, không có vùng nguyên liệu hay nhà máy nhưng thấy giá sầu riêng tăng cao thì nhảy vô. Làm kiểu "ăn xổi" nên họ vào vườn của nông dân thu mua sầu riêng, phá giá thị trường không cần biết tới các doanh nghiệp khác. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn tác động xấu tới thị trường. 

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thị trường Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo tình trạng lấy cắp mã số vùng trồng; đóng hàng non (không đạt chỉ tiêu về độ chín), chỉ tiêu về kiểm dịch thực vật... 

"Tôi khẳng định là bạn hàng Trung Quốc làm rất cẩn thận, theo dõi mã số, dự báo sản lượng hết sức chặt chẽ nên khi có sự gian lận là họ biết ngay. Thương lái Trung Quốc đã bao năm đi thu mua nông sản ở Việt Nam, lùng sục khắp các vựa cây ăn trái nên họ thừa biết vườn nào có gì... Nếu chúng ta làm ăn không quy củ thì sẽ là tự mình hại mình..." - ông Nguyên nhấn mạnh. 

Ước tính quý III và quý IV/2023, cả nước có khoảng gần 7,6 triệu tấn trái cây chủ lực các loại đưa ra tiêu thụ. Trong khi đó, theo thông lệ hàng năm, xuất khẩu hàng rau quả thường đạt mức cao trong các tháng cuối năm nhờ nhu cầu thị trường tăng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem