Lời kể của những thuyền viên trở về từ hang ổ cướp biển

Thứ tư, ngày 25/07/2012 06:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chúng tôi đang đánh câu thì nghe tin có cướp trên biển. Chỉ ít phút sau bọn cướp xuất hiện và toàn bộ chúng tôi bị bọn cướp bắt giữ và đưa tới một hòn đảo ngoài biển để giam cầm 7 - 8 tháng...
Bình luận 0

Đúng 15 giờ 30 chiều 24.7, 12 thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu đánh cá Shiuh Fu-1 của Đài Loan đã về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) sau 19 tháng bị cướp biển Somalia bắt giữ.

Khắc khoải mong chờ

Dù theo dự kiến, chuyến bay chở các thuyền viên phải 15 giờ mới đáp xuống sân bay Nội Bài nhưng người thân, gia đình của 12 ngư dân may mắn đã có mặt trước đó cả tiếng đồng hồ.

Những ông bố, bà mẹ với gương mặt khắc khổ lo âu, nước da sạm đen vì nắng gió vụng về cầm trên tay những bó hoa tươi, mắt rưng rưng nhìn về phía cửa ra chờ bóng dáng đứa con thân yêu trở về từ cõi chết.

img
Nước mắt hạnh phúc của người thân thuyền viên Hồ Xuân Hương trong ngày hội ngộ.

Bà Nguyễn Thị Ngải - mẹ của thuyền viên Nguyễn Thanh Tú (SN 1986 ở Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An) mắt đỏ hoe:

"Hơn 1 năm rưỡi sau khi nghe tin con bị cướp biển bắt, gia đình chúng tôi tưởng như chẳng còn hy vọng gì nữa thì bỗng nhiên nhận được điện thoại thông báo con tôi đã được giải cứu và chuẩn bị trở về với gia đình.

Đến khi được nghe giọng con trong điện thoại, tôi mới biết không phải mình mơ. Mừng quá. Chiều qua, gia đình chúng tôi thuê xe từ quê lên đây để đón con. Bị cướp biển bắt hành hạ thế, chắc nó gầy đi nhiều lắm…".

Nói chưa dứt câu, người mẹ tội nghiệp này đã òa khóc. Bà Bùi Thị Huyền - mẹ thuyền viên Hồ Xuân Hương (SN 1989 ở Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An) - cũng chung niềm xúc động như bà Ngải. Nghe tin con được giải cứu, bà Huyền cùng gia đình đã thuê xe lên Hà Nội từ 22 giờ đêm qua để đón con.

Bà Huyền cho biết: "Con trai tôi bắt đầu đi sang làm việc ở tàu đánh cá của Đài Loan từ tháng 12.2009. Đến năm 2010, gia đình tôi mới biết tin con bị cướp biển bắt giữ. Khi nghe tin con bị bắt, cả nhà tôi ăn không ngon, ngủ không yên.

Thông tin liên lạc duy nhất lúc đó chỉ có tờ giấy của công ty đánh về thông báo và được biết bọn cướp bắt chuộc người với giá 3.000 USD. 19 tháng trôi qua, gia đình tôi nghĩ đã mất con chứ không có cơ hội gặp lại nữa".

Cũng theo lời bà Huyền, từ khi anh Hương lên tàu ra biển, gia đình bà không có tin tức gì của con. Trong khoảng thời gian bị bắt, có 2 lần anh Hương gọi điện về cho gia đình, nhưng chỉ bảo mẹ nói với tất cả các gia đình thuyền viên ra thúc giục công ty gom tiền để chuộc các thuyền viên về.

Niềm vui hội ngộ

Đúng 15 giờ 30, 12 thuyền viên bắt đầu xuất hiện ở cửa ra đường bay quốc tế. Tất cả không gian như vỡ òa ra bởi những tiếng khóc, tiếng cười, tiếng những người thân yêu gọi tên nhau. Các thuyền viên nước da đen sạm, khuôn mặt gầy guộc, khắc khổ được bao quanh bởi bố mẹ, anh chị em và cả những người xa lạ đến chia vui trong ngày trở về quê hương của họ.

Thuyền viên Trần Minh Trí (SN 1991, ở Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An) sợ hãi nhớ lại:

"Lúc đó, chúng tôi đang đánh câu thì nghe tin có cướp trên biển. Tuy nhiên, thuyền trưởng không tin nên vẫn tiếp tục cho thuyền đánh bắt. Chỉ ít phút sau bọn cướp xuất hiện và toàn bộ chúng tôi bị bọn cướp bắt giữ và đưa tới một hòn đảo ngoài biển để giam cầm 7 - 8 tháng.

Hàng ngày, chúng chỉ cho chúng tôi ăn hai bữa, mỗi bữa một bát cơm trắng rồi phải làm việc quần quật không biết bao nhiêu giờ. Nếu không nghe lời, chúng đánh đập rất dã man, thậm chí còn rút súng dọa giết".

Thuyền viên Lưu Đình Hùng (SN 1990, ở Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết thêm: "Lúc phát hiện có cướp biển, em đã vào đánh thức toàn bộ thuyền viên nhưng mọi người chạy không kịp nên đã bị bọn chúng bắt. Chúng có khoảng 50 người, rất dữ tợn, tràn vào tàu bắt và đánh đập tất cả mọi người".

Ông Nguyễn Xuân Tạo - Trưởng phòng Quản lý lao động (Cục Quản lý lao động nước ngoài - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: "Để các thuyền viên được về nước hôm nay, trong quá trình thương lượng với bọn cướp biển cũng gặp không ít khó khăn. Lẽ ra, theo thỏa thuận thì người lao động được về nước từ tháng 3 vừa rồi nhưng vì nhóm hải tặc cũ lại chuyển nhượng thuyền viên cho nhóm hải tặc mới tiếp quản tàu nên quá trình đàm phán bị chậm trễ. Thứ hai là số tiền phía hải tặc đưa ra quá lớn so với khả năng của chủ tàu đánh cá xa bờ Đài Loan".

Vừa khóc vì vui mừng trong vòng tay của bố mẹ, thuyền viên Nguyễn Văn Hải (SN 1992, ở Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An) vừa nhớ lại:

"Sau khi bắt được chúng tôi, bọn cướp đưa 12 thuyền viên tới một hòn đảo như hoang mạc, chỉ có đá và cây, không có nước, không có gì cả.

Tất cả chúng tôi sống trong một gốc to có tán lạ rộng khoanh tròn. Lúc nghỉ ngơi, thường thì chúng tôi nằm ở ngoài trời, chỉ khi nào nắng nóng 38 - 40 độ C thì mới chui vào gốc cây tránh nắng. Chúng tôi không được ở một chỗ cố định mà cứ vài ngày lại phải chuyển đi một nơi khác nhau.

Hòn đảo đó rất rộng, tôi từng bị bắt di chuyển suốt 5 ngày mà không đi hết một vòng đảo. Mỗi ngày chỉ có khoảng 3 - 4 cân gạo cho 26 người cả Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc. Bữa nào cũng chỉ có 1 bát cơm trắng mà không có thức ăn gì. Khi làm việc không theo yêu cầu của chúng, không nghe lời là chúng đánh đập dã man. Chúng bắt chúng tôi phải bê đồ ở các thuyền bị cướp lên bờ và làm máy móc".

Được gặp lại đứa con thân yêu của mình, tất cả những người bố, người mẹ ở các vùng biển nghèo trên dải đất miền Trung đều khẳng định một điều, từ nay sẽ không bao giờ để con đi đánh bắt xa bờ thế nữa. Quanh quẩn gần bờ dù khó khăn, vất vả, nhưng hạnh phúc hơn nhiều so với những gì mà họ đã trải qua suốt 19 tháng qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem