Loạt sao Việt bênh vực khi Bùi Tiến Dũng bị 'ném đá' vì trình diễn thời trang

Thứ tư, ngày 25/04/2018 19:50 PM (GMT+7)
Việc tham dự trình diễn thời trang đã khiến Bùi Tiến Dũng bị nhận những lời bình luận ác ý. Ngay sau đó, nhiều sao Việt đã lên tiếng bảo vệ cầu thủ bóng đá này.
Bình luận 0

Cách đây ít ngày, Bùi Tiến Dũng gây chú ý khi bất ngờ trình diễn catwalk tại Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (VIFW). Sự xuất hiện của "thủ môn quốc dân" khiến khán giả tán thưởng, nhưng cũng có rất nhiều phản ứng trái chiều, phán xét.

img

Bùi Tiến Dũng lần đầu thử sức đi catwalk.

Nhiều khán giả không chỉ phán xét Tiến Dũng mà còn chỉ trích những người thân của anh, đặc biệt là bố mẹ. Điều này đã khiến Bùi Tiến Dũng cảm thấy thất vọng.

"Nhiều người rất nặng nề. Nếu có nói hãy nói trực tiếp đến tôi, đừng xúc phạm đến những người thân của tôi. Tôi cảm thấy tổn thương", Bùi Tiến Dũng rơi nước mắt khi nhắc đến những bình luận ác ý trên mạng.

img

Bùi Tiến Dũng rơi nước mắt vì những bình luận ác ý của cư dân mạng. Sao Việt cũng lên tiếng bảo vệ cầu thủ này.

Trước sự chỉ trích của một số cư dân mạng dành cho Bùi Tiến Dũng, nhiều sao Việt như MC Nguyên Khang, Trang Trần, Minh Tiệp, Hoàng Bách... đã lên tiếng bảo vệ cầu thủ này

img

Dòng status của MC Nguyên Khang 

MC Nguyên Khang đăng tải một status khá dài để động viên Bùi Tiến Dũng: "Mới đây khi đọc bài viết về thủ môn Bùi Tiến Dũng rơi nước mắt trước những bình luận ác ý của cư dân mạng về việc anh xuất hiện trong vai trò người mẫu kết show của một thương hiệu thời trang Việt, tôi chợt thấy đắng lòng và đồng cảm với em. Vì sao người ta có thể cho mình cái quyền đi phán xét người khác khi họ muốn thử sức ở một lĩnh vực nào đó không phải sở trường của mình?

Ngày nhỏ, tôi chưa bao giờ thích kiểu áp đặt một người đi theo yêu cầu của người khác. Vì vậy, tôi không ủng hộ cái ý kiến đám đông hà hiếp một người chỉ vì họ xuất hiện ở một vai trò khác. Bạn có thể tung hô họ như một người hùng, rồi bạn lại dùng chính lời nói của mình để “đâm thẳng tim” của họ và bằng những lời bình luận ác ý đến họ và người thân của họ.

Có bao giờ bạn tự hỏi rằng, nếu người khác làm điều đó với bạn thì bạn sẽ thế nào? Một bạn sinh viên vì đam mê âm nhạc, muốn thì vào nhạc viện, nhưng bị phản đối vì đám đông cho rằng cái ngành đó không phải nghề của bạn, bạn phải đi học kỹ thuật hay xã hội. Tôi nghĩ chẳng có gì phải cấm cản hay chê trách họ. Hãy để họ tự làm điều họ muốn, thất bại cũng là một bài học, đâu phải cứ thành công là không được trải nghiệm cái khác. Chúng ta còn trẻ, chúng ta nên cho mình những cơ hội khác. Người ta còn phải tự tạo cơ hội cho chính mình nữa mà, sao lại từ chối một cơ hội có thể trở thành một cơ hội lớn trong tương lai.

Tôi luôn thích sự trải nghiệm, vì chính sự trải nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nó giúp con người có được kinh nghiệm, khả năng tích luỹ kỹ năng, có thể giúp họ học được nhiều thứ, trong đó quan trọng là bản lĩnh. Bùi Tiến Dũng có quyền bước trên sân khấu. Anh thử sức với vai trò mới, chưa kể là rất nhiều cầu thủ cũng từng sải bước trên sàn catwalk như Ronaldo, thì anh không phải là cá biệt. Ai mà không có quyền sống cho chính mình. Nếu anh bắt bóng không giỏi, bạn mới hãy lên tiếng. Còn việc anh dùng hình ảnh của mình bằng chính sức lao động của mình để lo cho gia đình, cho ước vọng bản thân, chúng ta nên ủng hộ chứ.

Với tôi, nghề nào cũng là nghề. Chưa kể, là một cầu thủ, anh vẫn có thể xây dựng cho mình một hình ảnh lịch lãm, nó sẽ giúp anh có những hợp đồng quảng cáo thời trang như Ronaldo. Có bao giờ chúng ta từng nghĩ đến chính mình, có bao giờ ta dám vượt qua định kiến xã hội, sống cuộc đời của chính mình chưa? Hãy thôi phán xét chê trách người khác, nó không làm ta thành công hơn, trưởng thành hơn. Nó chỉ khiến ta nhỏ nhen ích kỷ tầm thường và bóp chết giấc mơ của người khác. Người thành công luôn biết cách động viên người khác trải nghiệm nhiều khi còn trẻ, thay vì chê bai họ. Ai mà ko thất bại, ai mà không đứng dậy từ những trải nghiệm, và ai dám tuyên bố mình luôn luôn đúng, chỉ có sợ thất bại, sợ trải nghiệm mới hèn mà thôi. Còn thì hãy sống cho chính mình, vì mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống.

Dũng à, anh từng vượt lên những định kiến suy nghĩ của người khác để chứng minh đam mê nghề MC của anh là đúng, dù anh học Bách Khoa và không được mọi người ủng hộ khi anh thử sức đam mê cầm mic. Anh cũng từng lo sợ như em, nhưng anh biết, không ai hiểu mình bằng chính mình. Em cứ bước đi trên đôi chân mình, đừng đọc comment tiêu cực nữa. Nếu e tin mình lựa chọn đúng, em cứ thử sức. Tuy thế, vẫn nhớ chuyên môn của em là bắt bóng, luôn trau dồi kỹ năng, đừng để kẻ khác có cơ hội nói những lời ác ý đến mình. Thử sức là tốt, em có thể song hành việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cá nhân, để sau này khi giã từ sự nghiệp, em vẫn có được cho mình sự nghiệp riêng, và nuôi sống bản thân từ chính hình ảnh đó.

“Thà dám thử và chấp nhận hậu quả nếu có còn hơn là đứng ngó mà không dám làm gì hết trong suốt quãng đời còn lại.” Chúc em luôn thành công với những đam mê và quyết định của em. Anh Nguyên Khang gửi Bùi Tiến Dũng".

img

Minh Tiệp cho rằng việc các cầu thủ tham gia nghệ thuật là chuyện bình thường.

img

Trang Trần nhắn nhủ đến Bùi Tiến Dũng: "Nhiều người nói không nên nhưng tôi thì nghĩ như thế này: nên chứ! Chỉ là thời gian quá ngắn em chưa tập cho thần thái hơn thôi. Mình nghĩ cầu thủ đẹp trai, cao ráo như em tham gia quảng cáo trình diễn kiếm được tiền trong sạch là được, đàng hoàng là được miễn sao em bắt bóng vẫn chuẩn và ngày một chuẩn hơn.

Tôi vẫn ủng hộ em tham gia quảng cáo và trình diễn khi nó không ảnh hưởng đến sự nghiệp bóng đá và không bị mấy mẹ yêu nhền nhện giăng bẫy. Em cứ kiếm tiền khi có cơ hội để giúp đỡ gia đình, để dằn thân tài sản. Hãy vững tin và tập bóng thật ngày một suất sắc".

img

Hoàng Oanh đồng ý với ý kiến của Trang Trần. Lại Thanh Hương chia sẻ: "Đá bóng tuổi thọ ngắn, các ông các bà có nuôi nó được đồng nào đâu mà chê bai. Mấy đứa này có show có tiền hợp lí cứ nhận cả chứ nhỉ? Thằng em walk yếu thật nhưng người ta quan tâm sự xuất hiện của nó với bộ đồ là chính chứ việc đi đẹp đi xấu là phụ thôi".

img

Hoàng Bách cho rằng mọi người hãy để các cầu thủ tận hưởng sự nổi tiếng: "Các thành viên U23 bây giờ rất nổi tiếng, không ai có thể phủ nhận, và chính bản thân các em cũng không thể trốn tránh điều đó. Tại sao lại cứ phải lo ngại, thậm chí chỉ trích vì những việc các em đang làm?

Theo dõi bóng đá Thế giới mỗi ngày cũng như là một thành phần của showbiz, giới mà người ta cho là phức tạp từ mười mấy năm nay, tôi cho rằng, nổi tiếng là một thứ mà người ta không thể "đỡ" được khi nó tới, muốn phủ nhận nó cũng không thể được. Nổi tiếng không xấu, không phải ai nổi tiếng cũng trở nên xấu đi. Điều cần làm để có thể sống tốt, làm việc tốt, chắc chắn không phải là trốn tránh, mà phải là đối mặt, học làm quen và tận dụng nó một cách tích cực. Sẽ có 3 dạng phản ứng khi ngôi sao nổi tiếng chiếu vào mình:

Loại thứ nhất: lẩn trốn, không thích nghi được, kiếm được rất nhiều tiền nhưng cũng rất nhanh chóng bị chính hào quang đó phá hỏng cuộc đời cũng như sự nghiệp của mình, có thể kể ra trong giới cầu thủ là Adriano, Adrian Mutu hay phần nào đó là Maradona (ông này thực ra quá tài năng và may mắn nhưng cũng là dạng không thích nghi được với sự nổi tiếng), Văn Quyến, Quốc Vượng.

Loại thứ hai: thích nghi, ngày càng chỉn chu, chuyên nghiệp trong công việc cũng như hình ảnh, kiếm được rất nhiều tiền và trở thành những thần tượng của xã hội, loại này rất nhiều ở những nền bóng đá chuyên nghiệp, ví dụ như Beckenbauer, Beckham, Totti, Paolo Maldini,C.Ronaldo, Messi hay Huỳnh Đức, Công Vinh.

Loại thứ ba: không quan tâm đến những gì ngoài công việc chính của mình như Paul Scholes, Xavi, Iniesta cũng như phần lớn các cầu thủ Việt Nam.

Các cầu thủ đang rất trẻ, không có nghĩa là họ không được phép làm những việc ngoài bóng đá mà CLB không cấm, HLV không cấm và luật pháp cho phép. Tận dụng hình ảnh của mình để kiếm tiền chẳng những không có gì sai, mà theo tôi, nên khuyến khích, chỉ với điều kiện, họ không bỏ bê công việc chính để làm điều đó.

Chúng ta rất nên làm quen lại với một khái niệm rất cũ, nhưng lại khá lạ lẫm, rằng các cầu thủ, những người có thể mang niềm vui-nỗi buồn đến cho số đông phải là những celebrity, và nên chuyên nghiệp nhất có thể với danh phận đó.

Đời cầu thủ rất ngắn, đặc biệt ở Việt Nam còn ngắn hơn, chính họ và các HLV là những người hiểu hơn ai hết điều đó, nên phải tận dụng để gây ấn tượng trên sân tập, trên sân đấu và cũng phải tận dụng để tạo sự nghiệp ngoài bóng đá cho mình. Khi họ đá dở, chính họ là những người sẽ bị thải loại đầu tiên, và nên nhớ, số tiền họ kiếm được (cho bản thân và CLB) từ hình ảnh sẽ chẳng thấm vào đâu, và khi họ không được ra sân, chỉ một mùa thôi, tên tuổi họ sẽ bị chôn vùi vào quên lãng.

Hãy chỉ trích khi họ cầm một ly rượu, hút một điếu thuốc hay giao du với những thành phần bất hảo. Hãy cổ vũ khi họ biết chỉn chu mỗi lần xuất hiện, chuyên nghiệp trong tác phong và kể cả "giữ khoảng cách" với người hâm mộ khi cần thiết.

Hãy nhìn những tấm gương của Adriano, Văn Quyến hay ngược lại là Beckham, Công Vinh. Các bạn muốn các tài năng đi theo hướng nào: bản năng, lẩn trốn sự chuyên nghiệp, lao vào các cuộc chơi như con thiêu thân rồi lụi tàn hay chuyên nghiệp, sạch sẽ và cống hiến lâu dài cả về chuyên môn lẫn hình ảnh?

Xin đừng vì yêu mà biến mình thành những ông bố, bà mẹ cổ hủ, khó tính, hãy để các cầu thủ tận hưởng sự nổi tiếng, và chúng ta sẽ được tận hưởng sự chuyên nghiệp của họ".

Thu Trang (Nld.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem