Loay hoay xác định nông sản chủ lực: Gấp rút định vị lại sản phẩm

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 12/01/2017 14:07 PM (GMT+7)
Trước thực tế một số loại nông sản chủ lực sụt giảm tăng trưởng, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng đã đến lúc chúng ta không cần tự hào là cường quốc xuất khẩu gạo, cà phê hay cá tra nữa, bởi những người làm ra sản phẩm này thu nhập vẫn thấp.
Bình luận 0

Điều cần làm là “chế biến” các sản phẩm có nhiều thế mạnh như lúa gạo, trái cây... thành những “chiếc bánh” ngon hơn, để những người làm ra chúng thu lãi hợp lý hơn…

Thay đổi ngay tư duy làm ăn

Theo chuyên gia nông nghiệp, GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, thách thức đối với nông sản chủ lực ĐBSCL là chi phí sản xuất cao, sản phẩm bán ra đắt tiền hơn so với sản phẩm của các nước khác nhưng chất lượng, sản lượng lại không đảm bảo, nếu không tổ chức lại sản xuất sẽ thua ngay trên sân nhà. Thực tế cho thấy, hầu hết nông dân vẫn làm ăn riêng lẻ. Trong khi đó, các HTX hoạt động chưa thật sự hữu hiệu, nhiều trường hợp nông dân và doanh nghiệp không tin tưởng vào nhau dẫn đến bất đồng trong khâu sản xuất và tiêu thụ. Những hiệp định thương mại được ký kết sẽ không có lợi cho nông dân làm cá thể, không sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP... Chính vì vậy phải thay đổi ngay tư duy sản xuất các loại nông sản chủ lực.

img

Thu hoạch mía ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Huỳnh Xây

Về phía người dân, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, phải có sự chủ động làm ra nông sản sạch, theo hướng giảm chi phí sản xuất, bởi người tiêu dùng hiện nay sẽ chọn dùng hàng tốt nhất và rẻ nhất. Do đó, sản phẩm nông sản của chúng ta có chất lượng thấp mà bán giá cao hơn hàng ngoại nhập thì sẽ sớm thua trên sân nhà.  


“Nhà nước phải đầu tư giống cây, con có chất lượng theo yêu cầu thị trường, tạo ra các giống cây, con có khả năng thích ứng cao với hạn, mặn và kháng bệnh, chuyển giao các giải pháp kỹ thuật nhằm hạ giá thành sản xuất, ít hao hụt trong quá trình thu hoạch và luôn tạo ra sản phẩm mới để tăng tính cạnh tranh. Phía các doanh nghiệp, phải tham gia vào chuỗi giá trị, liên kết với nông dân, tìm tòi các cách làm mới, học hỏi kinh nghiệm các nước khác trong công nghệ chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu có uy tín. Có như vậy mới phát huy lợi thế nông sản sẵn có trong nước. Nếu không thay đổi suy nghĩ và phương pháp làm ăn, tới đây, khi thị trường mở cửa sâu rộng theo các hiệp định, các doanh nghiệp quốc tế sẽ tràn vào và chèn ép, đè bẹp các công ty kinh doanh mặt hàng nông sản lạc hậu trong nước” – GS Võ Tòng Xuân nói.

Đối với một số nông sản cụ thể như cây mía, PGS-TS Lê Văn Bảnh – Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thuỷ sản và Nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết, công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch sản xuất mía đường ở ĐBSCL còn nhiều hạn chế. Vị trí xây dựng một số nhà máy đường chưa phù hợp, vùng nguyên liệu của nhà máy được đặt ở vùng đất khô cằn, phân tán và đan xen với cây trồng khác nên gặp khó khăn trong vận chuyển nguyên liệu như các nhà máy đường Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau... Hệ quả là các nhà máy này không có đủ nguyên liệu cho chế biến, khả năng phải di dời, một số nhà máy khác phải mua nguyên liệu từ vùng xa. Công tác đầu tư giống mía cũng chưa có chuyển biến rõ rệt, thâm canh chưa hợp lý, cơ giới hoá còn rất thấp, đặc biệt là trong khâu thu hoạch, khiến tổn thất trong khâu này còn lớn. Ngoài ra, việc sản xuất các phế phẩm, phụ phẩm từ cây mía vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Tương tự với cây điều, tuy được xác định là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực (nhiều nhất là ở Long An), nhưng hiện nay mặt hàng nông sản này đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu chế biến (khoảng 50%), thiếu lao động ở các doanh nghiệp (từ 15-20%). Nguyên nhân là do quy hoạch diện tích trồng điều chưa được các địa phương quan tâm đầu tư.

Quy hoạch sản xuất gắn với liên kết vùng

img

Nông dân thu hoạch mía ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Huỳnh Xây

Về các sản phẩm nông sản chủ lực vùng ĐBSCL, ông Trần Hữu Hiệp – Ủy viên chuyên trách kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết, đã đến lúc chúng ta không cần tự hào là vựa lúa, cường quốc số 1, số 2 thế giới về xuất khẩu gạo, cá tra hay trái cây nữa, bởi thực tế cho thấy những người làm ra sản phẩm này cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi cho ngành trồng trọt, chăn nuôi, các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, trái cây, thuỷ sản cần được “chế biến” thành những “chiếc bánh” ngon hơn để những người làm ra nó thu lãi hợp lý hơn.

Cũng theo ông Hiệp, trong điều kiện cạnh tranh và thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay, các cơ quan chuyên môn cần tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị cao, tăng cường năng lực hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các vùng miền khác trong cả nước. Đưa nhanh các công nghệ mới vào tất cả các khâu sản xuất nông sản, xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao dựa vào những tiến bộ kỹ thuật mới. “Cần quy hoạch lại vùng sản xuất theo liên kết vùng, gắn với nhu cầu thị trường. Quá trình này phải chú trọng đến việc cải tiến đổi mới cơ chế chính sách nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực” – ông Hiệp nói.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, thời gian có có tình trạng một số tiểu vùng luôn độc canh cây lúa, các loại nông sản khác có phát triển nhưng chưa tương xứng, hoặc phá vỡ quy hoạch khiến mất cân đối cung – cầu. Vì vậy, thời gian tới việc liên kết phát triển giữa các địa phương là rất cần thiết, sẽ giúp các tỉnh giải quyết được an ninh về nguồn nước, có nhiều cơ hội kêu gọi đầu tư, điều tiết thị trường… Trong mối liên kết này, phải đảm bảo không có sự tranh chấp nguồn nước, cũng như thay đổi tập quán sản xuất của người dân. Nếu chúng ta vẫn phát triển cây trồng nhỏ lẻ, manh mún thì sẽ không xây dựng được thương hiệu nông sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem