Dự án 2-3 năm chưa "động tĩnh"
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hầu hết các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện 6 (giai đoạn 2006-2010) đến nay đều bị chậm tiến độ như các nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ, Pleikrông, Bản Vẽ…; Nhà máy Điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2; các nhà máy nhiệt điện: Uông Bí (mở rộng 1), Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Vũng Áng 1, Sơn Động, Mạo Khê, Nông Sơn, Ô Môn 1.
|
Xây đập và cống dẫn dòng Thủy điện Đakđrinh (Quảng Ngãi)- dự án do Tập đoàn Điện khí Dongfang (Trung Quốc) thực hiện. |
Đặc biệt, các dự án điện do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận như: Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Mạo Khê, Thái Nguyên, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc như Kiên Lương… đều bị chậm; có những dự án đến nay chưa triển khai, chậm tiến độ từ 2 - 3 năm.
Lý do chậm, do năng lực nhà thầu yếu, thiếu kinh nghiệm và không thu xếp được tài chính. Nhà thầu hứa cung cấp đủ vốn cho dự án, nhưng thực chất là thiếu công nghệ, thiết bị không đồng bộ.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN nói thẳng: "Chất lượng thiết bị của Trung Quốc không bằng thiết bị của các nước phát triển, do đó dẫn đến việc triển khai các dự án vừa chậm trong xây dựng vừa chậm trong quá trình hoàn chỉnh để đưa dự án vào vận hành".
Cả nước hiện có gần 20 dự án nhiệt điện do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận, như: Hải Phòng 1, 2; Sơn Động, Cao Ngạn, Cẩm Phả 1, 2; Quảng Ninh 1, 2, Mạo Khê, Vĩnh Tân 2, Kiên Lương… đều bị chậm.
Các dự án nhà thầu Trung Quốc trúng thầu họ đều đưa toàn bộ người Trung Quốc sang làm, không thuê kỹ sư, công nhân của VN, do đó không tận dụng được lao động nội lực, tạo công ăn việc làm cho các địa phương có dự án.
Thực tế, hiện nay rất nhiều dự án điện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ, thiết bị, vật liệu của Trung Quốc. Nhiều vấn đề nảy sinh đối với các dự án điện mà nhà đầu tư chọn nhà thầu EPC Trung Quốc, như bị chậm tiến độ và đã có trường hợp, nhiều sự cố xảy ra trong quá trình vận hành do sử dụng thiết bị và công nghệ Trung Quốc.
Chỉ nên cho tham gia hạng mục phụ?
Theo Quy hoạch điện 7 được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu từ nay đến năm 2020 là phải xây dựng được 75.000 MW điện. Hiện tại, chúng ta mới có khoảng 24.000 MW, trong 10 năm nữa, chúng ta phải xây dựng gấp 3 lần số công suất điện hiện có, nếu tính đến năm 2030 tổng công suất điện cả nước là 146.800 MW.
Những con số này nói lên tầm quan trọng trong việc đầu tư xây dựng các nhà máy phát điện. Nếu để tình trạng điều hành, quản lý, xây dựng cùng với các chính sách, chế độ như từ trước đến nay thì Quy hoạch điện 7 không thể thực hiện được như ý muốn.
Trong văn bản kiến nghị của mình, Hiệp hội Năng lượng đã kiến nghị Chính phủ: Đối với các dự án nguồn điện, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi một số điều trong Luật Đấu thầu theo hướng cho phép chủ đầu tư lựa chọn thiết bị có chất lượng cao, nhà thầu EPC có kinh nghiệm và khả năng tài chính từ các nước công nghiệp phát triển, chứ không chỉ từ Trung Quốc.
"Chúng ta cần phát huy khả năng của các đơn vị tư vấn ngành năng lượng của VN đảm bảo lựa chọn được thiết bị có chất lượng tốt nhất, giá cả hợp lý. VN nên động viên, khuyến khích các nhà thầu, các nhà đầu tư trong nước kể cả tư nhân có vốn, đủ điều kiện liên danh, liên kết với nước ngoài (nên là các nước G7, châu Âu) để đầu tư phát triển mạnh các nguồn nhiệt điện. Khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào VN, nếu xét thấy họ có đủ năng lực, kinh nghiệm, tài chính nên lựa chọn các nhà đầu tư các nước phát triển (châu Âu, hoặc G7)"-ông Ngãi nói thêm.
Theo ông Ngãi, với tốc độ tăng trưởng nêu trên của Quy hoạch điện 7, gấp 3 - 4 lần hiện nay, Chính phủ nên cho các nhà đầu tư nước ngoài khác (ngoài Trung Quốc) tham gia càng nhiều càng tốt. Chỉ nên cho (nhà thầu Trung Quốc) tham gia các hạng mục phụ trợ nếu như họ trúng thầu theo quy định. Cuối cùng là phải quy định nhà thầu nước ngoài thắng thầu hay được chỉ định thầu phải sử dụng các kỹ sư cũng như người lao động của VN.
Ông Tạ Văn Hường - nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương)
Việc để nhiều nhà thầu Trung Quốc không đủ năng lực đầu tư các dự án năng lượng tại VN sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đảm bảo năng lượng quốc gia. Khi còn đương chức, nhiều kiến nghị của tôi về vấn đề này đã không được các cấp trên chấp nhận.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Nếu các nhà thầu Trung Quốc yếu kém thì chúng ta nên sớm chuyển dự án sang cho nhà đầu tư khác để tránh những tổn thất kinh tế ngày một lớn. Dự án DAP Đình Vũ là điển hình của việc nhà thầu Trung Quốc yếu kém. Dự án đã bị phạt 6 triệu USD do thi công chậm tiến độ, sản phẩm sản xuất ra không đạt tiêu chuẩn như thiết kế ban đầu. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải có những giải pháp mạnh mẽ với các dự án có nhà thầu yếu kém, không thể để họ làm thế nào cũng được.
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.