Loạt công ty con và các dự án nghìn tỷ trong "đế chế" Tập đoàn Phúc Sơn giờ ra sao?

O.L Chủ nhật, ngày 10/03/2024 06:05 AM (GMT+7)
Tại Quảng Ngãi, Tập đoàn Phúc Sơn cùng các công ty thành viên có 4 dự án, tất cả đều có số vốn lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng đến nay phần lớn là chậm tiến độ nhiều năm.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan; Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa,...

Trước đó, ngày 26/2, ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam để điều tra tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng tội danh, C03 bắt ba cán bộ ở Tập đoàn Phúc Sơn là Nguyễn Thị Hằng (47 tuổi, Phó tổng giám đốc), Đỗ Thị Mai (kế toán trưởng), Hoàng Thị Tuyết Hạnh (kế toán viên) và Trần Hữu Định (Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Á Group), Nguyễn Hồng Sơn (lao động tự do).

Loạt dự án lớn trong hệ sinh thái Tập đoàn Phúc Sơn hiện ra sao?

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Phúc Sơn có những công ty thành viên liên quan như: Công ty CP Thăng Long Bàu Giang, Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt, Công ty CP Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long, Công ty TNHH MTV Khu đô thị Bàu Giang.

Tại Quảng Ngãi, Tập đoàn Phúc Sơn cùng các công ty thành viên có 4 dự án, tất cả đều có số vốn lớn, một số chậm tiến độ nhiều năm.

Các dự án này gồm: Dự án đường bờ nam sông Trà Khúc (tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, thời điểm năm 2012), khu đô thị Bàu Giang (3.318 tỷ đồng), khu đô thị công nghiệp Dung Quất (2.000 tỷ đồng) và dự án nhà máy nước Quảng Ngãi (540 tỷ đồng).

Loạt công ty con và các dự án nghìn tỷ trong "đế chế" Tập đoàn Phúc Sơn giờ ra sao?- Ảnh 1.

Dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc. Ảnh NLĐ

Trước đó, năm 2017, Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt (thành viên của Tập đoàn Phúc Sơn) còn chi 145 tỷ đồng "thâu tóm" Công ty CP Cấp thoát nước và xây dựng Quảng Ngãi. Hiện vốn góp của Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt tại Công ty CP Cấp thoát nước và xây dựng Quảng Ngãi là 72,55%; UBND tỉnh Quảng Ngãi giữ 23,36%, phần còn lại của cổ đông khác.

Trong số 4 dự án ở Quảng Ngãi, chỉ có dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc đã đưa vào sử dụng và có hiệu quả.

Trong khi đó, dự án khu đô thị công nghiệp Dung Quất (tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) do Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt làm chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2016. Dự án này được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 gồm giai đoạn 1A với diện tích hơn 151 ha và giai đoạn 1B hơn 167ha; giai đoạn 2 có diện tích gần 177ha - tổng mức đầu tư 2.025 tỷ đồng.

Tại Dự án khu đô thị công nghiệp Dung Quất, tọa lạc tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - Dự án do Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt làm chủ đầu tư. Dự án này đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào năm 2016. Dự án được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1A với diện tích hơn 151 ha và giai đoạn 1B với hơn 167 ha; giai đoạn 2 có diện tích gần 177 ha, tổng mức đầu tư lên đến 2.025 tỷ đồng.

Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn là bãi đất trống, được người dân tận dụng chăn thả trâu, bò. Đáng chú ý, khi dự án mới triển khai, tỉnh Quảng Ngãi đã tạm ứng 130 tỷ đồng để hỗ trợ chủ đầu tư trong việc chi trả tiền bồi thường và giải phóng mặt bằng.

Song song đó, tại dự án khu đô thị công nghiệp Dung Quất, vào năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định cấp chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt triển khai dự án nhà máy nước Quảng Ngãi. Dự án này có diện tích gần 14 ha và nằm tại xã Nghĩa Kỳ và Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, với tổng vốn đầu tư là 540 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án được dự kiến hoàn thành và đi vào vận hành vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, thực tế dự án vẫn đang gặp khó khăn và chưa đi vào hoạt động như dự kiến.

Bất động sản Thăng Long tăng vốn điều lệ chóng mặt

Một thành viên khác của Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn là Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long. Công ty thành lập ngày 24/5/2017 với ngành nghề kinh doanh chính là "Khai thác, xử lý và cung cấp nước", chứ không phải kinh doanh bất động sản.

Thông tin này cũng phù hợp với "xuất phát điểm" của công ty. Ở thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ của Thăng Long chỉ là 3 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ sau thời gian ngắn, vốn điều lệ của Bất động sản Thăng Long tăng chóng mặt, nhảy vọt từ 3 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng trong vòng nửa năm...

Loạt công ty con và các dự án nghìn tỷ trong "đế chế" Tập đoàn Phúc Sơn giờ ra sao?- Ảnh 3.

Cụ thể, tới ngày 12/10/2017, bước ngoặt của công ty xuất hiện khi ông Nguyễn Văn Hậu trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Thăng Long.

Bất động sản Thăng Long là chủ đầu tư Dự án đầu tư Khu đô thị thương mại Vĩnh Tường – Giai đoạn 1, tại Xã Tân Tiến, xã Lũng Hòa, xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Vào gần cuối tháng 12/2023, sau thời gian thực hiện các thủ tục theo quy định, cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi đã trao quyết định chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị Bàu Giang, nằm trên địa bàn huyện Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi, cho Bất động sản và Thương mại Thăng Long. Dự án có tổng diện tích hơn 49ha, tổng mức đầu tư 3.318 tỷ đồng, đến nay vẫn là bãi đất trống hoang hóa.

Hệ sinh thái của ông Nguyễn Văn Hậu có liên quan đến Khu đô thị Bàu Giang không chỉ có Tập đoàn Phúc Sơn và, Công ty Thăng Long mà còn có Công ty TNHH MTV Khu đô thị Bàu Giang.

Công ty Khu đô thị Bàu Giang có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, chủ sở hữu là Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt. Tới năm 2019, ông Nguyễn Văn Hậu trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty. Đến tháng 12/2018, ông Nguyễn Văn Hậu thay ông Dương là đại diện của Khu đô thị Bàu Giang. Tại tháng 5/2019, doanh nghiệp tăng vốn lên 250 tỷ đồng.

Tập đoàn Phúc Sơn từng "gây tiếng vang" khi UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi Tập đoàn Phúc Sơn về việc thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 11.994 tỷ đồng tại dự án khu trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang (sân bay Nha Trang cũ).

Tập đoàn Phúc Sơn đã sở hữu hàng loạt bất động sản đình đám tại tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ như: Khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn quy mô 130ha; Khu nhà ở 15 tầng cho người có thu nhập thấp tại Vĩnh Yên; Khu đô thị hai bên đường Phù Đổng (Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) với quy mô 149 ha,...

Ngoài các dự án bất động sản, Tập đoàn Phúc Sơn còn trúng thầu xây dựng một số công trình: Đường bờ Nam sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) có vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, Dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng với tổng số vốn hơn 1.500 tỷ đồng,...

Tập đoàn Phúc Sơn cũng là nhà thầu chính trong việc tu bổ nâng cấp khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Ƭhọ.

Tập đoàn Phúc Sơn tiến quân vào phía Nam với dự án BT sân bay Nha Trang cũ. Cụ thể, Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện 3 dự án hạ tầng. Đổi lại, tỉnh này sẽ giao 62,3ha phân khu 2A, phân khu 2 và phân khu 3 ở Sân bay Nha Trang cũ để Phúc Sơn thực hiện dự án khu trung tâm đô thị thương mại dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem