"Lõi nghèo" có nhiều rừng, nhưng người dân lại có thu nhập thấp hơn mức chuẩn nghèo

Khương Lực Thứ ba, ngày 27/07/2021 12:45 PM (GMT+7)
Thảo luận tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, một số đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những bất cập ở những "lõi nghèo" - nơi có tỷ lệ che phủ rừng cao, nhưng người dân sống dưới tán rừng lại nghèo và có thu nhập thấp.
Bình luận 0

Sáng 27/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. 

Nhận khoán bảo vệ rừng, thu nhập hộ dân vẫn thấp hơn chuẩn nghèo

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Triệu Thị Huyền (Yên Bái) thống nhất cao việc Quốc hội phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. 

Nói về hạn chế, tồn tại trong chương trình giảm nghèo, ĐBQH Triệu Thị Huyền nhận định, tốc độ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn nằm trong nhóm cao nhất của cả nước. Một bộ phận các hộ đã thoát nghèo, nhưng ở khu thường xuyên chịu tác động của thiên tai vẫn có nguy cơ cao tái nghèo. 

"Lõi nghèo" có nhiều rừng, nhưng người dân lại có thu nhập thấp hơn mức chuẩn nghèo - Ảnh 1.

Với chính sách khoán bảo vệ rừng quy định tại Nghị định số 75/2015 của Chính phủ, thu nhập bình quân của 1 hộ 4 người khoảng 250.000đồng-500.000/người/tháng, thấp hơn so với chuẩn nghèo 2021-2025. Ảnh: Khương Lực

"Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn ở mức cao và thu nhập bình quân đầu người thấp. Theo báo cáo của Chính phủ, dân số người đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,7% dân số cả nước, nhưng tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tới 57,1% số hộ nghèo của cả nước" - ĐBQH Triệu Thị Huyền nói.

Theo ĐBQH Triệu Thị Huyền, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện trạng trên là khu vực miền núi phía Bắc có địa hình đồi núi chia cắt mạnh, lại thường xuyên chịu tác động của thiên tai, hơn nữa hạ tầng kinh tế xã hội thiếu đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, diện tích đất canh tác hạn chế, người dân còn thiếu tư liệu sản xuất, trình độ dân trí chưa đồng đều, chất lượng nhân lực thấp. 

Bên cạnh đó, khu vực miền núi phía Bắc nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, là địa bàn có tỷ lệ che phủ rừng cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước, với nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở đây cũng cao nhất cả nước. Lý do thu nhập của một bộ phận người dân nơi đây chủ yếu từ nhận khoán bảo vệ rừng. 

Với chính sách khoán bảo vệ rừng quy định tại Nghị định số 75/2015 của Chính phủ, ĐBQH Triệu Thị Huyền cho biết, thu nhập bình quân của 1 hộ 4 người rơi vào khoảng 250.000 - 500.000 đồng/người/tháng, thấp hơn so với mức chuẩn nghèo 2021-2025. 

Vì vậy, ĐBQH Triệu Thị Huyền kiến nghị Chính phủ quan tâm khẩn trương rà soát, điều chỉnh chính sách khoán bảo vệ rừng tại Nghị định 75 cho phù hợp thực tiễn. 

Đồng thời, sửa đổi bổ sung chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng theo hướng thông thoáng hơn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận để phát triển kinh tế dưới tán rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, phòng hộ. Qua đó, để đồng bào yên tâm phấn đấu thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ rừng.

ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần có giải pháp căn cơ, tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết về đời sống của người dân như tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số vùng nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đây là điều kiện tiên quyết cho công tác giảm nghèo bền vững.

"Theo thống kế, hiện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện còn 58.000 hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, trên 300.000 hộ thiếu nước sinh hoạt" - ĐBQH Âu Thị Mai thông tin.

Trong khi đó, theo ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam), từ năm 2022 sẽ chính thức áp dụng chuẩn nghèo mới, nâng mức cả về thu nhập, các chiều thiếu hụt, các dịch vụ xã hội: y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh... Do đó, chắc chắn tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng cao khi áp dụng chuẩn nghèo mới. 

"Điều này đòi hỏi rất lớn về nguồn lực, nhân lực và sự cố gắng của các địa phương, nhất là các nơi hiện nay đang là lõi nghèo, các huyện, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bãi ngang, ven biển, việc bố trí nguồn lực cần khả thi" - ĐBQH Trần Thị Hiền nói.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo

Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

"Lõi nghèo" có nhiều rừng, nhưng người dân lại có thu nhập thấp hơn mức chuẩn nghèo - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ tiếp thu và giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội. (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Việt Nam đã trải qua 6 lần điều chỉnh tiêu chí, từ tiêu chí về lương thực nhằm đảm bảo có ăn có mặc của quốc gia nghèo với 58,1% hộ nghèo vào năm 1993 đến xóa đói giảm nghèo áp dụng giá cả, thu nhập mức sống tối thiểu và giai đoạn hiện nay đang áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mà Việt Nam là 1 trong 30 nước trên thế giới và là nước đầu tiên ở Châu Á áp dụng với phương châm: Không để ai bị bỏ lại phía sau.

"Chúng ta đi từ chỗ ngân sách nhà nước phải đảm bảo hoàn toàn để triển khai giảm nghèo sang nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, người dân và hộ nghèo là chủ thể. Đây là bước đi rất dài về tư duy nhận thức, về hành động của Việt Nam. Trong công cuộc chống đói nghèo Việt Nam đã sớm hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới" - ông Dung nói.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%; tỷ lệ hộ nghèo ở 64 huyện nghèo cuối năm 2020 còn 23,42%, trung bình mỗi năm giảm 5,4%. 

Giai đoạn 2016-2020, giảm hơn 60% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu kỳ với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo. 

Các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra.

Cả nước hiện có 54 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, 27 huyện nghèo được hưởng cơ cế theo Nghị quyết 30a và 167/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Một số địa phương có tỷ lệ giảm hộ nghèo hết sức ấn tượng trong giai đoạn 2016-2020 như huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) giảm 40,66%, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) giảm 39,96%, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) giảm 34,51%, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) giảm 33,52%.

Về xử lý các trùng lặp giữa ba chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo có đối tượng và địa bàn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước. 

Trong đó bao gồm cả những đối tượng nghèo mới phát sinh vì các lý do khác nhau trong đó kể cả những ảnh hưởng do dịch Covid-19, đối tượng nghèo kể cả ở cả nông thôn và thành thị, chú trọng những địa bàn còn nhiều khó khăn. 

Trong khi đó, phạm vi của Chương trình xây dựng nông thôn mới là địa bàn khu vực nông thôn, các huyện, xã. Hai chương trình này trong giai đoạn 2016 - 2020 đã chạy song song các nội dung tương đối tách bạch. 

Còn Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về cơ bản có thể hiểu là, tách một phần đối tượng và địa bàn từ chương trình giảm nghèo hiện nay phạm vi tập trung đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do đó tương đối tách bạch.

Giai đoạn 2021- 2025 Việt Nam đặt ra mục tiêu yêu cầu cao hơn là giảm nghèo đa chiều nhưng thực chất và bền vững, giảm bình quân 1-1,5%/năm. Trong khi đó, chuẩn nghèo nâng lên từ 700 lên 1,5 triệu đồng khu vực nông thôn, từ 900 lên 2 triệu đồng khu vực thành thị dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đầu kỳ sẽ tăng rất cao.

Tiêu chí về thu nhập và tiêu chí về chiều thiếu hụt tăng cả về số lượng và chất lượng, nhiều nội dung thiếu hụt đòi hỏi phải có nguồn lực lớn như: Tái định cư, xóa nhà tạm, chống suy dinh dưỡng trẻ em hạn chế trẻ em thể trạng thấp còi.

Giai đoạn 2021- 2025 cần đầu tư thỏa đáng để mức sóng tối thiểu của người dân tăng dần gắn với mục tiêu phát triển bao trùm bền vững và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.

Giai đoạn này Việt Nam vừa giảm về tỷ lệ hộ nghèo nhưng đồng thời quan tâm giảm hộ nghèo một cách thực chất và bền vững. Giảm nghèo bao trùm có nghĩa là phải xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thiếu hụt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem