Lời cảnh báo bằng máu cho nghề mua phế liệu sau vụ nổ ở Văn Phú

Phạm Huyền – Vinh Hải Chủ nhật, ngày 20/03/2016 19:00 PM (GMT+7)
Vụ nổ kinh hoàng ở KĐT Văn Phú, Hà Đông khiến 4 người chết mà nguyên nhân ban đầu là do người thu gom phế liệu xử lý vật liệu nổ không đúng cách như một lời cảnh báo bằng máu cho những người đang làm nghề buôn bán phế liệu.
Bình luận 0

Thấy đồ lạ là bỏ ngay

Chị Phạm Thị Hiền (Xuân Trường, Nam Định) buôn bán phế liệu ở Xuân Thủy, Cầu Giấy cho biết: “Tôi làm nghề này được 15 năm rồi nhưng chưa bao giờ gặp những vật liệu nào nguy hiểm. Khi thu gom phế liệu từ người dân thấy vật gì lạ tôi không dám mua. Khâu chọn lọc vật liệu ngay từ khi nhập hàng như thế sẽ rất an toàn, tránh những trường hợp cháy nổ nguy hiểm”.

Vụ nổ nghiêm trọng vào chiều 19.3 do một người mua gom phế liệu xử lý vật liệu nổ đã làm những người như chị Hiền cảnh giác, cẩn trọng hơn trong quá trình mua gom phế liệu. “Sau khi biết được tai nạn ở Văn Phú, Hà Đông những người làm nghề như tôi cũng khá hoang mang. Từ chiều hôm qua đến giờ người thân ở quê gọi điện lên dặn dò khi mua hàng phải lựa chọn cẩn thận”, chị Hiền nói.

img

Người mua gom phế liệu ở Hà Nội đã cảnh giác, cẩn trọng hơn khi mua những vật liệu có khả năng gây cháy nổ (ảnh Phạm Huyền)

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Thủy (Tiền Hải, Thái Bình), người đã có 12 năm kinh nghiệm trong nghề mua gom phế liệu cho hay: “Khi mua gom hàng thấy vật gì nghi ngờ là tôi không mua. Những vật như bình oxi hay bình gas mini thì khi nhập về tôi sẽ chuyển ngay đến các cơ sở chuyên thu mua để họ làm đúng quy trình, chứ không tự ý khoan cắt, đề phòng nổ”.

Ông Thủy cũng khẳng định từ giờ sẽ không để cho những người làm thuê nhập hàng nữa. “Những đồ dễ nổ như bình gas, tôi gọi luôn cho cơ sở đến lấy luôn chứ không để lâu ở cửa hàng như trước. Hơn nữa, cũng phải để ý hơn đến vấn đề bảo hộ lao động phòng chống cháy nổ xảy ra. Kiếm tiền thì ai cũng muốn nhưng trước tiên phải bảo vệ mạng sống cho mình đã", ông Thủy nhấn mạnh.

Quá coi thường mạng sống mới làm thế

Anh Nguyễn Văn Toàn (chủ nơi chuyên thu mua các loại phế liệu tại Trung Kính, Hà Nội) cho biết vụ việc thực sự là một bài học đắt giá với những người làm nghề thu mua và xử lý phế liệu cũ. “Đọc báo tôi thấy thực sự xót xa cho các nạn nhân. Tôi nghĩ người thu mua phế liệu đó cũng chỉ vì không hiểu biết và tiếc ít kim loại màu mà người ta phải trả giá quá đắt”.

Trong khi đó, anh Giang (chủ cơ sở thu mua phế liệu ở đường Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng tỏ ra hết sức chia sẻ và xót thương cho các nạn nhân vụ nổ ở khu đô thị Văn Phúc (Hà Đông). Tuy nhiên, cũng là một người có thâm niên hơn 10 năm thu mua các loại phế liệu, anh Giang khẳng định người làm nghề lâu năm như anh có thể phân biệt được hết các loại đồ nào có thể là vật liệu nổ, đồ nào là an toàn để lựa chọn, quyết định mua.

img

“Không thể đùa với tính mạng của mình được. Cũng chẳng thêm được là bao nhiêu tiền nên tôi không bao giờ mua những thứ giống đầu đạn hay loại vật liệu nổ mà người ta đào được dưới đất. Thường tôi khuyên người ta nên hủy hoặc chôn đi cho an toàn chứ không bao giờ mua vì mình làm nghề lâu, hiểu quá rõ hậu quả của nó. Còn ai mà cố tình xử lý thì một là người mới vào nghề, hai là họ quá coi thường mạng sống của mình”, anh Giang nói.

Anh Nguyễn Việt Hùng (cơ sở chuyên mua phế liệu ở đường Ngọc Hồi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết gia đình anh đã có mười mấy năm kinh nghiệm thu mua các loại phế liệu, cũng gặp không ít trường hợp các loạt đầu đạn, quả đạn nhưng thường thì vứt đi ngay hoặc từ chối mua vì “anh đã trực tiếp thấy nhiều trường hợp cụt tay cụt chân vì cưa đầu đạn lấy đồng”. Đó là chưa kể chuyên chở trên đường, "lực lượng chức năng bắt được thậm chí phạt nặng chứ chẳng chơi".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem