Loại trừ hiểm họa từ... chuột

Thứ hai, ngày 08/06/2015 06:15 AM (GMT+7)
Nói đến tác hại của chuột thì ai cũng biết, chúng là loài ăn tạp, thức ăn chính là các loại chất bột như: Lúa, ngô, khoai, sắn. Một phần chất xanh như các loại mầm, thân, lá, củ, hoa, quả, hạt, rễ… Nhất là loại chuột đồng có thể cắn phá cây trồng, nông sản bằng 100 lần trọng lượng thức ăn cần thiết cho chúng. 
Bình luận 0
Chuột phá hoại  sản xuất nông nghiệp

Chuột sinh sản quanh năm, nhưng sinh sản nhiều nhất vào tháng 4, 5 và tháng 8, 9 từ khi lúa làm đòng đến chín. Vụ mùa chuột sinh sản nhiều hơn vụ xuân. Số lượng chuột tăng dần từ đầu năm đến cuối năm, đạt đỉnh cao vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 và cao nhất vào tháng 10.

img

Người dân săn bắt chuột bằng bẫy bán nguyệt.

Sự biến động của quần thể chuột liên quan đến thời điểm diệt chuột. Diệt chuột tốt nhất vào thời gian giữa 2 vụ và đầu vụ kế tiếp như tháng 1, 2 3, cuối tháng 6, tháng 7-8, hoặc cuối tháng 10 - 11 (vụ đông). Đặc biệt diệt được 1 con chuột đầu vụ xuân bằng hàng trăm con ở các vụ sau (vụ mùa, vụ đông).

Chuột nhiều và hoạt động mạnh ở những nơi cư trú hoặc đầu hang như gò cao, nghĩa địa, đường mương lớn, nhất là những nơi có cây bụi. Những nơi có nhiều hang ổ, dấu chân, lông, phân chuột, nơi cây trồng, đồ vật bị cắn phá nhiều là dấu hiệu có nhiều chuột. Việc diệt chuột cũng phải tập trung vào những địa điểm và dấu hiệu trên.

Chuột rất tinh nhanh, đa nghi, hay nhát bả, sợ mồi. Cho nên muốn diệt được chúng phải dùng các loại thuốc ít hoặc không mùi và không chết ngay thì chuột mới ăn nhiều và hiệu quả trừ chuột mới cao. Chuột không chỉ gây hại một nơi, mà có thể gây hại nhiều nơi. Cho nên một người, một nhóm người không thể diệt chuột và hạn chế sự gây hại của chuột, mà phải cả cộng đồng diệt chuột.

Đường đi của chuột thường theo một lối cố định ven bờ ruộng có cỏ dại che khuất, nếu gặp vật cản chuột sẽ tránh sang lối khác. Do đó, khi sử dụng các loại bả hoặc các loại bẫy có mồi không nên đặt đúng vào đường đi mà cần phải đặt cạnh đường đi của chuột. Hoặc không nên sử dụng các loại bẫy có tiết diện vật cản lớn.

Nguyên nhân gia tăng chuột

- Do các loài thiên địch của chuột bị suy giảm nghiêm trọng không đủ khả năng khống chế sự gia tăng số lượng chuột. Trong đó, việc sử dụng thuốc hoá học, nhất là thuốc diệt chuột (Trung Quốc) không được phép sử dụng ở Việt Nam, đã làm cho mèo, rắn, cú lợn, cú mèo… bị chết, hoặc việc phá rừng, săn bắt quá mức (làm thức ăn đặc sản hay xuất khẩu lậu ra nước ngoài) những loài này, dẫn tới số lượng thiên địch của chuột bị.

- Do đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, xen canh, gối vụ làm cho nguồn thức ăn trên đồng ruộng luôn dồi dào cả về số lượng và chất lượng, đã tạo điều kiện cho cường độ sinh sản của chuột tăng lên.

- Do công tác phòng trừ chuột của các địa phương chưa mang tính cộng đồng cao, chưa liên tục, chưa hiểu biết nhiều về chuột nên kỹ thuật diệt chuột còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Các giải pháp diệt trừ

Để diệt chuột đạt hiệu quả cao, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Tổ chức cộng đồng diệt chuột:

img

Người dân cầm đuôi chuột quay cho chuột khỏi cắn vào tay trước khi bỏ vào lồng.

Diệt chuột không chỉ có yếu tố kỹ thuật mà phải có yếu tố xã hội, yếu tố cộng đồng. Huy động cộng đồng trực tiếp tham gia diệt chuột, nên thực hiện hình thức giao khoán chỉ tiêu diệt chuột có thưởng phạt đến từng hộ gia đình, gắn trách nhiệm của mọi người với công tác diệt chuột.

Huy động gián tiếp cộng đồng tham gia diệt chuột bằng hình thức xây dựng quỹ diệt chuột cơ sở cùng với tổ chức chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí của chính quyền các cấp, sự tham gia của các ban ngành đoàn thể, trường học và toàn dân.

Phát triển đàn mèo, kết hợp với những quy định chặt chẽ về kinh doanh và sử dụng thuốc hóa học diệt chuột tại cơ sở. Từng bước đưa thuốc diệt chuột an toàn, ít độc cho con người, vật nuôi để thay thế thuốc hóa học độc cấp tính.

Chuyên môn hóa con người và kỹ thuật diệt chuột trên cơ sở thành lập đội chuyên diệt chuột, gắn với trách nhiệm đóng góp của mọi người thông qua xây dựng quỹ diệt chuột và thực hiện với hình thức bảo hiểm theo quy mô thôn đội hoặc HTX.

Mở chiến dịch diệt chuột

Phát động chiến dịch diệt chuột ở thời điểm thích hợp (tốt nhất vào thời gian giữa 2 vụ và đầu vụ kế tiếp) kéo dài ít nhất 1 tuần trở lên.

Áp dụng tổng hợp các biện pháp: Thủ công (đào bắt, sông khói,..); sử dụng thuốc đặc hiệu để diệt chuột.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc diệt chuột. Tuy nhiên, diệt chuột bằng thuốc Ranpart 2%D cho hiệu quả rất cao. Vì, thuốc Ranpart 2%D là thuốc diệt chuột thuộc nhóm “chống đông máu”. Khi thuốc vào cơ thể chuột sẽ gây ra hiện tượng chống đông máu (kể cả đối với người và vật nuôi).

Thuốc Ranpart 2%D chứa 2% chất chống đông máu Wafarin.

Thuốc không có mùi, gây chết chậm, chuột không chết tại chỗ nên không làm chuột tránh bả, cả đàn chuột có thể ăn hết mồi.

Sau khi ăn bả: Chuột bị xuất huyết toàn thân, xù lông, lờ đờ, bò vào hang hoặc nơi kín và chết sau đó 4-7 ngày.

Thuốc ít độc hơn so với nhiều loại thuốc hóa học trước đây (đánh bả theo hướng dẫn chưa thấy có hiện tượng chết vật nuôi).

Sử dụng thuốc Ranpart 2%D:

- Mồi làm bả: Là mộng thóc, mộng ngô, hay thóc luộc, yêu cầu luộc phải nứt vỏ trấu, cứ 1 kg thuốc cần luộc hơn 20kg thóc để được khoảng 35kg mồi.
- Làm bả: Gói thuốc Ranpart 2%D 10gam trộn với khoảng 250-350 gam mồi, mồi khi trộn phải đủ ẩm và trộn đều với thuốc. Nếu làm bả với số lượng lớn: Rải mỏng 3,5 kg mồi lên nylon, giấy, rồi rắc đều 100 gam thuốc,  sau đó đảo đều.
- Liều lượng: Sử dụng trung bình 100 gam bả đặt thành 5-7 phần/sào Bắc Bộ. Tùy theo mức độ hoạt động, mức độ gây hại của chuột mà tăng hoặc giảm lượng bả.
- Địa điểm đặt bả: Trước khi đặt bả cần điều tra nơi có chuột (lối đi, hang có vết chân mới, cây trồng mới bị gây hại) mức độ hoạt động của chuột để rải bả. Đặt bả cạnh đường đi, cạnh nơi chuột đang phá hoại, đặt bả không để bị ngập nước. Phải theo dõi thời tiết để rải bả, tránh bị mưa. Rải bả vào xế chiều, kết thúc trước khi trời tối.
- Thời điểm tốt nhất để dùng thuốc Ranpart 2%D khi cầy ải, lúa ở giai đoạn đẻ nhánh, hoặc đầu vụ đông (khi bắt đầu trồng) ở những vùng trồng cây vụ đông.
Hàng năm, trên thế giới chuột làm tổn thất khoảng 33 triệu tấn ngũ cốc, đủ nuôi sống 130 triệu người. Thái Lan (năm 1989) thiệt hại riêng lúa trước thu hoạch khoảng 230 triệu (USD). Indonesia (năm 1987) thiệt hại khoảng 1 tỷ USD. Ở Việt Nam (năm 2013) diện tích các loại cây trồng bị chuột hại trên 20,3 nghìn ha.

Vạn Xuân (tổng hợp) (Trang Trại Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem