Hé lộ hệ sinh thái khủng của Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu

O.L Thứ năm, ngày 29/02/2024 11:45 AM (GMT+7)
Trái ngược với quy mô tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong năm 2020 và 2021 CTCP Tập đoàn Phúc Sơn của Chủ tịch Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo) bị lỗ lần lượt 17 tỷ và 18 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Hậu còn là đại diện của nhiều pháp nhân có vốn khủng khác...
Bình luận 0

Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn bị bắt

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long cùng các đơn vị liên quan.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Hậu (tên thường gọi "Hậu Pháo"), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và 5 nhân viên khác gồm Nguyễn Thị Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn), Đỗ Thị Mai (kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn), Hoàng Thị Tuyết Hạnh (kế toán viên Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn), Trần Hữu Định (Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Á Group) và Nguyễn Hồng Sơn (lao động tự do).

Hé lộ hệ sinh thái khủng của Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu.

Theo điều tra ban đầu, những cá nhân trên đã có các hành vi giả mạo, khai man, để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, tài sản liên quan gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước, phạm vào khoản 3, điều 221 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn các quyết định, lệnh tố tụng nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt, triển khai thực hiện đúng quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục khẩn trương điều tra xác minh, củng cố tài liệu chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố, hành vi của các đối tượng liên quan, xác minh tài sản để thu hồi, kê biên triệt để theo đúng quy định của pháp luật.

Tập đoàn Phúc Sơn có gì?

Tập đoàn Phúc Sơn được thành lập vào ngày 4/8/2009, trụ sở chính tại xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỷnh Vĩnh Phúc, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Hậu (SN 1981).

Doanh nghiệp từng nhiều lần thay đổi vốn điều lệ, thậm chí có thời gian có mức vốn khủng lên tới 4.000 tỷ đồng. Thời điểm mới thành lập, Phúc Sơn có vốn điều lệ ở mức 129,8 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm ông Nguyễn Văn Hậu góp 84,6%, bà Ngô Thị Thanh Nhàn góp 11,5% vốn và ông Nguyễn Thanh Tùng góp 3,9% vốn.

Tại thay đổi vào tháng 1/2015, Tập đoàn Phúc Sơn đã tăng vốn điều lệ từ gần 130 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Đến tháng 11/2015, Phúc Sơn tiếp tục tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng.

Hé lộ hệ sinh thái khủng của Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu - Ảnh 2.

CTCP Tập đoàn Phúc Sơn. Ảnh Báo Lao Động

Tại thay đổi vào tháng 2/2017, Tập đoàn Phúc Sơn tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Trong đó, Nguyễn Văn Hậu nắm giữ 99% cổ phần, cổ đông Ngô Thị Thanh Nhàn góp 0,75% và Nguyễn Thanh Tùng góp 0,25%.

Tại tháng 3/2021, doanh nghiệp giảm vốn điều lệ xuống 1.930 tỷ đồng. Đáng lưu ý, tại thay dổi vào tháng 5/2022, Tập đoàn Phúc Sơn bất ngờ điều chỉnh vốn điều lệ từ 4.000 tỷ đồng xuống 1.600 tỷ đồng.

Phúc Sơn được biết đến với nhiều dự án lớn như: Khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn (Vĩnh Tường) với quy mô 130 ha; khu nhà ở cho người có thu nhập thấp 15 tầng (Vĩnh Yên); khu đô thị hai bên đường Phù Đổng (Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) với quy mô 149 ha.

Ngoài các dự án bất động sản, Tập đoàn Phúc Sơn còn trúng thầu xây dựng một số công trình nghìn tỷ như: Đường bờ Nam sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) có vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, Dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng với tổng số vốn hơn 1.500 tỷ đồng...

Tập đoàn Phúc Sơn cũng là nhà thầu chính trong việc tu bổ nâng cấp khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Ƭhọ.

Năm 2013, Tập đoàn Phúc Sơn quyết định đầu tư vào Nha Trang với dự án BT sân bay Nha Trang cũ. Tập đoàn này triển khai 3 dự án hạ tầng, và như phần đối đáp, tỉnh này chuyển nhượng 62,3ha thuộc phân khu 2A, phân khu 2 và phân khu 3 tại Sân bay Nha Trang cũ cho Phúc Sơn thực hiện dự án khu trung tâm đô thị thương mại dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.

Dự án này được phân chia thành 1.300 lô đất nhà ở và hàng trăm căn biệt thự đơn lập, với tổng vốn đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này cũng là nguồn gốc của nhiều tranh cãi và "lùm xùm" pháp lý đối với doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính cho thấy, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Phúc Sơn giai đoạn 2017-2021 không mấy tươi sáng. Năm 2017 ghi nhận lãi sau thuế đạt 37,6 tỷ đồng, nhưng sau đó, 2018 lãi chỉ còn 200 triệu đồng và giảm sâu xuống năm 2019 chỉ còn 80 triệu đồng. Đáng lưu ý, doanh nghiệp lần lượt ghi nhận lỗ 17 tỷ và 18 tỷ đồng trong năm 2020 và 2021.

Tổng tài sản của Tập đoàn Phúc Sơn giai đoạn 2017-2021 tăng mạnh từ 2.785 tỷ đồng lên 7.587 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tới cuối năm 2021 là 1.896 tỷ đồng

Đặc biệt, vào giữa năm 2019, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phát đi văn bản yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục kiểm tra để xác định có hay không tình trạng vi phạm trong giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản tại dự án. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong cuộc kiểm tra tháng 3/2018, chủ đầu tư dự án, Tập đoàn Phúc Sơn, đã đưa bất động sản của dự án vào kinh doanh và thu tiền từ khách hàng khi chưa đủ điều kiện.

Ngày 30/6/2021, Thanh tra Chính phủ đã công bố thông báo kết luận thanh tra về việc tuân thủ chính sách, pháp luật liên quan đến các dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại các dự án khu vực sân bay Nha Trang, trong đó có hàng loạt sai phạm liên quan đến các dự án của Tập đoàn Phúc Sơn.

Tháng 8/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phát đi văn bản yêu cầu Tập đoàn Phúc Sơn khẩn trương nộp gần 12.000 tỷ đồng để thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Khu trung tâm đô thị - Thương mại - Tài chính - Du lịch Nha Trang.

Hệ sinh thái của ông Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn

Dữ liệu cho thấy, ông Nguyễn Văn Hậu còn là đại diện của nhiều pháp nhân khác. Tại CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại Phúc Khánh (thành lập 6/2014), ông Nguyễn Văn Hậu cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và là người đại diện. Công ty thành lập vào tháng 6/2014, hoạt động chính là khai thác đá, cát, sỏi, đất sét. Vốn điều lệ khi thành lập là 100 tỷ đồng đồng, trong đó ông Hậu góp tới 80%, Phan Văn Vị góp 5% và Ngô Thanh Nhàn góp 15%.

CTCP Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long thành lập tháng 5/2017, ngành nghề hoạt động chính là xây dựng nhà các loại. Vốn điều lệ khi thành lập ở mức 3 tỷ đồng. Đến tháng 12/2017, công ty tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng. Sau nhiều lần thay đổi người đại diện, vào đầu năm 2022, ông Hoàng Quang Hùng trở thành người đại diện pháp luật của Bất động sản Thăng Long, thay thế ông Nguyễn Văn Hậu.

Công ty TNHH MTV Khu đô thị Bàu Giang (thành lập tháng 12/2018) có ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Vốn điều lệ khi thành lập đạt 20 tỷ đồng, tại đăng ký mới cho thấy chủ sở hữu của doanh nghiệp là CTCP Hoàng Thịnh Đạt. Đại diện khi này là ông Hoàng Văn Dương (SN 1971). Đến tháng 12/2018, ông Nguyễn Văn Hậu thay ông Dương là đại diện của Khu đô thị Bàu Giang. Tại tháng 5/2019, doanh nghiệp tăng vốn lên 250 tỷ đồng.

Ông Hậu đồng thời là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Công nghiệp Phúc Sơn, một doanh nghiệp thành lập vào tháng 3/2021. Công ty có vốn điều lệ đạt mức 70 tỷ đồng. Trong tổng số này, Tập đoàn Phúc Sơn đã đóng góp 68 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 97,14% vốn của doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem