Lợi dụng chính sách để... phá rừng

Thứ tư, ngày 28/12/2011 21:51 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lợi dụng việc khai thác gỗ để thực hiện xóa nhà tạm, nhiều đối tượng đã ra tay tàn phá rừng. Trong khi đó, việc quản lý của các cơ quan chức năng về chương trình này lại hết sức lỏng lẻo.
Bình luận 0

Quyết định 167/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở cho phép người nghèo tại khu vực có rừng được khai thác gỗ để xóa nhà tạm. Lường trước khả năng rừng bị phá, Quyết định 167 có ghi: “Nghiêm cấm việc lợi dụng khai thác gỗ vào mục đích khác”. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra ở Phù Yên (Sơn La) lại không hoàn toàn như vậy…

img
Những gốc cây lớn bị đốn hạ tại khu vực Đồng An, xã Mường Lang, Phù Yên.

Rừng “sôi sùng sục”

Thời điểm này, dọc các con đường trong xã Mường Do - một trong những xã còn nhiều rừng của Phù Yên, nhiều gia đình đang dựng nhà mới. Phần lớn những gia đình làm nhà trong đợt này đều là hộ chính sách, được cấp giấy khai thác gỗ để xóa nhà tạm nên họ tranh thủ cất nhà để kịp đón Tết. Bên cạnh đó, phong trào “gả bán” nhà sàn về xuôi cũng tăng đột biến trong thời gian này.

Một “thổ dân” nơi đây cho biết, hiện tại, nhà gỗ được rao bán với giá rất rẻ, có những căn chỉ vài chục triệu, cao lắm là 50 - 60 triệu đồng.

Trong vai người mua phản gỗ, chúng tôi vào một xưởng mộc ở Bản Phách. Chỉ vào bộ phản gỗ đỏ au, gồm 3 tấm dày cỡ gang tay đang hoàn thiện, 2 thợ mộc trong xưởng phát giá 13 triệu đồng. Họ còn cho chúng tôi xem kho gỗ phía sau xưởng. Gần chục bản gỗ ngoại cỡ, chiều ngang chừng 60cm, nếu trả giá hợp lý có thể ngả ra đóng phản luôn. Gỗ không hề có dấu búa kiểm lâm, cạnh những phản gỗ lớn là một bộ cưa xăng - loại máy móc phù hợp với việc đi rừng hơn là trong xưởng gỗ.

Hai thợ mộc cũng nói luôn: “Gỗ không có giấy tờ, vừa mua lại của dân, khách ưng ý thì tự lo khâu vận chuyển”.

Đi về cuối xã Mường Do, theo những vệt gỗ còn hằn trên mặt đường, chúng tôi ngược lên rừng. Cũng không phải kỳ công leo dốc, lội suối, từ đường cái, đi chừng 15 phút đã có thể thấy những cây rừng lớn cả vòng tay người ôm bị đốn ngã. Càng vào sâu phía trong, nhiều cây rừng có đường kính thân bằng cả sải tay người chỉ còn trơ gốc với vết cưa còn mới. Gỗ đã được xẻ thành tấm kéo đi, vương vãi xung quanh là những phần thừa thẹo và lá còn xanh. Từ xa, thi thoảng những tiếng máy cưa xăng vọng lại.

Kiểm soát khai thác gỗ bằng... mạt cưa

Tuy gỗ được kéo về phía Mường Do nhưng cánh rừng chúng tôi đi vào lại thuộc xã Mường Lang. Ông Hà Văn Lừng - Chủ tịch UBND xã Mường Lang cho biết, vì rừng gần với xã Mường Do nên ông đã thống nhất để UBND xã này cho dân khai thác về làm nhà. Nhưng khi hỏi những văn bản về việc này, ông Lừng nói, hai xã chỉ thống nhất bằng… miệng, bao nhiêu cây rừng thuộc địa phận Mường Lang đã để phía Mường Do khai thác chưa được thống kê.

Một kiểm lâm viên giữ... 300ha rừng

Hiện nay, Lâm trường Phù Bắc Yên (quản lý 6.500ha rừng phòng hộ và rừng trồng thuộc địa bàn hai huyện Bắc Yên và Phù Yên) đang được Sở NNPTNT Sơn La cho phép khai thác tận thu 321m3 gỗ tại xã Mường Do. Ông Nguyễn Xuân Nghiêm - Giám đốc Lâm trường cho biết, do lâm trường không đủ người nên phải ký hợp đồng thuê người dân khai thác. Ông Nghiêm cho biết, với 17 cán bộ, trung bình mỗi cán bộ lâm trường quản lý 250 - 300ha nên khó kiểm soát hết việc lâm tặc phá rừng.

Trở lại một “cửa rừng” tại xã Mường Do, chúng tôi chứng kiến một chiếc xe tải cắm đuôi sát bìa rừng. Hàng chục phiến gỗ, cột gỗ dài hơn chục mét đang được chừng 20 phu gỗ bốc lên xe. Các phu gỗ cho biết đây là gỗ của dân, kéo về làm nhà tạm. Gỗ không hề có dấu búa hay bất cứ một ký hiệu kiểm soát khai thác nào.

Cùng lúc đó, ông Đinh Văn Phương - cán bộ kiểm lâm huyện Phù Yên tới nơi. Kiểm tra giấy phép khai thác thấy đã hết hạn 3 tháng nhưng ông Phương vẫn buộc phải cho xe gỗ đi. Ông Phương nói: Không thể xác định gỗ này đã được khai thác ở đâu, vào thời điểm cụ thể nào nhưng… nhìn mạt gỗ đã xanh, chứng tỏ gỗ được khai thác từ trước, dân tập hợp trên rừng đến thời điểm này mới kéo về.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Thường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phù Yên cho biết: Theo quy định hiện nay, gỗ khai thác về nhà dân sử dụng không phải đóng dấu búa nên cán bộ kiểm lâm không thể kiểm soát được hết. Vì thế, việc quay vòng giấy khai thác gỗ làm nhà tạm có thể xảy ra. Còn việc kiểm soát gỗ làm nhà tạm có được bán đi nơi khác không, ông Thường cũng thừa nhận rằng không thể quản lý hết được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem