Quay cuồng với chuột phá lúa

Lê Tập Thứ bảy, ngày 04/04/2015 08:34 AM (GMT+7)
Thời tiết  nắng nóng gay gắt, sương mù nhiều, nhiệt độ không khí cao hơn mức trung bình nhiều năm trước là điều kiện thuận lợi cho chuột sinh sôi, nảy nở nhanh chóng. Hàng ngàn ha  lúa xuân ở Nghệ An đang bị chuột  cắn phá hết sức nghiêm trọng. 
Bình luận 0

Chuột hoành hành, ruộng lúa bị phá nát

Vụ lúa đông xuân năm nay, toàn tỉnh Nghệ An gieo cấy hơn 90.371ha lúa với các giống như: IR1820, AC5, BC15, NX30, Xi23 và các giống lúa lai. Với điều kiện khí hậu thuận lợi, mưa ít, thời tiết ấm… là cơ hội cho chuột sinh sôi, phát triển mạnh, hàng ngàn diện tích của nông dân ở huyện Yên Thành, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nam Đàn… bị chuột cắn phá gây thiệt hại lớn.

img
Người dân huyện Yên Thành (Nghệ An) dùng bả sinh học diệt chuột. Ảnh: Lê Tập
Quan sát trên các cánh đồng ở huyện Yên Thành, Diễn Châu… cho thấy, bà con nông dân đang huy động mọi phương án như: Cắm nêu xua đuổi chuột, rào bao nylon quanh ruộng, dùng bẫy, nhử thuốc để hạn chế nạn chuột cắn phá. Vừa cắm những cây nêu xuống ruộng lúa, bà Nguyễn Thị Hương (ở huyện Yên Thành) lo lắng cho biết: “Năm nay không biết chuột ở đâu kéo về nhiều thế, nào là chuột con, chuột cống chạy rình rịch trên bờ cho đến dưới ruộng. Chúng cắn lúa ngã từng loạt, nhìn ruộng lúa mà xót lắm. Tôi phải dùng nào bẫy, nào thuốc vẫn không xuể. Nếu chuột cắn phá mức này thì vụ lúa năm nay sẽ thất thu”.

 

Theo ông Lưu Đức Giao – xóm trưởng xóm Đông Phú, thời điểm này, hầu như ruộng nhà nào cũng bị lũ chuột tấn công. Bà con nông dân đã dùng nêu xua đuổi, bẫy, thuốc, che chắn bằng bờ rào nylon nhưng các cách này chỉ giúp ngăn ngừa một phần nào chứ không tiêu diệt được triệt để.

“Các chú cứ nhìn xuống ruộng là biết, chuột tàn phá đến mức nào, lúa đang thời kỳ trổ đòng mà chuột cắn phá thế này thì chắc chắn sẽ giảm năng suất. Riêng nhà tôi, làm có hơn 2 sào mà bây giờ chuột phá gần hết rồi, chỉ còn khoảng nửa diện tích thì làm sao đủ mà ăn cho đến vụ lúa tiếp theo. Mấy ngày nay, tôi chạy đôn chạy đáo để bẫy, đặt thuốc cho nó không cắn thêm diện tích còn lại nữa”- ông Nguyễn Viết Tính (ở xóm Đông Sơn) mệt mỏi nói.

Chiến dịch diệt chuột toàn tỉnh

Để chủ động hạn chế thiệt hại với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa do nạn chuột phá hoại lúa hiện nay và nhất là những ngày sắp tới khi lúa đang làm đòng, trổ bông, Sở NNPTNT Nghệ An đã xây dựng kế hoạch diệt chuột để bảo vệ vụ mùa 2015. Lãnh đạo Sở NNPTNT Nghệ Anh cũng yêu cầu các phòng nông nghiệp, trung tâm khuyến nông trên địa bàn toàn tỉnh khuyến cáo bà con nông dân hãy dùng mọi biện pháp tiêu diệt chuột từ trong nhà ra ngoài đồng như đào, bẫy, dùng bả làm mồi diệt chuột… để hạn chuột cắn lúa không chỉ trong vụ này mà cả những vụ tiếp theo.

Ông Võ Khắc Diệt – Chủ tịch xã Phú Thành cho biết, vụ này toàn xã gieo cấy 450ha lúa bằng các loại giống BC15, AC5 và một số giống lúa lai. Năm nay không có lũ, các loại rắn độc bắt chuột chết hết… nên chuột sinh sôi nhanh chóng; trên các đồng ruộng chuột cắn phá lúa nghiêm trọng. Trước nạn chuột phá hoại lúa như vậy, UBND đã phát động toàn dân diệt chuột. Các HTX nông nghiệp trong xã đã trích kinh phí khuyến nông hỗ trợ cho bà con mỗi sào 4.000 đồng để mua bã sinh học diệt chuột.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Văn Dương – Trưởng phòng NNPTNT huyện Yên Thành cho biết: “Vụ lúa xuân 2015, chuột xuất hiện cắn phá lúa trên diện rộng. Trước tình hình đó, phòng đã chỉ đạo UBND các xã phát động phong trào diệt chuột trong toàn dân. Bởi thế, rất được bà con nông hưởng ứng, chuột cắn phá lúa cũng có xu hướng giảm dần”.

Cách phòng, chống chuột

1. Tuyên truyền người dân ý thức ra quân đồng loạt, liên tục và đều khắp để diệt chuột hiệu quả, bảo vệ cây trồng. Tuyên truyền vận động tới người dân tích cực diệt chuột; nuôi chó, mèo và bảo vệ thiên địch của chuột.

2. Biện pháp thủ công:
-  Vệ sinh đồng ruộng để hạn chế nơi cư trú của chuột bằng cách: Phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ven mương, bờ ruộng, tìm và phá các ổ chuột ở bờ ruộng ngay từ đầu vụ, dọn sạch rơm rạ, không để hoang hóa đồng ruộng.
-  Săn bắt chuột bằng biện pháp thủ công như: Đào hang, đổ nước bắt chuột, xông khói, kết hợp với sử dụng chó và sử dụng các loại bẫy.

3. Biện pháp sinh học:
Bả diệt chuột sinh học thường chỉ bảo quản, sử dụng được trong thời gian ngắn nên khi sử dụng cần lưu ý kiểm tra kỹ hạn sử dụng và phải sử dụng ngay sau khi mua về; vận động nhân dân nuôi chó, mèo và bảo vệ thiên địch của chuột trên đồng ruộng…

4. Biện pháp hóa học:
Sử dụng các loại thuốc diệt chuột trong danh mục cho phép và chấp hành nghiêm ngặt theo hướng dẫn. Có thể sử dụng thuốc Storm 0,005%, Rat-Kill 2% DP... Tuyệt đối không được dùng điện và thuốc Phosphine để diệt chuột với bất kỳ hình thức nào.  
               
Anh Thư 
Hơn 7.000ha lúa bị chuột phá hoại

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), từ đầu vụ đông xuân tới nay, đã có hơn 7.000ha lúa bị chuột phá hoại, tăng 1.268ha so với kỳ trước và 872ha so với thời điểm này năm trước. Trong đó, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị chuột phá hoại 1.356ha,  duyên hải miền Trung 1.891ha; Bắc Trung Bộ 2.021ha… Nguyên nhân chủ yếu do bước vào vụ xuân, chuột sinh sôi nảy nở mạnh, việc xuống giống đồng loạt cũng tạo điều kiện cho chuột có nhiều nơi trú ngụ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem