Lợi dụng lũ lụt để trục lợi từ thiện có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 13/09/2024 10:51 AM (GMT+7)
Tùy vào tính chất và mức độ, người thực hiện hành vi lợi dụng lũ lụt trục lợi từ thiện có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bình luận 0

Lợi dụng bão số 3 để trục lợi từ thiện

Thời gian gần đây, lợi dụng thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn quận Ba Đình đã xuất hiện các cá nhân đăng tin trên trang zalo, Facebook để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão.

Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin tại các địa điểm bị thiệt hại do bão, lũ gây ra, giả mạo Hội phụ nữ phường Quán Thánh, Nguyễn Trung Trực, Trúc Bạch để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.

UBND quận Ba Đình khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc, đồng thời, đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin cảnh báo rộng rãi để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác. Việc phát hiện và báo cáo các trang mạo danh, lừa đảo cũng là một cách để góp phần bảo vệ cộng đồng.

Lợi dụng thiên tai kêu gọi từ thiện để trục lợi có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) khiến nhiều người mất tích, để lại nỗi đau cho nhiều gia đình. Thế nhưng đã có đối tượng lợi dụng sự kiện này để trục lợi từ thiện. Ảnh: NC

Đồng thời, khuyến cáo các trang mạng xã hội không thông tin sai lệch về tình hình bão lũ tại địa phương. Những hành vi này sẽ bị xem xét xử lý nghiêm khắc theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Ngoài ra, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, vừa qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu.

Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lâm Thao khẳng định, thời điểm này chưa thực hiện việc vận động kêu gọi ủng hộ đối với những người bị nạn và gia đình người bị nạn.

Do vậy, thông tin Ủy ban MTTQ huyện Lâm Thao kêu gọi ủng hộ những người bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu trên mạng xã hội là không chính xác; người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân trên trang fanpage giả mạo.

Căn cứ xử lý hình sự 

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 5 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong kêu gọi từ thiện bao gồm: Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.

Báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật, chiếm đoạt, phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện.

Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Như vậy, hành vi lợi dụng thiên tai, lũ lụt để kêu gọi và trục lợi tiền từ thiện là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Tùy vào tính chất và mức độ mà người thực hiện hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính, căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Mức phạt nêu trên là mức phạt đối với cá nhân, nếu tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền sẽ gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đồng thời, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy các đối tượng có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền từ thiện của các mạnh thường quân thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự.

Về vấn đề ai được kêu gọi từ thiện, luật sư Thơ cho biết, Điều 2 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định, những tổ chức, cá nhân được kêu gọi từ thiện bao gồm:

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi, vận động; Ban Vận động - do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai vận động, tiếp nhận đóng góp tự nguyện từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế vận động, tiếp nhận và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Các quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem