Loạt quan chức Myanmar hứng đòn từ Mỹ, EU, biểu tình dâng cao
Loạt quan chức Myanmar hứng đòn từ Mỹ-EU, biểu tình tiếp tục dâng cao
Minh Nhật
Thứ ba, ngày 23/03/2021 10:35 AM (GMT+7)
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức Myanmar trong bối cảnh người biểu tình Myanmar vẫn tiếp tục xuống đường phản đối chính quyền quân sự nắm quyền lãnh đạo đất nước.
EU đã công bố đòn trừng phạt trên 11 quan chức Myanmar, trong đó có 10 sĩ quan quân đội hàng đầu. Hầu hết những nhân vật này đều đã bị Mỹ trừng phạt. Trong khi đó, chính quyền Biden nhắm vào 2 quan chức cấp cao của Myanmar - bao gồm Cảnh sát trưởng quốc gia - và hai đơn vị quân đội tham gia trấn áp các cuộc biểu tình.
10 trong số 11 đối tượng bị EU đóng băng tài sản và cấm đi lại là các thành viên cấp cao của Lực lượng vũ trang Myanmar. Họ bao gồm Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing và Phó Tổng tư lệnh Soe Win. Người thứ 11 bị trừng phạt là người đứng đầu ủy ban bầu cử của Myanmar. Vị quan chức này đã hủy bỏ cuộc bầu cử năm ngoái.
Trong một hành động riêng biệt nhưng có sự phối hợp với EU, Bộ Tài chính Mỹ ngày 22/3 thông báo trừng phạt cảnh sát trưởng Myanmar Than Hlaing và tư lệnh Cục Tác chiến đặc biệt, trung tướng Aung Soe. Động thái này sẽ đóng băng tất cả tài sản của hai người ở Mỹ (nếu có) và ngăn các doanh nghiệp, cá nhân Mỹ làm ăn với họ.
Danh sách đen của Bộ Tài chính Mỹ cũng được bổ sung thêm Sư đoàn bộ binh 77 và Sư đoàn bộ binh 33 của quân đội Myanmar. Theo Reuters, đây là hai sư đoàn đã được triển khai để "đàn áp" các cuộc biểu tình ở Yangon và Mandalay, thành phố lớn nhất và lớn thứ hai của Myanmar.
Sư đoàn bộ binh 33 là một trong các đơn vị quân đội tinh nhuệ của Myanmar đã từng bị Mỹ trừng phạt vào năm 2017. Đơn vị này từng tham gia chiến dịch quân sự dẫn tới cuộc khủng hoảng tị nạn của người Rohingya.
"Những hành động này thể hiện sự lên án của cộng đồng quốc tế đối với chế độ và cam kết đối với người dân Myanmar", Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định, đồng thời cảnh báo sẽ có thêm các hành động đối với chính quyền quân sự.
Biểu tình ở Myanmar vẫn dâng cao
Đám đông biểu tình chống lại chính quyền quân sự ở Myanmar ngày 22/3 tiếp tục tuần hành khắp các thành phố ở đất nước này, một ngày sau khi 8 người biểu tình bị bắn chết và hơn 50 người bị thương ở TP.Mandalay.
Nhiều người dân, bao gồm cả giáo viên, diễu hành qua các con đường ở Mandalay, một số mang theo biểu ngữ kêu gọi LHQ can thiệp cuộc khủng hoảng.
Ngay từ sáng sớm 22/3, các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở TP.Yangon. Tại các khu trung tâm của Yangon, nhiều tài xế bóp còi xe ô tô để đáp lại lời kêu gọi trên mạng xã hội nhằm đánh dấu 1 tháng nổ ra biểu tình phản đối quân đội đảo chính, theo Reuters.
Quân đội Myanmar ngày 1/2 tiến hành cuộc đảo chính chớp nhoáng, bắt bà Suu Kyi cùng nhiều quan chức chính quyền dân sự, với cáo buộc đã xảy ra tình trạng gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái. Hàng trăm nghìn người Myanmar xuống đường biểu tình phản đối đảo chính gần như mỗi ngày kể từ đó, kêu gọi quân đội thả bà Suu Kyi và tôn trọng kết quả bầu cử.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, ít nhất 250 người đã thiệt mạng và hơn 2.600 người bị bắt trong các hoạt động trấn áp biểu tình của lực lượng an ninh.
Myanmar bắt hai doanh nhân Australia
Chính quyền quân sự Myanmar bắt hai công dân Australia bị cáo buộc tìm cách rời khỏi nước này trên một chuyến bay cứu trợ.
Matthew O'Kane và Christa Avery, trong đó Avery mang hai quốc tịch Canada - Australia, được cho là đang bị quản thúc tại gia sau khi bị bắt trong lúc tìm cách rời Myanmar trên chuyến bay cứu trợ hôm 19/3. Hai người đang điều hành một doanh nghiệp tư vấn nhỏ ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar.
Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia xác nhận đang hỗ trợ lãnh sự hai công dân bị bắt ở Myanmar, nhưng không nêu lý do họ bị bắt cũng như từ chối bình luận thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.